Điện mặt trời mái nhà được mua bán trực tiếp, không qua EVN
Nghị định Chính phủ vừa ban hành cho phép dự án điện mặt trời mái nhà hay điện rác, sinh khối có thể được mua bán trực tiếp không qua EVN.
Nội dung trên được nêu tại Nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán trực tiếp giữa bên phát năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA), ngày 3/7.
Tại Nghị định, Chính phủ cho phép mua bán trực tiếp điện theo hai phương án, gồm qua đường dây riêng và lưới quốc gia (tức qua EVN).
Với phương án qua đường dây riêng (tức không qua EVN), bên phát năng lượng tái tạo được tham gia cơ chế này gồm điện mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu và hệ thống điện mặt trời mái nhà. Các dự án này không giới hạn về công suất nhưng phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực, hoặc được miễn trừ giấy phép theo quy định.
Điện rác chưa được đưa vào cơ chế này do chưa có quy định rõ ràng là năng lượng tái tạo hay không, theo lý giải trước đó từ Bộ Công Thương. Loại năng lượng này có thể được bổ sung trong trường hợp cấp có thẩm quyền chấp nhận.
Để mua bán qua đường dây riêng, đơn vị phát năng lượng tái tạo và khách hàng hàng lớn sẽ ký hợp đồng mua bán với điều kiện, mức giá do hai bên thỏa thuận. Với phần điện dư thừa, bên phát điện có thể bán lại cho EVN qua hợp đồng mua bán, quy định về công suất, sản lượng, giá.
Còn bên mua điện, ngoài mua trực tiếp từ bên phát năng lượng tái tạo, họ được mua bán điện với Tổng công ty Điện lực, hoặc đơn vị bán lẻ điện không phải Tổng công ty Điện lực.
Một góc hệ thống điện mặt trời áp mái tại Cảng Đồng Nai. Ảnh: Nami Solar
Hiện, cả nước có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.
Việc mở ra hướng điện mặt trời mái nhà có thể tham gia mua bán điện trực tiếp sẽ gỡ vướng cho loại hình năng lượng này, bên cạnh chính sách khuyến khích phát triển tự sản, tự tiêu đang được Bộ Công Thương soạn thảo.
Cũng theo Nghị định, dự án điện gió, mặt trời muốn tham gia mua bán điện trực tiếp qua lưới quốc gia phải có công suất trên 10 MW.
Với mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, Nghị định cũng quy định rõ việc bán điện của đơn vị phát năng lượng tái tạo qua thị trường điện giao ngay và mua bán qua Tổng công ty Điện lực.
Theo quy định, giá thị trường điện giao ngay là giá thị trường điện toàn phần được hình thành theo từng chu kỳ giao dịch của thị trường điện giao ngay. Giá này được xác định bằng tổng của giá điện năng, công suất thị trường trên thị trường bán buôn.
Trong cả hai trường hợp, bên mua là tổ chức, cá nhân dùng điện sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên, lượng tiêu thụ bình quân hàng tháng từ 200.000 kWh. Mức này thấp hơn so với mức 500.000 kWh được đưa ra tại các bản dự thảo trước đó.
Theo khảo sát từ các tổng công ty điện lực, khách hàng lớn sử dụng từ 500.000 kWh trở lên khoảng 30%, còn từ 200.000 kWh trở lên là hơn 7.700 khách hàng, chiếm 36,5% tổng điện năng.
Đơn vị bán lẻ điện tại khu công nghiệp, kinh tế, chế xuất phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực bán lẻ điện, có sản lượng mua từ 200.000 kWh một tháng trở lên, đấu nối cấp điện áp từ 22 kV.
Cơ chế DPPA từng nhiều lần được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị Việt Nam sớm thí điểm, bởi họ cho rằng chính sách này sẽ tác động tích cực vào cạnh tranh ngành năng lượng.
Dự thảo thí điểm DPPA từng được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến cách đây gần ba năm, với công suất thí điểm ban đầu 1.000 MW. Thời điểm đó, nhiều tập đoàn lớn như Samsung đề xuất được tham gia.
Khảo sát cuối năm ngoái của Bộ Công Thương cho thấy, khoảng 20 doanh nghiệp lớn mong muốn mua điện trực tiếp, tổng nhu cầu gần 1.000 MW. Cùng đó, có 24 dự án năng lượng tái tạo với công suất 1.773 MW muốn bán điện qua cơ chế DPPA, 17 dự án có công suất 2.836 MW cân nhắc tham gia.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận