Điều gì khiến thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Dòng tiền đầu tư toàn cầu thường chú ý đến những thị trường cận biên hoặc mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước “chuyển mình” ấn tượng cùng với sự tham gia của ngày càng nhiều quỹ đầu tư nước ngoài. Để góp thêm góc nhìn về hoạt động của các quỹ đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Long, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Tính đến 30/6/2021, chỉ số VN- Index đạt 1.408,55 điểm, tăng hơn 27% so với cuối năm 2020. Cùng với sự tăng trưởng của thị trường, hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài cũng có nhiều kết quả khả quan. Thống kê cho thấy, tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục tăng từ đầu năm đến nay.
Trong số 37,6 nghìn tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài thì có hơn 2 nghìn tài khoản của các quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài. Một số quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài có quy mô lớn và hoạt động ảnh hưởng nhất định đến thị trường nhìn chung có sự tăng trưởng tích cực. Giá trị danh mục của một số quỹ tăng khoảng hơn 20% so với thời điểm cuối năm 2020.
Sự hiện diện của các quỹ đầu tư nước ngoài, các tổ chức nước ngoài đã góp phần đa dạng hóa cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, theo hướng phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức và giảm những bất ổn của thị trường do ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư cá nhân.
Thực tế, thống kê về sự tăng trưởng cả về số lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động của các quỹ đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy, các chính sách thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài của Việt Nam đã phát huy hiệu quả nhất định.
Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng đều và ổn định. Điều này góp phần giải quyết những khó khăn của nền kinh tế, duy trì sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán; hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước giải quyết khó khăn về vốn; nâng cao năng lực quản trị và tính minh bạch trong hoạt động doanh nghiệp, đồng thời củng cố nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia. Qua đó, tăng cường khả năng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và chủ động trong quản lý điều hành kinh tế của Chính phủ.
Tại một số thời điểm, thị trường cũng có sự rung lắc mạnh và giảm điểm. Một số nhà đầu tư bán ròng vì có tâm lý lo ngại về suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch. Dù vậy, tính đến hết tháng 6/2021, các chỉ số của thị trường vẫn tăng mạnh, vốn hóa tăng 22% so với cuối năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân đạt 21 nghìn tỷ đồng, tăng 186% so với bình quân năm 2020.
Nhiều chuyên gia phân tích đầu tư cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài. Dòng tiền đầu tư toàn cầu sẽ thường chú ý đến những thị trường cận biên hoặc mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh.
Việt Nam là một trong những điểm đầu tư đầy hứa hẹn thời gian tới với các chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế và thực hiện kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19. Đây là những tiền đề cơ sở rất tin cậy để tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh sau đại dịch.
Các giải pháp cơ bản nhằm thu hút dòng vốn nước ngoài như: tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, tạo lập một hệ thống pháp lý chặt chẽ, thống nhất. Từ đó, bảo vệ thị trường hoạt động minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư; đảm bảo có nhiều sản phẩm đầu tư có chất lượng nhằm thu hút nhà đầu tư dài hạn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tiếp tục cải cách hành chính, gỡ bỏ các thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia và đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Cùng đó, chất lượng quản trị doanh nghiệp từng bước được nâng cao, quản trị rủi ro, chế độ kế toán IFRS (gồm các chuẩn mực, quy tắc chung trong báo cáo của ngành tài chính, kế toán được tạo ra và ban hành bởi Hội đồng chuẩn mực kế toán Quốc tế IASB) của các công ty niêm yết, công ty đại chúng theo thông lệ quốc tế.
Cơ quan quản lý cũng tăng cường giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân trên thị trường; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm nhằm tăng cường kỷ luật kỷ cương của thị trường. Từ đó, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường chứng khoán Việt Nam./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận