Doanh nghiệp bị hủy niêm yết cổ phiếu và lời cảnh tỉnh cho nhà đầu tư
Một số doanh nghiệp niêm yết phải rời sàn chứng khoán vì vi phạm các quy định cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật, song việc những mã cổ phiếu của doanh nghiệp lớn bị hủy niêm yết vừa qua khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang. Các chuyên gia lưu ý, để hạn chế rủi ro khi tham gia thị trường, nhà đầu tư cá nhân nên trang thị thêm kiến thức, hiểu biết về thị trường và nền tảng doanh nghiệp.
Chỉ trong tháng 11, hàng loạt mã cổ phiếu đã bị hủy niêm yết bắt buộc hoặc có nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn HoSE và HNX.
Hàng loạt cổ phiếu bị hủy niêm yết
Mới nhất, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có văn bản thông báo hủy giao dịch đối với cổ phiếu BLF của CTCP Thủy sản Bạc Liêu.
Theo HNX, trong 12 tháng qua, cổ phiếu BLF không phát sinh giao dịch, là trường hợp hủy bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm d khoản 1, Điều 120, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.
Tương tự, HNX trước đó đã công bố quyết định hủy đăng ký giao dịch đối với 20 triệu cổ phiếu SGO của CTCP Dầu thực vật Sài Gòn kể từ ngày 10/11/2023 do công ty đã bị hủy tư cách công ty đại chúng kể từ ngày 2/10.
Cổ phiếu IBC của CTCP Đầu tư Apax Holdings do ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) làm chủ tịch cũng bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) thông báo hủy niêm yết bắt buộc vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
Bên cạnh những mã trên, không ít cổ phiếu khác đối mặt với nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc trong năm 2023 do ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp 2020, 2021, 2022 như SII của CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn, HOT của CTCP Du lịch Dịch vụ Hội An, HVN của Vietnam Airlines, L35 của CTCP Cơ khí lắp máy Lilama… Và mới đây là trường hợp TKC của CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ có khả năng bị huỷ bỏ niêm yết bắt buộc trên HNX, nguyên nhân là công ty đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Sở giao dịch chứng khoán.
Ngoài ra, còn nhiều trường hợp bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông báo huỷ tư cách công ty đại chúng như CTCP Đường sắt phía Nam (DPN), CTCP Thiết bị điện (THI), CTCP Cao su Đồng Phú – Đắk Nông (DPD), CTCP Sài Gòn Hỏa Xa (SHX).
Thống kê từ đầu năm 2023 đến nay, có khoảng 23 doanh nghiệp bị hủy tư cách đại chúng vì nhiều lý do, chủ yếu là không đáp ứng được điều kiện của công ty đại chúng theo quy định, số khác là do bị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh và sáp nhập doanh nghiệp.
Theo quy định, cổ phiếu của một công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết nếu kết quả sản xuất – kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét, theo quy định tại Điều 120 thuộc Nghị định 155/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Cổ phiếu của một công ty cũng sẽ bị huỷ niêm yết nếu công ty phát sinh một trong các vi phạm: chậm nộp báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp; công ty bị tổ chức kiểm toán từ chối hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính năm gần nhất; công ty niêm yết vi phạm nghiêm trọng việc công bố thông tin quan trọng, chẳng hạn như thông tin liên quan đến hoạt động, kinh doanh, phát hành chứng khoán của đơn vị; công ty niêm yết làm hồ sơ giả, thông tin sai lệch nghiêm trọng.
Nhà đầu tư cá nhân nên trang thị thêm kiến thức
Theo các chuyên gia, việc có nhiều doanh nghiệp niêm yết phải rời sàn chứng khoán vì vi phạm các quy định cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật. Bởi, thị trường chứng khoán luôn diễn ra quá trình sàng lọc các doanh nghiệp theo thời gian, nên doanh nghiệp có hoạt động tốt, tuân thủ pháp luật về chứng khoán mới đủ các điều kiện để niêm yết lâu dài. Từ đó góp phần giảm rủi ro cho các nhà đầu tư mới, giúp họ tránh mua phải những cổ phiếu của công ty “kém chất lượng” trong giai đoạn hiểu biết về thị trường còn hạn chế, chưa tích lũy đủ kinh nghiệm và kiến thức để đánh giá được chất lượng doanh nghiệp khi đầu tư hoặc đầu cơ chứng khoán.
Mặc dù trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết trên các sàn chứng khoán không còn là chuyện mới nhưng việc những mã chứng khoán của doanh nghiệp lớn bị hủy niêm yết đồng nghĩa với việc có nhiều nhà đầu tư hoang mang về số phận lượng cổ phiếu đang nắm giữ, như trường hợp cổ phiếu IBC. Trước đó, thị trường từng nhốn nháo về việc cổ phiếu FLC (FLC Group), THA (CTCP Ô tô Trường Hải - Thaco)… bị hủy niêm yết.
Theo các chuyên gia trong ngành, có 2 trường hợp xảy ra sau khi cổ phiếu bị hủy niêm yết. Với trường hợp cổ phiếu chuyển từ Sở giao dịch lớn (HoSE, HNX) xuống thị trường UPCoM thì cổ phiếu vẫn được đăng ký giao dịch để duy trì thanh khoản. Doanh nghiệp có cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc chỉ được đăng ký niêm yết trở lại sau khi giao dịch tối thiểu 2 năm trên UPCoM và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của tổ chức niêm yết.
Với trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết không chuyển sàn, nhà đầu tư rất khó để chuyển nhượng. Lúc này có 2 hình thức để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư: công ty phát hành cổ phiếu phải bỏ tiền mua lại số cổ phiếu này; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ yêu cầu chuyển cổ phiếu đó lên sàn giao dịch không chính thức hoặc thứ cấp để nhà đầu tư có thể tiếp tục bán cổ phiếu.
“Cổ phiếu bị hủy niêm yết không đồng nghĩa với việc không còn giá trị. Nhà đầu tư nên tìm hiểu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xem có khả năng phục hồi hay không”, luật sư Nguyễn Thanh Hà,Chủ tịch Công ty Luật SBLAW nhấn mạnh.
Do đó, để hạn chế rủi ro khi tham gia thị trường, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân nên trang thị thêm kiến thức, hiểu biết về thị trường và nền tảng doanh nghiệp. Theo đó, quyết định mua, bán cổ phiếu cần dựa trên 3 yếu tố: uy tín của lãnh đạo doanh nghiệp, triển vọng ngành nghề và cơ hội chung trên thị trường. Đây là cơ sở để nhà đầu tư cộng hoặc trừ phần trăm giá trị cổ phiếu theo mức độ quan tâm thị trường.
Cụ thể, nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc lựa chọn công ty, xem xét khả năng tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật nói chung, tuân thủ quy định về công bố thông tin nói riêng cũng như cần tìm hiểu thông tin ý thức tuân thủ pháp luật của những người điều hành công ty (chủ tịch, tổng giám đốc) nhằm đánh giá uy tín của công ty và quản trị rủi ro trong việc đầu tư.
“Sự công khai, minh bạch trong công bố thông tin và ý thức tuân thủ pháp luật nên là những tiêu chí quan trọng khi nhà đầu tư lựa chọn công ty để đầu tư bên cạnh các tiêu chí về kết quả kinh doanh, tiềm năng tăng trưởng”, ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát Tuân thủ, Chứng khoán SSI lưu ý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận