Doanh nghiệp đầu mối, bán lẻ xăng dầu đồng thanh kêu lỗ
Các doanh nghiệp bán lẻ lo vỡ nợ, phá sản vì không có chiết khấu vẫn phải bán trong khi các "ông lớn" đầu mối cũng than lỗ nặng vì tỷ giá.
Khó khăn trong kinh doanh một lần nữa được các doanh nghiệp (đầu mối, thương nhân phân phối và bán lẻ) nêu tại hội thảo góp ý dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu, ngày 14/2.
Cả nước hiện có khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó gần hai phần ba thuộc doanh nghiệp tư nhân.
Ông Hà Thanh Tùng, đại diện Công ty TNHH Thương mại vận tải Hà Giang, nhận xét nhìn nhận "có lúc này lúc khác" nhưng tình trạng thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ đã kéo dài cả năm qua. Ông ước tính, trong giai đoạn cao điểm khó khăn vừa qua, các đơn vị bán lẻ trên cả nước lỗ lên tới 900 tỷ đồng một tháng và nếu tính từ tháng 3/2022 đến nay có thể tới 3.000-4.000 tỷ đồng.
Công ty TNHH Huỳnh Thu có 2 cửa hàng bán lẻ tại tỉnh Tây Ninh, năm ngoái doanh nghiệp này ước lỗ gần 1 tỷ đồng. Bà Huỳnh Thu, đại diện doanh nghiệp cho biết, từ tháng 3 năm ngoái, chiết khấu liên tục 0 đồng, muốn lấy hàng từ nhà phân phối phải trả thêm chi phí vận chuyển 300-500 đồng một lít, chưa kể các chi phí nhân công, thuế. Tình cảnh này kéo dài thêm, bà cho hay, sẽ đẩy các đơn vị bán lẻ tới cảnh vỡ nợ.
Việc thua lỗ, theo các doanh nghiệp, "không phải do họ không biết kinh doanh mà do cơ chế điều hành giá chưa phù hợp".
Đại diện doanh nghiệp bán lẻ tại Hà Giang đánh giá, các đầu mối, thương nhân phân phối đang được hưởng nhiều đặc quyền. Đầu mối, thương nhân phân phối có thể dừng bán sỉ, dừng cung cấp hàng cho bán lẻ còn nhóm bán lẻ phải mở bán liên tục trong mọi tình huống, dừng bán là bị xử phạt. "Khi có lãi đầu mối, thương nhân phân phối được hưởng đủ các chi phí, họ cắt lại cho doanh nghiệp bán lẻ bao nhiêu là quyền của họ", vị này nói.
Cho rằng sức chịu đựng có hạn, ông Tùng nói các đơn vị bán lẻ có thể buộc phải xin rút giấy phép, ngừng kinh doanh, như vậy, chuỗi cung ứng sẽ đứt gãy, ảnh hưởng tới nền kinh tế, người tiêu dùng và an ninh năng lượng.
"Nhà nước cần công nhận sự tồn tại, quyền sở hữu tài sản... của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khi sửa đổi Nghị định 95. Chúng tôi muốn được đối xử công bằng", ông Hà Thanh Tùng đề nghị.
Không riêng bán lẻ, các thương nhân phân phối cũng than lỗ. Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dầu khí Đồng Nai, cho rằng thị trường xăng dầu đang diễn biến "lạ".
"Lạ nhất là khi lỗ cũng phải bán. Thị trường biến động liên tục thì cần phải điều chỉnh để doanh nghiệp có thể sống và đóng góp cho đất nước", ông nói và kiến nghị để thương nhân phân phối được lấy nhiều đầu mối và chu kỳ giá cần kéo dài 15 ngày như trước đây.
Trước ý kiến của các đơn vị bán lẻ cho rằng không được chia sẻ từ phía đầu mối về chiết khấu, nguồn hàng, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đề nghị các thương nhân đầu mối tham dự nêu ý kiến.
Ông Phạm Văn Thoại, Tổng giám đốc Saigon Petro cho hay bản thân các đầu mối như Saigon Petro cũng chịu cảnh thua lỗ, nhất là nửa cuối năm ngoái.
Trong 33 đầu mối trên thị trường, theo lãnh đạo Saigon Petro chỉ khoảng một nửa đủ năng lực, vốn nhập khẩu xăng dầu trong giai đoạn vừa qua. Số đơn vị nhập khẩu được phải chịu rủi ro lớn về giá (mua giá cao, bán giá thấp), lỗ chênh lệch tỷ giá.
"Các đơn vị bán lẻ kêu khó khăn, chúng tôi rất chia sẻ, nhưng cũng phải hiểu cho đầu mối. Chúng tôi có lãi là chia liền, nhưng vừa qua cũng lỗ rất nặng, mà không dám nói. Chênh lệch tỷ giá hiện nay rất lớn và đầu mối phải gánh hết", lãnh đạo Saigon Petro nói.
Ông Nguyễn Hồng Nam, Trưởng ban Kinh doanh Petrolimex, đầu mối chiếm gần 50% thị phần cung ứng xăng dầu, chia sẻ quy định hiện nay đầu mối phải dự trữ lưu thông 20 ngày, khi giá xuống thì tồn kho rất lớn. Vì thế, bản thân đầu mối cũng không đủ nguồn lực chia sẻ lại chiết khấu, thù lao cho bán lẻ.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) nhận xét, đầu mối lỗ ngay khi hàng vừa cập cảng thì không thể có nguồn chia sẻ với các khâu còn lại trong chuỗi cung ứng. Ông đề nghị, sửa công thức tính giá, trong đó chi phí phải tính đủ giá 20 ngày dự trữ lưu thông của đầu mối.
Các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ đề nghị quy định mức chiết khấu tối thiểu trong giá bán lẻ trước thuế.
Theo ông Hà Thanh Tùng, chi phí định mức trong cơ cấu giá cơ sở nên chia thành 3 khâu cho từng đối tượng đầu mối, phân phối và bán lẻ. Trong đó, chi phí định mức dành cho cửa hàng bán lẻ khoảng 3-3,5%. Tương tự, lợi nhuận định mức cũng chia 3 khâu để mỗi khâu đều có lợi nhuận kinh doanh, trong đó bán lẻ hưởng 2-2,5%.
Vị này tính toán, để đủ chi phí và "có lãi một chút", mỗi tháng cửa hàng bán lẻ phải bán khoảng 100 m3.
Tương tự, TS Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc (Trà Vinh) cũng nói cần quy định mức chiết khấu tối thiểu 5-6% trong giá bán. Theo ông, đây là khoản chi phí giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định.
"Nếu không nghị định sửa đổi chỉ sau vài tháng sẽ tái diễn bất ổn như năm 2022 và đầu năm nay", ông Tây nhìn nhận.
Chủ tịch Vinpa Bùi Ngọc Bảo cũng nhận xét, bán lẻ là kênh quan trọng nhất trong hệ thống, chuỗi phân phối. Chiết khấu phải đảm bảo đủ cho đầu mối, phân phối và bán lẻ.
Theo nguyên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, bất cập trên thị trường chỉ được giải quyết khi "thị trường điều tiết, quyết định giá". Nhà chức trách rà soát điều kiện kinh doanh, bỏ các quy định hạn chế quyền tự do kinh doanh và chỉ giữ lại các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn. "Đừng đưa ra các quy định như mỗi cây xăng cách nhau 5-7 m, hãy để thị trường điều tiết, quyết định", ông góp ý.
Ông cũng cho rằng, thể chế cần phải tạo động lực cho doanh nghiệp muốn bán hàng, muốn cạnh tranh lành mạnh. Việc sửa đổi các quy định về kinh doanh xăng dầu cần đáp ứng nhu cầu và mong muốn của doanh nghiệp.
Ở góc độ cơ quan quản lý, điều hành xăng dầu, ông Trần Duy Đông nói chia sẻ với khó khăn và ghi nhận các góp ý. Vụ trưởng Thị trường trong nước khẳng định, sửa Nghị định sẽ sát thực tiễn, diễn biến thị trường, quản lý Nhà nước hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân, nhà nước.
"Đây là cơ hội để tư duy, nhìn lại cách thức điều hành, quản lý của Nhà nước, quan hệ cung cầu, cạnh tranh trên thị trường này. Mục tiêu sửa đổi là đảm bảo cung cầu xăng dầu, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp", ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận