Doanh nghiệp đang 'hụt hơi'
Sự sụt giảm của quy mô thị trường do dịch bệnh, suy thoái kinh tế trong khi chi phí sản xuất, lãi suất tăng cao đang khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, buộc phải thu hẹp hoạt động, rời khỏi thị trường.
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư), trong quý I/2023, cả nước có đến 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, tính chung trong quý, cả nước có gần 34 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 310,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 212,3 nghìn lao động, giảm 2% về số doanh nghiệp, giảm 34,1% về vốn đăng ký và giảm 12,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả này cho thấy số doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhiều gần gấp đôi số doanh nghiệp mới thành lập. Bình quân một tháng có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tương đương mỗi ngày có khoảng 670 doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Theo Tổng cục Thống kê, đây cũng là năm đầu tiên trong lịch sử các quý I, số doanh nghiệp đóng cửa, rút lui cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Trong quý I, cả nước có hơn 23 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong ba tháng đầu năm 2023 lên gần 57 nghìn doanh nghiệp, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng trong ba tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 42,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước; gần 12,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 13,1%; 4,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5%. Bình quân một tháng có gần 20,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Không chỉ về số lượng, chất lượng của các doanh nghiệp cũng có sự giảm sút đáng kể khi vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong ba tháng đầu năm 2023 đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Nếu tính cả 446,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 10,6 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong ba tháng đầu năm 2023 là 756,7 nghìn tỷ đồng, giảm 35,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Niềm tin kinh doanh giảm sút
Theo đại diện một doanh nghiệp chia sẻ, hoạt động của doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc rất lớn. Sự sụt giảm của quy mô thị trường do suy thoái kinh tế trong khi chi phí sản xuất, lãi suất tăng cao đang khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút, thậm chí thua lỗ, buộc phải thu hẹp hoạt động.
Không chỉ những khó khăn về kinh doanh, doanh nghiệp còn luôn phải chịu rất nhiều áp lực từ các cơ quan quản lý nhà nước với quy trình, thủ tục bất cập, rườm rà. Các quy định thiếu đồng bộ, thống nhất, thay đổi thường xuyên khiến doanh nghiệp "nản lòng".
"Có những thủ tục trước đây chỉ mất vài ngày đã có thể hoàn thành hoặc dù khó nhưng vẫn có cách để thực hiện thì hiện nay phải kéo dài hơn một tháng, thậm chí ách tắc luôn do tâm lý sợ sai, không dám ký của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi đó, thời gian đối với các doanh nghiệp là "vàng", việc thực hiện chậm trễ các thủ tục khiến doanh nghiệp bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh.
Đó là chưa kể, các cuộc thanh kiểm tra của cơ quan chức năng, các vụ khởi tố khiến doanh nghiệp cảm thấy "bất an" và suy giảm niềm tin kinh doanh, động lực phát triển, làm việc, cống hiến cho xã hội", vị lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ.
Thực tế, niềm tin kinh doanh ở mức thấp cũng chính là vấn đề đáng báo động. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I năm 2023 cho thấy, chỉ có 24,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý IV năm 2022.
Trong khi đó, 37,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 38,5% số doanh nghiệp đánh giá sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Tình hình kém lạc quan này cũng được phản ánh qua đánh giá niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố. Theo đó, chỉ 35% doanh nghiệp tư nhân và 33% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có dự định mở rộng sản xuất, kinh doanh trong vòng 2 năm tới.
Điều này có nghĩa, 2/3 số doanh nghiệp dự kiến không tăng thêm quy mô. Thậm chí, có gần 11% doanh nghiệp dự kiến sẽ giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa.
Mặt khác, trong năm 2022, một doanh nghiệp tư nhân điển hình cũng chỉ có quy mô vốn khoảng 15,6 tỷ đồng và 21 lao động. Trong khi đó, năm 2019, quy mô vốn và lao động của một doanh nghiệp điển hình lần lượt là 22,3 tỷ đồng và 23 lao động.
Về hiệu quả kinh doanh, chỉ gần 43% doanh nghiệp tư nhân cho biết có lãi trong năm 2022, thấp hơn đáng kể con số 63% của năm 2019. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ năm 2022 là hơn 35% trong khi năm 2019 chỉ ở mức hơn 23%.
Lãi suất tăng cao, môi trường kinh doanh chưa được tháo gỡ
Các doanh nghiệp trong nước đã và và đang trải qua một quãng thời gian dài vô cùng khó khăn. Bên cạnh những nguyên nhân do dịch bệnh kéo dài, tác động của xung đột Nga – Ukraine dẫn đến khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng và thị trường chưa phục hồi, chuyên gia tài chính ngân hàng, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, vướng mắc về dòng tiền đang là một trong những điểm nghẽn mấu chốt.
Theo ông Nghĩa, doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh với lãi suất rất cao. Lạm phát trong nước chỉ hơn 3% nhưng lãi suất các doanh nghiệp đang phải vay lên tới hơn 13% - 14%. Trong khi đó, lạm phát các nước phương Tây 10%, lãi suất lại chỉ 2,5%.
Lãi suất tại Việt Nam đang cao nhất thế giới trong mối tương quan so sánh với lạm phát. Điều này đang khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn rất lớn, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả.
Toàn bộ nền tảng tài chính của doanh nghiệp bị xói mòn rất nhanh. Mọi chi phí để đầu tư ngắn hạn và dài hạn đều tăng mạnh, nhiều khoản vay của doanh nghiệp rơi vào nợ xấu, nợ không thể trả.
Mặt khác, môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính và các vướng mắc về pháp lý cũng là rào cản rất lớn khiến doanh nghiệp gặp khó trong kinh doanh. Các doanh nghiệp trong nước hiện đang bị khó khăn bủa vây từ mọi phía, làm giảm hiệu quả hoạt động và niềm tin kinh doanh, mở rộng sản xuất, phát triển.
Để giúp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, ông Nghĩa cho rằng, trước hết, cần có chính sách để hạ lãi suất, tăng cung tiền ra nền kinh tế. Kinh tế thiếu nguồn tiền cho lưu thông sẽ không thể phát triển. Nếu vướng mắc này không sớm được tháo gỡ, doanh nghiệp sẽ ngày càng khó khăn, kéo theo đó là sự suy giảm của cả nền kinh tế, phá tan mọi nỗ lực phục hồi tăng trưởng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong việc cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính nhanh gọn, cắt giảm các giấy phép con...
Chính phủ vừa đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có 1,5 triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh số doanh nghiệp đang rời khỏi thị trường nhiều hơn doanh nghiệp được thành lập, nếu không có giải pháp cấp bách, cụ thể, mục tiêu này sẽ khó có thể thành hiện thực. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối diện khó khăn trong dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận