Điều gì giúp cho Việt Nam duy trì được tỷ lệ lạm phát 2,73%?
Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ lạm phát thấp trong 9 tháng đầu năm.
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), 9 tháng, Việt Nam vẫn duy trì được tỷ lệ lạm phát thấp 2,73% trong khi “cơn bão” lạm phát hoành hành từ châu Âu, châu Mỹ đến châu Á hay ASEAN. Để có được điều này, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo sát sao, linh hoạt trong công tác điều hành, bình ổn giá.
9 tháng đầu năm, chỉ số lạm phát ở nhiều nước tại châu Âu, châu Mỹ và một số nước trong khu vực đều tăng cao. Tại Mỹ, lạm phát 9 tháng đạt 8,3%. Để kiềm chế tỷ lệ này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, dao động trong biên độ 3-3,25%.
Tại khu vực châu Âu, con số lạm phát cũng ghi nhận lên mức kỷ lục vào tháng 8 là 9,1%. Các nước trong khu vực ASEAN, lạm phát cũng đang tăng rất cao như Thái Lan đạt mức lạm phát 7,9% trong tháng 8, so với cùng kỳ năm trước tăng 5,1%, Indonesia cũng tăng 4,7%.
Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ lạm phát thấp. Tháng 9, lạm phát Việt Nam tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân lạm phát 9 tháng đầu năm ở mức 2,73%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra năm nay là 4%.
Bà Oanh cho biết, để đạt được kết quả như vậy, trong 9 tháng qua, Chính phủ đã có những chỉ đạo điều hành quyết liệt, sát sao nhằm bình ổn giá.
Đầu tiên là quyết định của Quốc hội và Chính phủ việc giảm thuế, chấp nhận giảm thu ngân sách để bình ổn giá xăng dầu, qua đó giúp bình ổn giá cả trong nước. Ngoài ra, Chính phủ cũng đưa ra một số biện pháp nhằm ổn định nguồn cung, hỗ trợ giá để ổn định đời sống người dân, giảm áp lực lên mặt bằng giá. Trong đó, một loạt nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có tác động lớn tới Chỉ số giá tiêu dùng trong nước (CPI) cũng được Nhà nước hỗ trợ về chính sách.
Theo Tổng cục Thống kê, giá dịch vụ giáo dục cũng giảm 1,88% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí để hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm CPI chung giảm 0,1 điểm phần trăm.
Tương tự, theo lộ trình thì giá dịch vụ y tế tăng từ năm ngoái nhưng cho tới nay vẫn chưa tăng. Trong rổ hàng hóa tính CPI, người dân Việt Nam tiêu dùng cho dịch vụ giáo dục và y tế với tỷ trọng lớn khoảng 12% trong thu nhập của người dân. Chính vì vậy việc ổn định giá hai nhóm hàng này đã giúp kiềm chế lạm phát trong 9 tháng qua.
Tương tự với giá điện, trong 4 năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng chưa tăng giá điện dù nguồn nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than tăng giá cao. Theo như tính toán, nếu chỉ số giá nhóm điện tăng 10% thì sẽ tác động vào chỉ số CPI chung tăng 0,33%.
Nhóm hàng lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng tới gần 25% trong rổ hàng hóa. Nhưng nước ta lại có lợi thế về lương thực, thực phẩm trong bối cảnh giá lúa mỳ trên thế giới tăng cao sau xung đột Nga - Ukraine. Xuất khẩu gạo cũng là điểm sáng trong thời gian qua. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý III xuất khẩu gạo nước ta tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Chính vì vậy, chủ động được về lương thực thực phẩm cũng là yếu tố đóng góp giúp kiềm chế lạm phát.
Bà Oanh cho biết thêm, giá thịt lợn bình quân 9 tháng giảm gần 16%. Thịt lợn chiếm 3,39% trong rổ hàng hóa nên giá thịt lợn giảm 16% giúp chỉ số CPI 9 tháng hạ 0,54%.
Tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và quý III của Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê cũng cho rằng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân mà 9 tháng, Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP khá tốt là 8,83% so với cùng kỳ năm trước, riêng quý III, GDP đạt 13,6% so với cùng kỳ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận