Doanh nghiệp bất động sản thời COVID-19: Từ lỗ đến lãi "lao dốc"
Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thị trường bất động sản gần như đóng băng trong 6 tháng đầu năm. Điều này kéo theo tình hình khó khăn cho các công ty bất động sản cũng như xây dựng theo các con số ghi nhận từ báo cáo tài chính quý 2 vừa được công bố.
Đất xanh bất ngờ báo lỗ
Bất ngờ nhất là Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) phải báo lỗ trong quý 2, doanh thu thuần của Đất Xanh giảm 43% còn 478 tỷ đồng, chủ yếu giảm từ doanh thu dịch vụ môi giới bất động sản. Đây là quý cao điểm diễn ra dịch COVID-19, chính sách giãn cách xã hội được thực thi nên các hoạt động xây dựng, mở bán dự án, tập trung đông người bị hạn chế.
Mặt khác, kỳ này, DXG không còn ghi nhận đột biến ở doanh thu tài chính do không còn lãi thanh lý đầu tư (cùng kỳ 228 tỷ đồng), trong khi chi phí tài chính tiếp tục tăng gấp đôi, 101 tỷ đồng. Kết quả, Công ty báo lỗ 29 tỷ đồng, đây là lần thứ 3 Công ty phải báo lỗ kể từ khi niêm yết.
Công ty từng có quan hệ liên kết với Đất Xanh là CTCP LDG (LDG) cũng có một quý kinh doanh tiêu cực, khi lợi nhuận giảm đến 99%, còn vỏn vẹn 1 tỷ đồng, trong khi doanh thu ghi nhận 393 tỷ đồng, gấp 10 lần so với cùng kỳ.
Kết quả này chủ yếu đến từ sự mất hút doanh thu tài chính trong kỳ này, chỉ đạt hơn 30 triệu đồng giảm mạnh so với con số 150 tỷ đồng cùng kỳ, đồng thời chi phí tài chính gấp 12 lần và chi phí bán hàng gấp 4,9 lần cùng kỳ.
Hoà Bình, Nam Long báo lãi lao dốc
“Ông trùm xây dựng” Hoà Bình (HoSE: HBC) cũng lao đao trong quý này. Theo đó, doanh thu giảm 46% về mức 2.950 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của Hòa Bình cũng giảm 24%. Hoạt động liên doanh liên kết lỗ hơn 3 tỷ đồng. Chi phí tài chính lại tăng từ 93 tỷ lên 98 tỷ, chủ yếu là chi phí lãi vay.
Khấu trừ thuế và chi phí, Xây dựng Hoà Bình ghi nhận lãi ròng lao dốc đến 97% về mức chưa đến 2 tỷ đồng, là mức thấp nhất kể từ quý 4/2014.
NLG cho biết doanh thu giảm là do các dự án gồm Flora Novia và nhà phố, biệt thự Valora đã được hoàn tất và bàn giao cho khách hàng trong năm 2019 và quý 1/2020, các dự án khác hiện đang trong quá trình xây dựng.
NLG còn cho biết doanh thu trong quý 2 đến từ bán giao căn hộ, biệt thự, sản phẩm đất nền (76 tỷ), doanh thu dịch vụ tổng thầu, xây dựng (154 tỷ).
Trong kỳ, NLG có ghi nhận khoản lãi từ liên doanh, liên kết gần 6 tỷ đồng, tăng 21% so cùng kỳ. Tuy vậy phải ghi nhận khoản lỗ khác gần 5,8 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng tăng 12% so cùng kỳ lên 46 tỷ, đáng kể NLG đã tiết giảm chi phí tài chính về còn hơn 6 tỷ từ mức hơn 21 tỷ. Sau cùng thì lãi ròng trong quý 2 của Nam Long dừng tại mức 68 tỷ đồng, giảm 44% so cùng kỳ, quý thấp nhất trong 9 quý gần đây.
Báo cáo tài chính quý 2 của An Gia (HoSE: AGG) cho thấy doanh thu thuần trong kỳ chỉ vỏn vẹn 17 tỷ đồng, giảm 90% so cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu, An Gia không ghi nhận doanh thu từ việc bán căn hộ giống như trong quý 1, doanh thu từ dịch vụ tư vấn môi giới và tiếp thị cũng sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến An Gia ghi nhận lỗ gộp 1,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ thu nhập từ tăng giá trị hợp lý của khoản đầu tư 191 tỷ đồng giúp cho doanh thu hoạt động tài chính của An Gia gấp đến 8 lần cùng kỳ, đạt 202 tỷ đồng. Qua đó, kéo lãi ròng của Công ty lên 189 tỷ đồng trong quý 2, gấp 2,5 lần cùng kỳ.
Bất động sản nửa cuối năm 2020 thế nào?
Trong một báo cáo về ngành, Chứng khoán MBS (MBS) cho biết đối với ngành bất động sản bán lẻ nhu cầu sẽ tích cực đến từ tốc độ thị hóa cao, tăng trưởng GDP, FDI, các chỉ số lạm phát, lãi suất ổn định ở mức thấp.
Xu hướng lãi suất cho vay có thể tăng trong 2020 và việc Nhà nước yêu cầu chặt chẽ hơn trong các hoạt động tín dụng của Ngân hàng có thể làm giảm nhiệt thị trường bất động sản trong ngắn hạn, tuy nhiên, về dài hạn sẽ khiến lực cầu ổn định hơn.
Đối với Chứng khoán SSI (SSI) quan điểm trung lập về ngành bất động sản nhà ở vẫn được giữ trong năm 2020. Bên cạnh đó, SSI cũng đưa ra quan điểm tích cực đối với ngành bất động sản khu công nghiệp, bởi nhu cầu thuê đất Khu công nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhờ vốn đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh và chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc.
Đồng quan điểm, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), cũng cho rằng bất động sản khu công nghiệp sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ các yếu tố như (1) Sự tăng trưởng của dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam (2) Sự đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ vào các dự án cơ sở hạ tầng (3) Sự chuyển dịch các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (4) Lợi thế chi phí nhân công rẻ và giá cho thuê đất Khu công nghiệp rẻ hơn so với các nước trong khu vực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận