menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link

Điện than Công Thanh muốn chuyển sang LNG: Đủ điều kiện cần cho làm sớm

Đó là quan điểm của Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, nhằm đảm bảo nguồn điện cho miền Bắc trong bối cảnh thiếu điện cận kề.

Chậm tiến độ các nguồn điện lớn gây hệ luỵ thiếu điện trong vài năm tới. Do đó, việc thúc đẩy cho những dự án đã sẵn sàng các điều kiện để có thể bắt tay vào triển khai luôn là điều cần làm ngay. Báo Giao thông trò chuyện với Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) xung quanh đề xuất được chuyển đổi từ điện than sang điện khí LNG của Tập đoàn Công Thanh.

Dự án đủ điều kiện cần cho làm sớm

Thưa ông, thời gian qua vấn đề thiếu điện đang được cả Chính phủ và người dân quan tâm. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó có việc chậm trễ của nhiều nguồn điện lớn. Theo ông, chúng ta cần rút ra bài học gì cho việc phát triển nguồn điện thời gian tới đây?

Theo tôi, vấn đề an ninh năng lượng và phát triển nguồn điện của nước ta thời gian tới hết sức cấp thiết. Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo về vấn đề này.

Hiện Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, điều chúng ta cần tính bây giờ là phát triển nguồn điện ở miền nào, kế hoạch ra sao để đảm bảo hiệu quả.

Tôi thấy quy hoạch vẫn tiếp tục phát triển nhiều nguồn điện than, điều này không còn phù hợp với cam kết “xanh, sạch” khi Thủ tướng Chính phủ đã ký cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống gần bằng 0 vào năm 2050.

Việc đưa quá nhiều nguồn điện than vào Quy hoạch điện VIII tôi cho rằng là bất cập khi thời gian qua phần lớn nguồn điện này bị chậm tiến độ.

Báo cáo tại Quốc hội cũng đã bàn luận nhiều về vấn đề này. Tôi đề nghị, hiện tại có thể phát triển những dự án điện than đã có trong các quy hoạch trước, tuy nhiên, cần tính toán dự báo khả năng chậm tiến độ để có các dự án nguồn thay thế.

Tiến tới bỏ không làm mới trong 5-10 năm nữa, mà thay thế bằng việc phát triển các nguồn mới theo mục tiêu của cam kết đề ra. Điện khí, điện gió, điện mặt trời là những lựa chọn đã được nêu trong quy hoạch điện VIII.

Tuy nhiên, với điện mặt trời, tôi băn khoăn khi nhiều cảnh báo về tác hại môi trường của tấm pin mặt trời, khi hạn sử dụng chỉ khoảng 20-25 năm. Sau thời gian này cần xử lý ra sao thì cũng cần có kế hoạch cụ thể để xử lý.

Tôi nghĩ rằng, điện gió, điện khí LNG là giải pháp cần sớm thúc đẩy.

Quy hoạch điện VIII cũng đã mở ra hướng chuyển đổi từ điện than sang LNG cho những dự án chậm tiến độ, không thu xếp được vốn. Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã kiến nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chuyển điện than Công Thanh sang làm điện khí LNG do chủ đầu tư đã có vốn, có tổ hợp đầu tư, lại có mặt bằng… sẵn sàng cho việc chuyển đổi, quan điểm của ông như thế nào về đề xuất này?

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp ở phía Nam chưa bán được điện đã làm việc với Bộ Công thương và EVN. Tuy nhiên, việc thoả thuận khó khăn do lưới điện quốc gia tải không hết, tải không nổi và cũng còn nhiều vướng mắc đầu tư. Đây cũng là một bất cập lớn. Nên giờ phải làm sao tải điện từ Nam ra Bắc để không lãng phí nguồn điện này.

Tôi cho rằng, trong lúc này, tạm thời hãy hạn chế phát triển nguồn điện ở phía Nam mà hãy tập trung tìm lời đáp cho câu hỏi “tại sao miền Nam, miền Trung đang dư thừa điện, mà miền Bắc thiếu điện?

Doanh nghiệp làm điện miền Nam đang “kêu trời” vì nợ ngân hàng chồng chất, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.

Còn tại miền Bắc, cách đây vài tháng, người dân phản ứng rất mạnh về vấn đề thiếu điện dẫn đến cắt điện luân phiên. Để khắc phục được thì việc phát triển nguồn điện cần có tính toán lại.

Nguồn điện lớn phần nhiều nằm ở miền Nam, vì thế, ở miền Bắc mà có được nguồn điện nào đã sẵn sàng các điều kiện thì cần thúc đẩy cho làm sớm. Điện than Công Thanh cũng không ngoại lệ.

Bộ, ngành phải khẩn trương hơn

Để đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có văn bản chỉ đạo Bộ Công thương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định kiểm soát chặt chẽ tiến độ các dự án nguồn và lưới điện. Trong trường hợp đề xuất chyển đổi của nhiệt điện than Công Thanh, theo ông, bộ nghành và doanh nghiệp cần hành động gì để đảm bảo tiến độ dự kiến vận hành vào năm 2028?

Để không có sự chậm trễ, thì EVN cùng Bộ Công thương phải quyết liệt thực hiện nhiệm vụ kế hoạch đề ra. Cơ bản, cốt lõi làm sao để nguồn điện trong nước được hoà mạng chung với nhau.

Không thể chấp nhận được việc khu vực có điện không sử dụng hết, còn khu vực khác lại thiếu điện. Bằng mọi cách các nhà chuyên môn phải tính để đường dây truyền tải phải liên thông với nhau, thậm chí liên thông với các nước láng giềng như quốc tế hiện nay vẫn làm.

Thực trạng hiện nay của Việt Nam là “không thể chấp nhận được”.

Nói vậy để thấy việc kiểm soát tiến độ rất quan trọng. Đó không chỉ là trách nhiệm của riêng doanh nghiệp mà còn là sự khẩn trương từ bộ, ngành.

Tôi cho rằng, bộ ngành cần có danh sách ưu tiên những dự án có thể triển khai. Ưu tiên theo cấp độ huy động vốn, mặt bằng, năng lực nhà đầu tư…

Còn doanh nghiệp cần có cam kết và chịu trách nhiệm với những cam kết đó.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại