24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thanh Cường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Do COVID-19, lao động nhập cư mất việc, kiều hối giảm theo

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến các nước đang phát triển. Lao động phi chính thức và lao động không tay nghề phải sống cầm cự qua ngày. Nguồn kiều hối gần 550 tỉ USD về các nước đang phát triển dự báo ảnh hưởng nặng.

Do COVID-19, lao động nhập cư mất việc, kiều hối giảm theo
Kinh tế giảm kéo theo thất nghiệp gia tăng dễ dẫn đến nghèo đói. Trong ảnh là dân nghèo ở Nairobi (Kenya) - Ảnh: PA

Cho dù chưa thể đánh giá chính xác tác động của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế thế giới, song trước mắt có thể nhận thấy các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan (giãn cách xã hội, phong tỏa, cấm tụ tập, đóng cửa cửa hàng…) đã ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường lao động, qua đó tác động không nhỏ đến thu nhập các hộ gia đình.

Lao động phi chính thức khốn đốn

Tại Pháp, theo báo cáo mới nhất công bố ngày 9-4, Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế (INSEE, thuộc Bộ Kinh tế và Tài chính) ghi nhận các biện pháp ngăn chặn COVID-19 đã kéo giảm 35% mức tiêu dùng và 42% hoạt động kinh doanh.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá hoạt động kinh tế giảm mạnh kéo theo thất nghiệp gia tăng và việc làm thiếu thốn.

ILO dự báo số người thất nghiệp trên thế giới có thể tăng 5,3 triệu người theo kịch bản lạc quan và tăng 24,7 triệu người trong kịch bản bi quan dựa trên số liệu thất nghiệp 188 triệu người năm 2019.

Nhà kinh tế Flore Gubert - giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu phát triển (IRD), giáo sư cộng tác của Trường Kinh tế Paris (Pháp) ghi nhận đáng lưu ý nhất là cuộc sống của các lao động phi chính thức.

Lao động tại các nước phương Tây còn dựa vào chế độ bảo trợ xã hội và các biện pháp ổn định thu nhập của chính phủ.

Lao động tại các nước đang phát triển không được như vậy trong khi số lao động phi chính thức tại các nước này chiếm đa số.

Cho dù là chị bán hàng rong, anh bốc xếp hay thợ thủ công mỹ nghệ, họ phải ngừng việc để thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Thu nhập giảm, họ phải sống lây lất qua ngày vì thường không có tiền hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Tại các nước Tây Phi, nơi không dưới 3/4 lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, các biện pháp phong tỏa đã làm dấy lên lo ngại nghèo đói và bất bình đẳng gia tăng dẫn đến căng thẳng xã hội.

Do COVID-19, lao động nhập cư mất việc, kiều hối giảm theo
Phần lớn lao động tại các nước đang phát triển là lao động phi chính thức như người bán hàng rong - Ảnh: REUTERS

Nguồn kiều hối giảm mạnh

Theo nhà kinh tế Flore Gubert, tình hình đáng báo động hơn khi nguồn kiều hối giảm sút.

Năm ngoái, người lao động nhập cư ở nước ngoài đã chuyển gần 550 tỉ USD về cho người thân sống tại các nước đang phát triển.

Đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình, kiều hối là nguồn ngoại hối quan trọng.

Senegal có từ 500.000 đến 600.000 công dân cư trú ở nước ngoài. Nguồn kiều hối năm 2018 chiếm 9,1% GDP, tức gấp đôi tiền hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) nước này nhận được cùng năm.

Phụ thuộc vào kiều hối nhiều hơn Senegal còn có Haiti (kiều hối chiếm không dưới 34% GDP năm 2018), Nepel (28%), quần đảo Comoros (19%) và nhiều nước đang phát triển khác.

Kiều hối của người nhập cư ở nước ngoài đã bảo đảm phần nào cuộc sống của gia đình người thân trong nước.

Ví dụ ở miền tây Mali, nơi có nhiều người sang Pháp định cư, trung bình gần 20% chi phí sinh hoạt gia đình phụ thuộc vào tiền nước ngoài gửi về.

Khi đại dịch COVID-19 lan ra toàn cầu, nguồn kiều hối quý giá giảm mạnh vì các nước siết chặt phong tỏa.

Do COVID-19, lao động nhập cư mất việc, kiều hối giảm theo
Lao động nhập cư làm theo hợp đồng ngắn hạn hay không có hợp đồng ở phương Tây thường không được hưởng các biện pháp hỗ trợ dịch bệnh của chính phủ - Ảnh: AP

Lao động không tay nghề thất nghiệp

Theo thống kê của ILO, 49,7% người di cư gốc Senegal (265.000 người) cư trú ở châu Âu, trong đó có 116.000 người ở Pháp, 79.000 người ở Ý và 59.000 người ở Tây Ban Nha, ba nước thuộc top các nước có số nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới.

Các biện pháp ngăn chặn dịch của ba nước này ảnh hưởng khác nhau đối với các loại hình lao động. Chịu thiệt thòi nhất là lao động nhập cư.

Phần lớn lao động nhập cư châu Phi làm các công việc không cần hoặc ít cần đến tay nghề như dịch vụ phục vụ nhu cầu cá nhân (giữ trẻ, nấu ăn, giúp đỡ người tàn tật, hỗ trợ tin học…), bán đồ ăn uống, du lịch, xây dựng.

Các loại hình lao động này đang tạm dừng hoạt động trong dịch.

Nhiều người trong số lao động nêu trên làm theo hợp đồng ngắn hạn, không có hợp đồng hoặc làm việc bán thời gian. Họ không được hưởng các biện pháp hỗ trợ của chính phủ cho các doanh nghiệp và nhân viên công ty.

Nhà kinh tế Flore Gubert nhận định tiền lương của đối tượng lao động này vốn đã thấp, nay nhiều người đang sống thiếu thốn trong bối cảnh dịch bệnh thì nói gì đến chuyện gửi tiền về quê nhà.

Kinh nghiệm từ khủng hoảng năm 2009

Nghiên cứu khủng hoảng tài chính năm 2009, nhà kinh tế David Khoudour-Castéras (Trung tâm Phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế-OECD) ghi nhận lao động nhập cư là đối tượng bị thất nghiệp nhiều nhất tại Mỹ, Tây Ban Nha, Ireland.

Có hai lý do giải thích. Một là các lĩnh vực sử dụng người nhập cư nhiều như xây dựng, dịch vụ giúp việc nhà, ăn uống, du lịch dễ bị biến động hơn hết. Hai là độ tuổi và trình độ trung bình của lao động nhập cư còn thấp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả