Doanh nghiệp địa ốc lao đao vì “dính”… khó khăn kép
Trong báo cáo tổng hợp cập nhật mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã đưa ra thông tin cho biết, hiện có hàng chục doanh nghiệp bất động sản đang gặp vướng mắc chưa được giải quyết sau cuộc làm việc của lãnh đạo TP.
Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt đời sống, kinh tế – xã hội; trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Dưới tác động của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải thay đổi chiến lược hoạt động, cố gắng “gồng mình” gánh lỗ để duy trì công ăn, việc làm, trả lương cho người lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn do yếu tố khách quan tác động đến, hiện có không ít doanh nghiệp đang phải “gánh” khó khăn kép do những nguyên nhân chủ quan từ việc chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục, phê duyệt dự án…
Điển hình, mới đây, do quá “sốc” trước việc bị gán ghép thông tin Vạn Phúc triển khai công viên chuyên đề không giấy phép, không qua đấu thầu, kèm theo đó là vẽ lên một bức tranh u tối về sự ô nhiễm của hồ điều tiết… bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land – chủ đầu tư Khu đô thị Vạn Phúc City đã buộc phải lên tiếng trên mạng xã hội để bảo vệ doanh nghiệp mình.
Theo đó, chia sẻ trên facebook cá nhân, CEO Đại Phúc cho rằng, đây là sự gán ghép thông tin khiên cưỡng, bởi bãi đất trống nơi khu vực làm công viên còn nguyên, chủ đầu tư không dám làm gì vì đang phải “vật vã” xin thủ tục.
Theo bà Hương, công viên chuyên đề tại Vạn Phúc City rộng 6,4ha được phê duyệt quy hoạch đầy đủ nhưng đến khi triển khai thì thủ tục bị hướng dẫn lòng vòng không hồi kết kéo dài đã hơn 2 năm nay vì chưa có tiền lệ.
“Đây là đất do chủ đầu tư bồi hoàn từng m2 được dùng vào mục đích quy hoạch công viên phục vụ cộng đồng, không phải đất công. Vất vả nhiều lần lên xuống khắp nơi trình bày cuối cùng lãnh đạo TP.HCM đã lắng nghe và có kết luận chỉ đạo "các hạng mục tiện ích trong các dự án do chủ đầu tư tư nhân phát triển, chủ đầu tư sẽ được ưu tiên triển khai mà không phải qua đấu thầu" nhưng đến nay chờ vẫn hoàn chờ”, CEO Đại Phúc Land chia sẻ.
Chia sẻ thêm, CEO Đại Phúc Land cho biết, để có khu đô thị gần 200ha thì tập đoàn mất gần 20 năm chuẩn bị và hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan theo quy định.
“Một hành trình quá dài với bao lần lên bờ xuống ruộng nhưng vẫn cố vượt qua. Thật sự không ai dám nói mình tròn trịa, chỉ cố gắng làm tốt nhất có thể được trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn và bất cập. Điều làm khách hàng hài lòng nhất là hầu như nhận nhà là có sổ và các hạng mục công trình tiện ích được đầu tư ngày càng chỉn chu, hoàn chỉnh. Các công trình xây dựng đảm bảo theo quy hoạch phê duyệt”, lãnh đạo Đại Phúc Land chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp chung cảnh ngộ
Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong việc chậm giải quyết thủ, phê duyệt dự án, không phải bây giờ các doanh nghiệp bất động sản mới lên tiếng mà việc này đã từng một vài lần được đưa ra báo cáo lãnh đạo TP.HCM.
Đáng chú ý, trong báo cáo tổng hợp cập nhật mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đưa ra thông tin cho biết, hiện có hàng chục doanh nghiệp bất động sản đang gặp vướng mắc chưa được giải quyết sau cuộc làm việc của lãnh đạo TP.
Theo HoREA, hiện không chỉ có Tập đoạn Đại Phúc mà Tập đoàn Novaland, Công ty HimLam…. cũng gặp khó khăn tương tự.
Cụ thể, theo HoREA, đối với Tập đoàn Novaland, thời gian qua UBND TP và các sở ngành đã xem xét, giải quyết được 4 dự án trong tổng số 14 dự án có vướng mắc trước đây. Hiện doanh nghiệp này còn 10 dự án đang được thành phố và các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương xem xét giải quyết.
Do đó, Hiệp hội đề nghị UBND TP và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quan tâm xem xét, giải quyết có lý có tình các kiến nghị của Novaland, hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phát triển ổn định sản xuất kinh doanh và góp phần thực hiện “Chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị” của thành phố.
Tương tự, Công ty Him Lam là chủ đầu tư dự án thành phần Khu nhà ở Him Lam, phường Phước Bình, quận 9 (nay là TP. Thủ Đức), có diện tích 2,16 ha với 34 nền nhà biệt thự, đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2003 và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực dự án từ năm 2010.
Dự án này là dự án thành phần thuộc Dự án Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc, phường Phước Bình, quận 9, do CTCP Địa ốc 10 làm chủ đầu tư chính, có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trục chính trên toàn bộ dự án.
Phía Him Lam cho biết, do Công ty Địa ốc 10 đến nay vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm của chủ đầu tư chính, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống hạ tầng và dự án này đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, điều tra nên dự án Khu nhà ở Him Lam vẫn chưa được giao đất để Công ty Him Lam thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và làm sổ đỏ cho khách hàng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 18.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 334.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và hơn 52% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, mặc dù, sự tăng trưởng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới, giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể là những tín hiệu hết sức tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, cũng trong 2 tháng đầu năm nay, đã có 33.600 doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, đang chờ hoặc đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng với mỗi tháng trung bình có 16.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay đang tiềm ẩn rất nhiều khó khăn do tác động từ nhiều phía, trong đó có dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Vì vậy, nếu không được “gỡ khó” về mặt chính sách, có thể còn không ít doanh nghiệp sẽ lâm vào cảnh giải thể, dừng hoạt động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận