Doanh nghiệp bất động sản công nghiệp tận dụng lợi thế thu hút FDI
Số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD được cho là tín hiệu tốt đối với doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp trong nước năm 2023.
Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua và được đánh giá là tín hiệu tốt cho doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp trong nước năm 2023.
Tính đến ngày 20/12/2022, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt gần 27,72 tỷ USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế quốc dân; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, tiếp đến là ngành kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30%, 25,1% và 16,3% tổng số dự án.
Theo Tổ chức JP Morgan, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất linh kiện và dịch vụ sản xuất điện tử, dự báo sẽ đóng góp 65% tổng sản lượng AirPods, 20% iPad và Apple Watch, 5% MacBook vào năm 2025.
Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận dịch vụ công nghiệp John Campbell thuộc Tổ chức Savills Việt Nam, nhận xét gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cùng các biến động địa chính trị là chất xúc tác cho sự đa dạng hóa về lĩnh vực sản xuất tại thị trường Việt Nam.
Ở giai đoạn thăm dò thị trường, các nhà đầu tư thường có nhu cầu thuê nhà xưởng để hoạt động với quy mô nhỏ. Sau đó, họ có thể xem xét quyết định đầu tư lâu dài, mở rộng sản xuất thông qua việc mua đất và xây nhà xưởng, từ đó kéo theo sự tăng trưởng về nhu cầu đối với các nhà xưởng và nhà kho xây sẵn.
Cùng với đó, giới phân tích đánh giá việc phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm tăng kết nối vùng trở thành điểm sáng giúp bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng VCB (VBCS), việc phát triển các đường vành đai 3 và 4 ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ giúp kinh tế phát triển tại các tỉnh ven hai đô thị lớn; đồng thời tăng cường kết nối với trung tâm, dịch chuyển sản xuất ra ngoài khu vực trung tâm.
Đáng chú ý, trục đường cao tốc phía Nam đang phát triển cũng sẽ nâng tầm các khu vực xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh và miền Tây. Việc kết nối các tỉnh miền Tây với cụm cảng Cái Mép-Thị Vải và kết nối vào cao tốc Bắc-Nam giúp hàng hóa luân chuyển nhanh hơn trong và ngoài nước.
Năm 2022, cụm cảng Cái Mép đã lọt top 11/370 cảng hoạt động hiệu quả nhất thế giới theo chỉ số hoạt động của cảng (CPPI).
Thống kê trong tháng 12/2022 của nhóm phân tích Công ty Chứng khoán SBS cũng chỉ ra rằng cả nước có 84 khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy gần như hoàn toàn, còn lại đạt trung bình khoảng 80%. Đặc biệt, bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng cả về giá lẫn nhu cầu.
Giá cho thuê bất động sản công nghiệp tăng khoảng 10% so với cùng kỳ, trung bình từ 100-120 USD/m2/chu kỳ thuê và có thể giá thuê tiếp tục tăng, nhất là tại thị trường phía Nam. Loại hình bất động sản này có thể đạt lợi suất từ 8-11% và lợi nhuận trung bình của nhà cho thuê khoảng hơn 4%/năm.
Trong khi đó, nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Vndirect cho rằng tăng trưởng của doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có thể gặp trở ngại khi nguồn cung mới suy giảm do những khó khăn về thủ tục pháp lý.
Thị trường bất động sản công nghiệp sẽ khan hiếm nguồn cung đến cuối năm 2023 ở cả hai miền Nam-Bắc khiến cạnh tranh trong ngành tăng cao và lợi thế thuộc về doanh nghiệp có sẵn quỹ đất sạch.
Hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp không ngừng mở rộng quỹ đất. Mới đây, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp-Công ty cổ phần (Becamex IDC) vừa góp vốn thành lập VSIP Cần Thơ để làm dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 1.
Dự án có quy mô sử dụng đất 293,7ha, tổng vốn đầu tư gần 3.718 tỷ đồng, nằm trong tổng thể dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh quy mô 900ha, chủ đầu tư là liên danh Becamex IDC-Công ty liên doanh khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) và Công ty Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP JSC).
Đối với Công ty Sonadezi Châu Đức, giới phân tích nhận định diện tích cho thuê của khu công nghiệp Châu Đức vẫn được đảm bảo duy trì ổn định trong các năm tới.
VNDirect ước tính diện tích có thể cho thuê của khu công nghiệp này vào khoảng 581ha và tiếp tục được cho thuê từ 40-60 ha/năm trong giai đoạn 2023-2032.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (6/1), cổ phiếu nhóm ngành khu công nghiệp bất động chịu áp lực điều chỉnh chung của thị trường. Đơn cử như cổ phiếu BCM của Becamex IDC có giá 82.900 đồng, cổ phiếu SZC của Sonadezi Châu Đức có giá 27.900 đồng, cổ phiếu DIG của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển xây dựng có giá 15.100 đồng, cổ phiếu KDC của Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc có giá 24.950 đồng.../.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận