Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tiếp tục đòi chiết khấu
Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết hơn một năm qua phải bán hàng với chiết khấu 0 đồng, thậm chí âm vốn nên kiến nghị cần có chiết khấu tối thiểu 5-6% giá bán.
Đề nghị này một lần nữa được đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nêu tại phiên giải trình của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về thị trường xăng dầu, ngày 28/2.
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc - một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Trà Vinh - cho hay hơn một năm qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã bán hàng với chiết khấu 0 đồng, thậm chí âm vốn.
Theo ông, trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, chi phí định mức kinh doanh với xăng RON 95 là 1.050 đồng một lít, E5 RON 92 là 1.250 đồng một lít và lợi nhuận định mức 300 đồng một lít. Các doanh nghiệp đầu mối sẽ tính toán trong khoản này để thỏa thuận mức chiết khấu cho các thương nhân phân phối, bán lẻ. Khi đầu mối lỗ, họ dùng khoản này để bù vào.
"Khâu bán lẻ phải có chi phí 5-6% trên giá bán, chủ cây xăng mới đủ trang trải chi phí hoạt động trả lương cho nhân viên, điện nước, lãi ngân hàng, tiền mặt bằng. Nếu không phân chia rõ, sau này thị trường sẽ tái diễn bất ổn", ông chia sẻ với VnExpress sau cuộc họp giải trình tại Ủy ban Kinh tế.
Ông Tây cũng đề nghị cần quy định cho phép các đơn vị bán lẻ lấy hàng ở ít nhất 3 nơi, nhằm đảm bảo nguồn cung không bị giới hạn, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.
Đại diện một doanh nghiệp bán lẻ khác tại Hà Giang nói, cần định vị lại vị trí doanh nghiệp bán lẻ. Theo ông, ước tính số lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ hơn một năm qua khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng, không phải do họ không biết kinh doanh mà do cơ chế điều hành giá chưa phù hợp.
"Sửa đổi Nghị định xăng dầu tới đây cần xác lập rõ vị trí của doanh nghiệp bán lẻ để thiết kế chính sách phù hợp", ông nêu.
Cần có chiết khấu tối thiểu trong giá cơ sở cho khâu bán lẻ cũng nhận được đồng tình từ giới chuyên gia. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, kiêm Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhìn nhận không nên thả nổi chiết khấu giữa các khâu trong chuỗi cung ứng xăng dầu. Ông đề nghị, Nhà nước vẫn định giá mặt hàng này khi sửa Nghị định 95 và cần tính toán hợp lý cơ cấu trong giá cơ sở xăng dầu. Tức là nên quy định tỷ lệ chiết khấu tối thiểu cho khâu bán lẻ để họ có lãi, hoặc không lỗ.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng góp ý, cơ quan quản lý xăng dầu cần giải quyết ngay bất cập trước mắt là đưa ra giải pháp để hệ thống bán lẻ không lỗ. Theo ông, bán lẻ là khâu quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng xăng dầu, nên phải duy trì, phát triển chứ đừng để mắt xích này hao mòn.
Trước đó, góp ý với Bộ Công Thương khi sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính cũng nêu quan điểm cần có quy định tỷ lệ chi phí tối thiểu để cửa hàng bán lẻ không bị lỗ. Cùng đó, cần cho phép đơn vị bán lẻ được mua hàng từ nhiều đầu mối thay vì chỉ một như hiện nay, để "khi đầu mối này hết xăng, họ có quyền mua từ người khác, tránh đứt đoạn nguồn cung khi thị trường biến động".
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhìn nhận biến động giá, thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu cục bộ vừa qua ngoài ảnh hưởng từ thế giới, có nguyên nhân chủ quan từ cơ chế, quản lý Nhà nước chưa phù hợp.
Đại diện Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường nhận xét bức tranh thị trường "rất bất ổn". Theo ông, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ 1/1/2022, nhưng đã bộc lộ bất cập khi chưa tính đúng, đủ chi phí cấu thành giá cơ sở và không đảm bảo hài hòa lợi ích 3 khâu đầu mối, phân phối và bán lẻ. Việc này dẫn tới khâu bán lẻ - mắt xích, kênh trực tiếp thể hiện bức tranh toàn cảnh về thị trường xăng dầu - chịu cảnh thua lỗ triền miên hơn một năm qua.
"Sửa Nghị định 95 tới đây có giải quyết được bất cập hiện nay của thị trường?", ông đặt vấn đề.
Giải trình, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định nỗ lực trong điều hành, quản lý xăng dầu vừa qua của hai Bộ Tài chính và Công Thương. Các tính toán chi phí kinh doanh đảm bảo tuân thủ đúng quy định.
Chẳng hạn, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, premium, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng... được Bộ Tài chính rà soát định kỳ 6 tháng hoặc khi có biến động bất thường. Chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức do Bộ Tài chính xác định hàng năm để tính giá xăng dầu.
Ông cho hay, các chi phí trong kinh doanh xăng hiện chiếm khoảng 8,83-12,53% trong giá cơ sở. Tỷ trọng các loại thuế trong giá cơ sở khoảng 26,74%, còn lại giá thành phẩm xăng dầu thế giới (giá Platt's Singapore) khoảng 63,15%.
Tương tự, với dầu hỏa, chi phí kinh doanh chiếm gần 10,5%, thuế xấp xỉ 12%, còn lại là tỷ trọng giá thế giới.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải thích, giá xăng dầu được xác định theo giá thị trường. Tức là trên cơ sở giá sản xuất, nhập khẩu, cộng với các chi phí để hình thành giá cơ sở. Giá bán lẻ ra thị trường không được vượt quá giá cơ sở và giá bán tại vùng sâu vùng xa (vùng 2) không được vượt quá 2% giá cơ sở.
Năm 2022, tổng nguồn cung xăng dầu đạt gần 25,6 triệu m3, tấn. Trong đó, nhập khẩu 8,87 triệu m3, tấn; sản xuất trong nước của hai Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất gần 15,7 triệu m3, tấn, tương đương 66% nhu cầu trong nước. Nếu ổn định, quản lý tốt hai nguồn cung này, theo Bộ trưởng Tài chính, xăng dầu sẽ không bị đứt gãy, giá ổn định.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng kỳ vọng sửa Nghị định 95 tới đây sẽ khắc phục được những bất cập trên thị trường xăng dầu, như giá cơ sở tính đúng, đủ chi phí kinh doanh, hay rút ngắn kỳ điều hành giá từ 10 ngày xuống 5-7 ngày để sát hơn thị trường.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đình Cung góp ý, cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay quá lạc hậu, cần thay đổi theo hướng thị trường hơn. Tức là cho doanh nghiệp tự chủ, tự quyết nhiều hơn. "Chúng ta đủ điều kiện, bằng chứng thay đổi, như Quỹ bình ổn giá chỉ làm méo mó thêm mà vẫn cứ giữ. Tôi tin rằng, tự do hóa giá cả mọi việc sẽ suôn sẻ, tất cả cùng được lợi", ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận