Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm nỗ lực về đích trong an toàn
Với phương châm giữ vững an toàn trước khi triển khai sản xuất, an toàn mới sản xuất, nhiều doanh nghiệp hy vọng sẽ dần phục hồi kinh tế những tháng cuối năm.
Kể từ khi cả nước đồng loạt thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại đối diện với đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 mới. Điều này gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm nói riêng. Dù vậy, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm vẫn nỗ lực giữ vững sản xuất trong những tháng cuối năm 2021.
Giải pháp vượt khó trong "hoạn nạn"
Trong hơn 1 tháng qua, cả nước không còn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, chuyển sang thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19. Cũng chính thời điểm này, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại liên tục gia tăng số ca nhiễm Covid-19 khiến nhiều địa phương khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong khung giờ từ 19 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau như: Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau… để hạn chế sự lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), sở dĩ xảy ra vấn đề này là do người lao động từ vùng dịch về mang theo mầm bệnh. Một số người tránh né khai báo, cách ly nên đã trở thành điểm nóng, ổ dịch. Có địa phương do hạn chế chỗ cách ly tập trung, phải phân chia, sàng lọc để một số người lao động ít rủi ro cách ly tại nhà.
Nhận thức người dân còn hạn chế, nhiều gia đình không đáp ứng đủ tiêu chí cách ly… khiến người cách ly và người nhà tiếp xúc nhau. Thêm vào đó, đối với các trường hợp trong khu cách ly tập trung tại các địa phương, do hạn chế phòng riêng nên có tình trạng lây lan làm tăng ca bệnh. Hiện nay, có nhiều ca nhiễm không tìm ra nguồn lây tạo thêm nhiều điểm ổ dịch mới.
Trước bối cảnh này, các ngành kinh tế nói chung tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngành sản xuất và chế biến tôm nói riêng đang dồn hết sức để giữ vững sản xuất. Đặc biệt, thời gian còn lại của năm 2021 chưa đầy 2 tháng để có thể đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết với nhà nhập khẩu nước ngoài. Thời gian sản xuất cầm chừng diễn ra quá lâu, ngành tôm không còn thời gian để chạy đua về đích, hoàn thành mục tiêu đề ra từ đầu năm 2021.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp, chế biến, xuất khẩu tôm đã nhanh chóng rà soát, nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, rà soát lại người lao động để sàng lọc ra xét nghiệm và sắp xếp chỗ ở tại chỗ mỗi ngày. Có ngày, doanh nghiệp chế biến tôm phải làm thao tác sàng lọc và xét nghiệm nhiều lần, thay vì 3 ngày/lần như thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trước đây.
Với thao tác sàng lọc này, số người lao động của nhà máy ít dần vì doanh nghiệp không thể đưa đón người lao động ở những xã, ấp xảy ra dịch bệnh cũng như người lao động của chính doanh nghiệp nhiễm bệnh phải đưa đi cách ly tại nhà, không thể làm việc, ông Hồ Quốc Lực cho biết.
Không những vậy, các doanh nghiệp ngành tôm cũng nhanh chóng đưa ra giải pháp sàng lọc khắt khe hơn để giữ vững thành trì sản xuất như: trong 3 ngày phải xong 1 lượt kiểm tra, sàng lọc toàn bộ người lao động của nhà máy, doanh nghiệp. Thậm chí kiểm tra kháng thể vẫn chưa tạo đủ độ tin tưởng, doanh nghiệp phải mua thiết bị kiểm tra PCR cho người lao động theo chu kỳ 3 ngày/lần. Với tần suất sàng lọc tăng lên, kiểm tra chi tiết hơn cũng đồng nghĩa với chi phí sản xuất đội lên nhiều lần so với giai đoạn sản xuất cầm chừng.
Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, Ủy ban Tôm thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã họp bàn các nội dung liên quan việc phục hồi hoạt động các doanh nghiệp chế biến nói chung, ngành tôm nói riêng, nhất là vấn đề nguyên liệu, thị trường…, với phương châm giữ vững an toàn trước khi triển khai sản xuất, an toàn mới sản xuất.
Những con số đáng khích lệ
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 3 tỷ USD, giảm 1,07% so với cùng kỳ năm 2020. Giải thích cho sự sụt giảm này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, trong những tháng qua, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm phải hoạt động cầm chừng do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng năm 2021 chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ những kim ngạch xuất khẩu trong quý I - II năm nay tăng vọt. Thêm vào đó, các nhà nhập khẩu chỉ tăng lượng nhập khẩu tôm thẻ chân trắng hơn so với trước, các sản phẩm còn lại đều có dấu hiệu giảm trong tháng qua.
Với diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, việc đạt mục tiêu xuất khẩu tôm trong năm 2021 từ 3,8 - 4 tỷ USD như đã đề ra là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu tôm cũng nỗ lực hết sức, nắm bắt thời cơ thị trường, đặc biệt là nhu cầu tích trữ thực phẩm để đón Lễ Giáng sinh sắp tới của Mỹ và các nước châu Âu.
Cụ thể, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam khai thác thói quen tiêu dùng con tôm của các thị nhập khẩu để tăng cường sản xuất sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu. Đại diện Hiệp hội này cho biết, người tiêu dùng ở nhiều thị trường vẫn đang tiếp tục xu hướng ưa chuộng thực phẩm chế biến sâu, tích hợp nhiều tiện ích, thuận lợi trong việc chế biến món ăn nhanh nhất. Chế biến sâu lại là lợi thế cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam, với nhiều nhà máy có hệ thống trang thiết bị hiện đại, đảm bảo các yêu cầu cao về an toàn thực phẩm và đội ngũ công nhân lành nghề.
Khi đi vào phân khúc sản phẩm tôm chế biến sâu, ngành tôm Việt Nam sẽ tránh được sự cạnh tranh đang ngày càng mạnh mẽ từ Ấn Độ và Ecuador, hai quốc gia vốn có thế mạnh về xuất khẩu tôm thô hoặc tôm sơ chế nhờ vào nguồn tôm nguyên liệu dồi dào và giá rẻ. Như vậy, nhu cầu của thị trường hiện nay cũng đã tạo điều kiện nhất định cho ngành tôm Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh chế biến sâu, qua đó tiếp tục giữ được thị trường, thị phần của mình ở những thị trường quan trọng.
Theo các chuyên gia ngành tôm, nguồn tôm dự trữ trong kho ở nhiều thị trường quan trọng hiện không còn nhiều trong bối cảnh các dịp lễ hội lớn đang đến gần như Lễ Giáng sinh, đón năm mới 2022. Như vậy, nhu cầu nhập khẩu tôm ở các thị trường quan trọng sẽ tăng lên trong tháng cuối năm.
Với những yếu tố này, nguồn cung tôm trên phạm vi toàn cầu trong những tháng cuối năm dự báo giảm. Do đó, giá tôm sẽ tăng lên, nhất là với tôm cỡ lớn do thiếu hụt nhiều so với nhu cầu. Đây là cơ hội để ngành tôm Việt Nam cố gắng đạt được mục tiêu đề ra.
Xuất khẩu tôm sang Hàn trong năm 2021 dự kiến tăng
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới tháng 9/2021, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc tuy không tăng mạnh nhưng duy trì được đà tăng trưởng dương từ tháng 3 đến tháng 6. Từ tháng 7 và 8, xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm do doanh nghiệp phải giảm công suất hoạt động để phòng dịch Covid-19.
Tuy nhiên đến tháng 9 vừa qua xuất khẩu tôm sang thị trường này đã phục hồi nhẹ 3,6%, đạt 30,8 triệu USD. Và đặc biệt sang nửa đầu tháng 10 năm nay, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.Như vậy, tính từ đầu năm tới nửa đầu tháng 10/2021, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt gần 278 triệu USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020.
VASEP đánh giá, dấu hiệu phục hồi xuất khẩu tôm sang thị trường Hàn Quốc cũng nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp là đẩy mạnh xuất sang các thị trường châu Á nhằm tận dụng lợi thế khoảng cách gần và chi phí logistics thấp hơn so với đi các thị trường châu Âu và Mỹ.
Đáng chú ý, mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, giá dầu tăng đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng tại Hàn Quốc trong quý III năm nay nhưng việc nước này chuyển đổi sang kế hoạch sống chung với Covid-19 vào tháng 11, mở rộng tiêu dùng cá nhân, cắt giảm thuế dầu được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng tại Hàn Quốc. Do đó, nhu cầu tôm của Hàn Quốc dự kiến vẫn tăng trưởng từ nay đến cuối năm. Từ đó, VASEP dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc trong quý cuối năm nay vẫn ghi nhận tăng trưởng dương, đưa kim ngạch cả năm tăng khoảng 3-5% so với năm ngoái.
Được biết, 9 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc tăng nhập khẩu tôm chân trắng chế biến (HS 16) và tôm sú sống/tươi/đông lạnh (HS03), với mức tăng lần lượt 5% và 12%, nhập khẩu tôm biển sống/tươi/đông lạnh (HS03) tăng mạnh nhất 41%.
Hiện nay các sản phẩm tôm Việt Nam xuất sang Hàn Quốc gồm tôm chân trắng bỏ đầu, lột vỏ còn đuôi, tôm chân trắng Nobashi tươi, đông lạnh, tôm chân trắng sushi xẻ bướm tươi, đông lạnh, tôm chân trắng nhúng PD đông lạnh, tôm sú PTO xẻ bướm tươi, đông lạnh và tôm sắt PD đông lạnh. 9 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu trung bình tôm sú của Việt Nam sang Hàn Quốc dao động từ 11,7 - 14,6 USD/kg trong khi giá trung bình xuất khẩu tôm chân trắng dao động trong khoảng 7,9 - 8,3 USD/kg.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận