menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hiểu Minh

Doanh nghiệp “dè dặt” với kế hoạch kinh doanh năm 2023

Kinh tế suy giảm, lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã và đang tác động trực tiếp đến các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Vào thời điểm hiện tại, không ít doanh nghiệp đang lo ngại tình hình suy giảm kéo dài và tác động mạnh sang cả năm 2023.

Ông Phạm Hải Long - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Nông sản xuất khẩu Sài Gòn (Agrex Sài Gòn) cho biết, đang bước vào mùa vụ cuối năm, nhưng hiện nay nhà máy chỉ đang duy trì 40-50% công suất do thiếu đơn hàng. Nếu như trước kia, mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu của Agrex Sài Gòn đạt 650 tấn hàng hóa các loại, nay giảm xuống chỉ còn khoảng 450 tấn/tháng. Thu nhập của người lao động tại doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng, đời sống khó khăn.

“Nguyên nhân chính là do các thị trường xuất khẩu chính của Agrex Sài Gòn như EU, Mỹ, Nhật… sụt giảm về nhu cầu khiến đơn hàng đứt gãy ít nhất đến hết 6 tháng 2023. Vì vậy, mọi chỉ tiêu kinh doanh lợi nhuận, thậm chí đến chế độ lương thưởng của người lao động cũng phải điều chỉnh đồng loạt để doanh nghiệp cầm cự, duy trì vượt qua khó khăn”, ông Long chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Công ty May mặc xuất khẩu Hùng Phương cho biết, thông thường những năm trước khi bước vào quý 3 hàng năm là doanh nghiệp đã ký đủ đơn hàng xuất khẩu qua các thị trường chính cho nguyên cả năm. Điều này đồng nghĩa với việc công nhân có đủ việc làm, kế hoạch doanh thu, lợi nhuận nằm trong tầm tay. Tuy nhiên, năm nay ban giám đốc công ty phải quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do hoạt động sản xuất kinh doanh không mấy sáng sủa, lượng đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, số lượng ngày tồn kho của hầu hết các thương hiệu và nhà bán lẻ đã tăng lên mức cao sau đại dịch, bắt đầu từ quý II/2022. Áp lực tiêu thụ hàng tồn kho và kế hoạch như mở rộng các chương trình khuyến mãi để đẩy hàng tồn kho được dự kiến sẽ kéo dài ít nhất đến cuối quý 4 năm nay hoặc tới nửa đầu 2023.

Báo cáo cập nhật triển vọng ngành dệt may của Chứng khoán Rồng Việt - VDSC vừa công bố, đưa ra dự báo xuất khẩu của ngành dệt may xấu đi trong nửa đầu 2023 do những diễn biến bất ổn của tình hình vĩ mô thế giới tiếp tục gây áp lực lên sức tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.

Chẳng hạn lạm phát tại Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được dự báo sẽ giảm từ từ nên sẽ tiếp tục tác động tiêu cực lên nhu cầu tiêu dùng của nhóm hàng không thiết yếu, trong đó có sản phẩm may mặc. Trong khi lượng hàng may mặc và giày dép nhập khẩu của Hoa Kỳ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 8. Từ đó tạo sức ép trong việc tiêu thụ hàng tồn kho trong quý IV/2022, thậm chí kéo dài cho đến nửa đầu năm 2023.

Không chỉ thị trường Hoa Kỳ mà các sản phẩm quần áo may mặc trong nhóm sản phẩm bán lẻ phi thực phẩm cũng ghi nhận tăng trưởng thấp nhất ở thị trường Anh trong quý III/2022.

Nhìn chung doanh số bán lẻ quần áo và giày dép tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đã có dấu hiệu kém khả quan từ tháng 10/2022 cùng mức tăng trưởng âm, báo hiệu tiếp một mùa khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may trong nước.

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương đầu tháng 11/2022, triển vọng đơn hàng cho quý IV/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 của ngành dệt may không mấy khả quan, do lo ngại lạm phát và lượng hàng tồn kho ở mức cao. Số lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 thấp hơn 25-50% so với quý II/2022, tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% so với cùng kỳ theo ước tính, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao.

Theo nhận định của một số chuyên gia, tăng trưởng kinh tế giảm tốc mạnh, trong khi lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã tác động trực tiếp đến các ngành sản xuất, xuất khẩu của châu Á, trong đó có Việt Nam. Những khó khăn đó có thể kéo dài và tác động mạnh đến hết năm 2023, báo hiệu một năm kinh doanh đầy khó khăn của nhiều ngành sản xuất chứ không riêng gì dệt may.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần nhanh chóng có kế hoạch kinh doanh điều chỉnh cho năm 2023 trong bối cảnh thị trường toàn cầu chuyển biến xấu để tránh những tác động khó lường. Nhất là, doanh nghiệp cần theo dõi sát sao sự chuyển động của thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu lớn của một số ngành trong nước có kim ngạch lớn như nông thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ… để từ đó lập kế hoạch kinh doanh cho phù hợp trong điều kiện Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên chúng ta không thể đứng ngoài tình hình chung.

“Với 2023, đây sẽ là một năm đầy thách thức phía trước. Các doanh nghiệp cần tiết giảm chi phí, chờ đợi các tín hiệu về triền vọng tiêu thụ phục hồi trở lại cả trong và ngoài nước. Song quan trọng nhất lúc này, Chính phủ, các bộ ngành phải cùng chung tay vào cuộc để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất khẩu có được nguồn lực từ chính sách ưu đãi thuế, vốn vay, lãi suất… tạo động lực cho các doanh nghiệp cơ cấu, phục hồi lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong dài hạn”, một chuyên gia khuyến nghị.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại