24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mai Thị Trương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

DMC dưới “quyền lực” của thu nợ ngắn hạn

Tài sản ngắn hạn của Công ty cổ phần Dung dịch Khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC, mã PVC, sàn HoSE) khá dồi dào so với cơ cấu nợ, nhưng sự lệ thuộc vào các khoản phải thu ngắn hạn cũng cho thấy DMC đang phụ thuộc khá nhiều vào “quyền lực” của tài sản này.

Nguồn tiền dồi dào

Một trong những tín hiệu lạc quan chứng tỏ về nguồn tiền của đại gia ngành hóa phẩm dầu khí DMC khá dồi dào là công ty này sẽ thực hiện đợt chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2018. Theo ông Hoàng Trọng Dũng, Tổng giám đốc DMC tại nội dung văn bản công bố thông tin, thì tỷ lệ chi cổ tức đợt này là 4,5% (1 cổ phiếu được nhận 450 đồng). Theo đó, với số lượng 50 triệu cổ phiếu đang lưu hành, DMC sẽ phải móc hầu bao 22,5 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức lần này.

Thông thường, các doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu thường viện dẫn lý do là doanh nghiệp dùng vốn tái đầu tư phục vụ lợi ích lâu dài cho Công ty, nhưng lý do này không mấy khi được các cổ đông nhỏ lẻ đánh giá cao. Bởi lẽ, các đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu thường dẫn đến việc cổ phiếu bị pha loãng và giảm giá sau đó, trong khi lý do “tái đầu tư” ít khi được lãnh đạo các doanh nghiệp chứng minh hiệu quả đầu tư một cách rõ ràng.

Trong khi đó, việc chia cổ tức bằng tiền thường được coi là hành động cụ thể chứng tỏ khả năng tài chính thực sự của doanh nghiệp, cũng như sự quan tâm của lãnh đạo doanh nghiệp đối với quyền lợi của nhóm các cổ đông nhỏ lẻ.

Thực tế về năng lực tài chính hiện tại, DMC có cơ cấu tài sản ngắn hạn khá mạnh so với quy mô nợ. Tài sản ngắn hạn tại ngày 30/6/2019 đạt 1.562 tỷ đồng, lớn gấp 1,6 lần so với tổng nợ (gồm cả ngắn hạn và dài hạn). Riêng tiền và tương đương tiền tại ngày 30/6/2019 cũng lên tới 348 tỷ đồng, lớn gấp 1,6 lần so với số dư thời điểm đầu năm 2019.

“Quyền lực” các khoản phải thu

Trong cơ cấu tài sản ngắn hạn, các khoản phải thu ngắn hạn là tài sản lớn nhất và cũng là tài sản có “quyền lực” lớn nhất chi phối khả năng thanh toán của DMC. Tại thời điểm ngày 30/6/2019, các khoản phải thu ngắn hạn của đại gia này là 884 tỷ đồng, tuy giảm so với đầu năm, song vẫn chiếm 90% doanh thu thuần trong nửa đầu năm. Gần như toàn bộ các khoản phải thu nằm ở các khoản phải thu khách hàng.

Về cơ cấu nợ, tổng nợ phải trả của DMC tại thời điểm 30/9/2019 là 947 tỷ đồng, khá thấp so với 1.820 tỷ đồng tổng tài sản nói chung và so với 1.562 tỷ đồng tài sản ngắn hạn nói riêng. Nhưng phần lớn nợ phải trả của DMC nằm ở nợ ngắn hạn, với 930 tỷ đồng.

Theo đó, các khoản nợ phải trả ngắn hạn của DMC khi đến hạn trước hết sẽ được giải quyết bằng tiền và tương đương tiền, tại thời điểm 30/6/2019 là 348 tỷ đồng, tiếp đến là đầu tư tài chính ngắn hạn chỉ là 2 tỷ đồng. Quy mô tiền và tương đương tiền như trên tuy ở mức khá, nhưng có thể giữ ổn định hay không thì phụ thuộc vào tốc độ thu hồi các khoản phải thu.

Sự quay vòng các khoản phải thu sẽ là “nguồn năng lượng” liên tục tạo ra dòng tiền bổ sung nhằm thanh toán các khoản nợ đến hạn và chi trả các hoạt động kinh doanh. Về quy mô, các khoản phải thu ngắn hạn của DMC lớn gấp 2,4 lần tiền và tương đương tiền, theo đó “nguồn năng lượng” này nếu bị tắc nghẽn (do tốc độ thu hồi nợ chậm lại chẳng hạn), sẽ lập tức ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của Công ty.

Trong khi đó, sự gia tăng của các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo về chất lượng thu nợ của DMC. Về giá trị tuyệt đối, phải thu ngắn hạn khó đòi đã tăng từ 66,8 tỷ đồng đầu năm 2019 lên 72,9 tỷ đồng vào giữa năm. Tốc độ tăng tính theo cơ cấu của phải thu khó đòi trên tổng phải thu ngắn hạn còn tăng nhanh hơn, từ 6,5% lên 8,2%.

Nhiều khoản phải thu khó đòi của DMC xuất phát từ quan hệ với các doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí như Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí, Công ty Thương mại dầu khí Phúc An... Các khoản phải thu ngắn hạn với các doanh nghiệp dầu khí và các mối quan hệ họ hàng ngành dầu khí cũng khiến nhà đầu tư ái ngại về sự “nể nang” lẫn nhau khi thu nợ.

Một số doanh nghiệp có liên quan trong “họ hàng” nhà dầu khí có nợ nần với DMC:

Liên doanh Việt - Nga Vietsopetro

Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Công ty liên doanh DMC VTS

Công ty Hóa dầu và sơ sợi dầu khí

Công ty Phân bón dầu khí Cà Ma

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
10.40 -0.10 (-0.95%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả