24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phương Tùng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Định hướng chính sách tiền tệ trong bối cảnh Covid-19: Cần tiếp tục thận trọng và linh hoạt

Dù khó khăn về kinh tế do đại dịch Covid-19 có vẻ hiện hữu, được nhắc tới dồn dập hơn, nhưng Việt Nam vẫn cần thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt, tránh tình trạng “hỗ trợ quá mức”.

Hệ lụy kinh tế dần hiện hữu

Những đánh giá toàn diện và đầy đủ hơn về hệ lụy của dịch Covid-19 có lẽ còn phải chờ thêm vài tháng, song các nền kinh tế chủ chốt đều thực hiện các giải pháp quyết liệt, đặc biệt về tiền tệ…

Diễn biến dịch Covid-19 buộc các nước phải có những động thái quyết liệt nhằm kích thích kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, ngày 15/3/2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất cơ bản xuống còn 0 - 0,25% - lần hạ lãi suất thứ hai trong tháng. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ra thông điệp về việc giữ nguyên lãi suất, song lên kế hoạch mua gấp đôi cổ phiếu và đưa ra chương trình mới giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.

Mới đây nhất, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ dành 750 tỷ euro (tương đương 821 tỷ USD) để mua lại chứng khoán doanh nghiệp và công cụ nợ chính phủ trong năm 2020, đồng thời nhấn mạnh việc có thể gia tăng quy mô mua lại.

Tác động của những điều chỉnh chính sách nói trên còn cần thời gian để kiểm chứng. Cho đến ngày 19/3/2020, một số thị trường hàng hóa (vàng, dầu thô) và một số thị trường chứng khoán chủ chốt chưa thể hiện đà phục hồi rõ rệt.

Bản thân một số động thái chính sách tiền tệ nói trên có thể chưa đạt đồng thuận cao. Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng, việc Fed hạ lãi suất vào ngày 15/3/2020 có thể là chưa thực sự cần thiết. Dù vậy, các động thái này ít nhiều cũng phản ánh lo ngại ngày một hiện hữu hơn về tác động lây lan của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại ở bình diện toàn cầu.

Việt Nam đang hành động

Là một nền kinh tế có quy mô nhỏ và có độ mở cao đối với thương mại và đầu tư nước ngoài, Việt Nam nhanh chóng cảm nhận được những hệ lụy về kinh tế từ đại dịch Covid-19. Lo ngại về sụt giảm nguồn thu và việc làm từ du lịch, lữ hành, khách sạn, nhà hàng đã sớm được đề cập và ngày một hiện hữu hơn do một tỷ lệ lớn khách du lịch nước ngoài đến từ các nước bùng phát dịch như Trung Quốc (chiếm 32,2% lượt khách quốc tế năm 2019), Hàn Quốc (23,8%) và các nước châu Âu (12,0%). Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng khách quốc tế đến nước ta từ ngày 21/1 đến 20/2 giảm tới 21,8% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, suy giảm từ cầu bên ngoài trong bối cảnh Covid-19, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu, cũng đặt ra thêm khó khăn đối với xuất khẩu của doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn về nguồn cung, đặc biệt là bảo đảm các đơn hàng sản xuất.

Trước tình hình đó, Việt Nam đã thực hiện một số động thái chính sách để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh tế. Bên cạnh việc đề ra các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ đã công bố gói tín dụng 255.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ thuế 30.000 tỷ đồng. Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cải thiện khả năng tiếp cận vốn vay.

Từ ngày 17/3, Ngân hàng Nhà nước cũng đã hạ một loạt lãi suất điều hành.

Một điểm tích cực là các chính sách khác cũng có sự phối hợp tích cực để chia sẻ với chính sách tiền tệ. Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn tất dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, dự kiến có thể theo hướng cụ thể hóa để áp dụng luôn, không cần thông tư hướng dẫn và sẽ có hiệu lực ngay sau khi ban hành.

Những phản ứng bước đầu của thị trường là khá tích cực. Các ngân hàng thương mại đã giảm đáng kể mặt bằng lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay. Một số ngân hàng thương mại còn có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay chậm trả, giữ nguyên nhóm nợ cho những khách hàng bị tác động bởi dịch Covid-19...

Chính sách tiền tệ vẫn cần thận trọng và linh hoạt

Kỳ vọng đối với việc áp dụng chính sách tiền tệ nhằm ứng phó với những tác động bất lợi của đại dịch Covid-19 vẫn hiện hữu, bởi các công cụ chính sách tiền tệ có thể được vận dụng và phát huy tác động “tương đối nhanh hơn” so với các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tài khóa. Dù vậy, đại dịch Covid-19 có thể có tác động cả về phía cung, nên vai trò của các chính sách khác (tài khóa, thương mại, đầu tư) cần được nhìn nhận và phát huy kịp thời, đầy đủ hơn trong việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Kể từ khi được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019, dịch Covid-19 đã diễn biến phức tạp ở bình diện toàn cầu kể từ đầu năm 2020. Số ca nhiễm và số người tử vong đã lên tương ứng 275.650 người và 11.364 người (tính đến 10h00 ngày 21/3/2020).

Ngày 11/3/2020, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Ngoài việc tập trung cách ly, chữa trị cho bệnh nhân, nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp để phòng, chống dịch Covid-19, từ khuyến cáo về đi lại đến cấm tụ tập, tổ chức sự kiện đông người, đóng cửa biên giới…

Dù khó khăn về kinh tế do đại dịch Covid-19 có vẻ hiện hữu và được nhắc tới dồn dập hơn, song chính sách tiền tệ vẫn cần đủ cả sự thận trọng và linh hoạt.

Thận trọng vẫn có ý nghĩa quan trọng để duy trì kỳ vọng, thậm chí là sự bình tĩnh của nhà đầu tư và doanh nghiệp, nhất là khi họ đang cần hoạch định lại chiến lược sản xuất - kinh doanh.

Cần lưu ý, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô chính là điều kiện nền tảng để Chính phủ tập trung cải cách môi trường kinh doanh trong nhiều năm qua. Ở đây, đối thoại thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp là cần thiết, để doanh nghiệp có bước chuẩn bị phù hợp, thậm chí quyết liệt hơn trong tái cơ cấu hoạt động sản xuất - kinh doanh, tránh tâm lý “trông chờ” quá mức vào hỗ trợ tài chính - tín dụng của Chính phủ.

Thận trọng cũng giúp giữ được những dư địa chính sách tiền tệ cần thiết để vận dụng trong các kịch bản kinh tế trong tương lai. Thận trọng giúp bảo đảm mỗi động thái chính sách tiền tệ được sử dụng sẽ phát huy lợi ích lớn nhất cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Không ít nghiên cứu đã chỉ ra, Việt Nam đã thực hiện “hỗ trợ quá mức” trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, kéo theo áp lực về lạm phát, gánh nặng về ngân sách, nợ công và tác động trở lại đến hoạt động của doanh nghiệp trong cả một thời gian sau đó.

Cuối cùng, sự thận trọng đó phải đi kèm với sự linh hoạt, trên cơ sở cân nhắc rộng hơn các kịch bản diễn biến kinh tế và tương tác giữa chính sách tiền tệ của các nền kinh tế chủ chốt. Linh hoạt trong chính sách tiền tệ và khung chính sách kinh tế nói chung còn có ý nghĩa căn bản, thậm chí trong dài hạn, đối với cộng đồng doanh nghiệp, để họ có thể phát huy hơn nữa sức sống và khả năng thích nghi - điều đã được minh chứng trong thương chiến Mỹ - Trung.

Những đánh giá cho đến nay đều ghi nhận tác động tiêu cực rõ nét hơn của dịch Covid-19 trong tháng 2, đối với kinh tế thế giới và khu vực. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã giảm mạnh trong tháng 2 ở bình diện toàn cầu, đặc biệt rõ ở nhóm các thị trường mới nổi (ở mức 44,6).

Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới và nhiều nền kinh tế chủ chốt sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Trong báo cáo tháng 3/2020, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 đối với hầu hết các nền kinh tế, trong đó giảm nhiều nhất là Trung Quốc (dự báo mới nhất ở mức 4,9%, so với dự báo trước đó là 5,7%).

Hội đồng Du lịch và Lữ hành toàn cầu cảnh báo, đại dịch Covid-19 có thể làm giảm 50 triệu việc làm trong ngành du lịch và lữ hành trên toàn thế giới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả