Doanh nghiệp bảo hiểm khó huy động vốn cổ phần
Nhiều công ty bảo hiểm đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua huy động vốn cổ phần từ vài năm trước, nhưng cho đến nay, nếu không tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu thưởng, hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu thì vẫn khó có thể thành công, trong khi yêu cầu tăng vốn ngày càng cấp bách.
Chật vật huy động vốn cổ phần
Cách đây 7 năm, từ năm 2014, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVI Re, mã chứng khoán PRE) đã có tham vọng tăng vốn điều lệ từ 668 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng nhằm cải thiện năng lực tài chính (tăng điểm xếp hạng năng lực tài chính từ B+ lên B++).
Tuy nhiên, đến năm 2018, Công ty mới tăng được vốn lên 728 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và dừng ở đó cho đến nay.
Hiện nay, trong bối cảnh thị trường chứng khoán khởi sắc, PVI Re có kế hoạch chào bán 31,6 triệu cổ phiếu ra công chúng theo hình thức đấu giá, nhằm tăng vốn điều lệ lên 1.044 tỷ đồng.
Với giá khởi điểm không thấp hơn giá trị sổ sách là 20.000 đồng/cổ phiếu, PVI Re dự kiến thu về ít nhất 632 tỷ đồng từ đợt phát hành. Công ty cũng có kế hoạch đổi tên thành Tái bảo hiểm Hà Nội, nới tỷ lệ sở hữu tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% vốn điều lệ.
Tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC, mã chứng khoán MIG), năm 2017, doanh nghiệp này đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng vào năm 2020, bên cạnh mục tiêu là nhà bảo hiểm bán lẻ thuận tiện hàng đầu, lọt vào Top 3 doanh nghiệp bảo hiểm vào năm 2025. Nhưng đến nay, sau khi chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%, vốn điều lệ của MIC mới tăng lên 1.400 tỷ đồng.
Nhìn chung, các doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn khi huy động vốn mới, nên tăng vốn điều lệ phần lớn bằng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, hoặc cổ phiếu thưởng, lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối.
Chẳng hạn, Đại hội đồng cổ đông Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã chứng khoán PGI) tổ chức trong tháng 11/2021 đã thông qua phương án phát hành hơn 22 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ 887 tỷ đồng lên 1.109 tỷ đồng, thực hiện trước quý II/2022.
Theo PJICO, việc phát hành cổ phiếu thưởng sẽ giúp hiện thực hóa khoản thặng dư cho các cổ đông hiện hữu và gia tăng lợi ích cổ đông do số cổ phần này còn được hưởng cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt (PJICO điều chỉnh kế hoạch chia cổ tức năm 2021 từ 5% tiền mặt và 7% cổ phiếu thành 5% bằng tiền mặt, do sẽ thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 25%).
Trước đó, tháng 7/2021, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VINARE, mã chứng khoán VNR) đã hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu thưởng, tăng vốn điều lệ từ 1.310,7 tỷ đồng lên 1.507,3 tỷ đồng và đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng vào năm 2024.
Ngoài mục tiêu đáp ứng điều kiện đối với hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm (cốt lõi) ngày càng cao, nâng cao năng lực tài chính, quy mô kinh doanh, VINARE cho biết, việc tăng vốn điều lệ làm tăng khối lượng cổ phiếu đang lưu hành, qua đó tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu.
Tăng tính thanh khoản cổ phiếu, tăng tính minh bạch của doanh nghiệp là điều mà các cổ đông cá nhân, nhất là cổ đông nhỏ lẻ của các công ty bảo hiểm chưa lên sàn mong mỏi. Tại đại hội đồng cổ đông vừa qua, cổ đông Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) bày tỏ mong muốn Công ty sớm tăng vốn điều lệ và đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Đoàn Chủ tịch ABIC trả lời rằng, đến năm 2025, Công ty phấn đấu tăng vốn điều lệ từ 380 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng và lên sàn trong giai đoạn 2021 - 2025.
Tăng vốn nhằm không bị loại đấu thầu
Tăng vốn điều lệ sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm tăng khối lượng cổ phiếu đang lưu hành, qua đó tăng tính thanh khoản sau nhiều năm được coi là cổ phiếu kém hấp dẫn do cổ đông tổ chức nắm giữ đa số.
Đặc biệt, tăng vốn sẽ giúp công ty bảo hiểm tránh được nguy cơ bị loại ngay từ đầu trong các cuộc đấu thầu đòi hỏi tiêu chuẩn vốn cao, ngoài các lý do khác như nhằm mở rộng mạng lưới, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cao hơn của Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi (nếu được thông qua), tăng năng lực tài chính theo yêu cầu của đối tác lớn…
PJICO chia sẻ, doanh nghiệp chuẩn bị tăng vốn điều lệ, ngoài mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng yêu cầu mới của luật pháp trong dài hạn, còn nhằm tăng tính cạnh tranh khi tham gia các dự án đấu thầu lớn.
Một số công ty bảo hiểm khác như Tổng công ty bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI, mã chứng khoán AIC), MIC… tăng vốn lên trên 1.000 tỷ đồng cũng có lý do là tránh việc cản thầu. Thực tế vài năm gần đây, có những trường hợp bên mời thầu đặt ra tiêu chí về vốn điều lệ phải trên 1.000 tỷ đồng, trên 1.500 tỷ đồng, thậm chí cao hơn mới được tham gia.
Mới đây, công ty con của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) là PTI Âu Lạc đã có công văn phản ánh tới Trung tâm Hội nghị quốc gia (bên mời thầu) chỉ rõ việc hồ sơ mời thầu có dấu hiệu hạn chế nhà thầu, tạo lợi thế cho một số nhà thầu, gây mất bình đẳng, khách quan trong đấu thầu.
Cụ thể, yêu cầu vốn điều lệ của nhà thầu tại thời điểm 31/12/2020 là từ 1.000 - 1.500 tỷ đồng để đạt điểm tối thiểu (hoặc thành viên đứng đầu liên danh tối thiểu 900 tỷ đồng). Trong khi đó, theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản liên quan thì số vốn này chỉ cần 300 tỷ đồng. Vì thế, yêu cầu trên của bên mời thầu là không hợp lý, không có căn cứ, “vô tình” loại bỏ hơn 90% (28/31 nhà thầu) nhà thầu tham dự.
Sửa luật, doanh nghiệp có thể phải tăng thêm vốn
Mới đây, trình bày trước Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận xét, vẫn còn một số doanh nghiệp bảo hiểm trong nước có năng lực cạnh tranh thấp do quy mô vốn nhỏ…
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tính đến cuối năm 2020 chỉ có 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên, gồm Bảo hiểm Bảo Việt, PVI, BIC, AAA, AIG Việt Nam, MIC, VNI, BSH, Liberty và HD. Trong số 21 công ty có vốn điều lệ dưới 1.000 tỷ đồng, có tới 12 công ty có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở xuống.
Một số doanh nghiệp có vốn điều lệ bằng vốn pháp định, hoặc cao hơn không đáng kể như Bảo hiểm Hùng Vương có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, ABIC là 380 tỷ đồng, Toàn Cầu và OPES có mức vốn 400 tỷ đồng... Đây đều là các công ty bảo hiểm chưa lên sàn chứng khoán (trên sàn chứng khoán hiện có 7 cổ phiếu bảo hiểm là PTI, MIG, PGI, PRE, BIC, BMI và VNR).
Theo Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành, yêu cầu về vốn pháp định dựa theo loại hình doanh nghiệp: doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 600 tỷ đồng; doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 300 tỷ đồng, doanh nghiệp tái bảo hiểm là 400 tỷ đồng.
Quy định về vốn pháp định kể trên, theo Bộ Tài chính, là khá thận trọng, vốn pháp định được quy định ở mức cao so với thông lệ quốc tế (từ 200.000 USD đến 6 triệu USD), khiến người tham gia bảo hiểm thấy an toàn hơn khi mua bảo hiểm của những doanh nghiệp bảo hiểm có tiềm lực mạnh, nhưng có thể gây thiệt hại cho chủ sở hữu doanh nghiệp bảo hiểm do vốn bị ứ đọng, giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu.
Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm có quy mô nhỏ, chủ yếu kinh doanh các sản phẩm đơn giản, rủi ro thấp, thì mức vốn pháp định có thể là cao, do đó gây lãng phí, ứ đọng vốn của doanh nghiệp, dẫn đến hiệu quả hoạt động giảm (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp).
Còn với các doanh nghiệp quy mô lớn, kinh doanh các sản phẩm phức tạp, có rủi ro cao, thì mức vốn pháp định có thể là thấp, gây rủi ro thiếu vốn, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động và khả năng thanh toán của doanh nghiệp, đặc biệt khi xảy ra rủi ro thảm họa, hoặc rủi ro tập trung.
Theo dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, doanh nghiệp bảo hiểm có kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro, phức tạp có thể phải tăng thêm vốn điều lệ, nhưng các doanh nghiệp có quản trị tốt, đầu tư an toàn thì mức vốn có thể giảm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận