Điểm tương đồng giữa thị trường giấy vệ sinh và thị trường bất động sản chỉ ra thời điểm nên mua nhà
Việc so sánh mua giấy vệ sinh với mua bất động sản nghe như chuyện đùa, nhưng bối cảnh hiện tại cho thấy một số điểm tương đồng: Cả hai mặt hàng này đều bị ảnh hưởng bởi quy luật cung và cầu. Câu chuyện đùa này từng xảy ra vào đầu dịch Covid-19, khi giấy vệ sinh trở thành hàng hiếm ở các nước Âu Mỹ.
Việc so sánh mua giấy vệ sinh với mua bất động sản nghe như chuyện đùa, nhưng bối cảnh hiện tại cho thấy một số điểm tương đồng: Cả hai mặt hàng này đều bị ảnh hưởng bởi quy luật cung và cầu. Câu chuyện đùa này từng xảy ra vào đầu dịch Covid-19, khi giấy vệ sinh trở thành hàng hiếm ở các nước Âu Mỹ.
Hãy tưởng tượng bạn đang đi mua giấy vệ sinh. Bạn đi đến một cửa hàng tạp hóa lớn và thấy các kệ hoàn toàn trống rỗng. Người quản lý cho biết họ sẽ sớm bổ sung nhiều hàng hơn. Bạn không thích điều hứa hẹn này vì bạn không biết thời gian cửa hàng nhập thêm giấy vệ sinh là khi nào, họ có thực sự nhập thêm hay không, và liệu còn hàng để họ nhập về hay không. Vì vậy, bạn quyết định đi mua giấy vệ sinh ở một cửa hàng tiện lợi nhỏ, và dĩ nhiên phải chấp nhận mức giá cắt cổ.
Còn trên thị trường bất động sản, ngoại trừ các không gian bán lẻ, văn phòng và khách sạn, thì nhà ở, bất động sản công nghiệp và một số loại hình khác có mức tồn kho rất thấp đã đẩy giá bán lên rất cao. Do đó, thay vì chờ đợi để tìm thấy một ngôi nhà phù hợp với các mục tiêu thực tế, tài chính và thẩm mỹ, nhiều người vội vàng chọn mua một thứ gì đó khác xa so với mong muốn của họ và có giá quá cao. Lý do là họ sợ nếu hôm nay không mua thì ngày mai giá sẽ chỉ cao hơn.
Thị trường đang thuộc về người bán
Theo realtor.com, tồn kho nhà ở đã giảm 39,6% vào năm 2020 tại Mỹ. Tỷ lệ rất lớn này kết hợp với nhu cầu gia tăng đã tạo ra mức giá cao đến phi thực tế. Trong khi đó, nhiều chủ nhà còn do dự niêm yết bán nhà trên thị trường vì khó tìm ra một bất động sản thay thế phù hợp, khi mà có quá ít lựa chọn và giá bị đẩy lên cao. Một số người thậm chí cho rằng giá sẽ cao lên nếu họ chờ đợi, và sẽ thua lỗ nếu bán nhà ở thời điểm hiện tại. Những điều này cùng với việc hạn chế các chuyến thăm quan nhà do đại dịch đã khiến chủ nhà càng ngần ngại rao bán.
Với lãi suất thế chấp vẫn ở mức thấp nhất mọi thời đại, nhiều người nghĩ rằng sẽ có rất nhiều dự án đang được xây mới, giúp bổ sung thêm nguồn cung. Nhưng điều này không xảy ra trong thực tế, bởi vì các tổ chức cho vay cũng ghét sự không chắc chắn của thị trường khi tỷ lệ thất nghiệp cao, các bất động sản bị trì hoãn xây dựng do giãn cách xã hội, người thuê nhà trả tiền chậm hoặc không có khả năng thanh toán đang tăng kỷ lục, và tỷ lệ lấp đầy sụt giảm. Do đó, họ áp đặt các nguyên tắc cho vay nghiêm ngặt hơn, và tỷ lệ vốn được vay trên giá trị tài sản bị giảm xuống. Điều này khiến nhiều chủ đầu tư và công ty xây dựng không đủ tiêu chuẩn vay vốn, và thiếu nguồn tài chính để triển khai các tòa nhà thương mại và khu dân cư.
Bắt đáy thị trường
Trong chu kỳ của thị trường bất động sản, giai đoạn suy thoái được theo sau bởi giai đoạn phục hồi, giai đoạn mở rộng và giai đoạn siêu nguồn cung. Khi giai đoạn suy thoái chuyển sang giai đoạn phục hồi, giá ở mức thấp nhất, các ngôi nhà bị tịch thu ở mức cao nhất và đây thường là mức đáy của thị trường – và cũng là thời điểm tốt nhất để bạn mua nhà. Thông thường, giai đoạn suy thoái thường gây ra bởi giá bất động sản cao bất thường trong thời điểm kinh tế yếu kém và khiến bong bóng vỡ tung.
Chúng ta đã ở trong cuộc suy thoái do đại dịch gây ra khoảng một năm nay, và giá bất động sản đáng lẽ sẽ giảm xuống ở mức đáy. Nhưng ngược lại, giá nhà vẫn tăng. Điều này có thể do cuộc suy thoái về nhà ở diễn ra trong thời kỳ kinh tế phát triển mạnh mẽ và bị tác động đột ngột bởi đại dịch. Vì vậy, để đánh giá thị trường có chạm đáy hay không ở hiện tại, hãy xem xét giá nhà có tương đồng không với sự tăng trưởng về việc làm, thu nhập và GDP.
Tránh xa thị trường chạm đỉnh
Nếu giá bất động sản tăng do nền kinh tế phát triển mạnh – thể hiện ở tăng trưởng việc làm, tiền lương và GDP - thì bạn có khả năng không mua nhà khi thị trường chạm đỉnh. Nhưng nếu giá ở mức cao do lượng hàng tồn kho thấp và có vẻ như sẽ không có nhiều nguồn cung mới, thì đây là dấu hiệu cho thấy bạn đang tham gia vào một giao dịch ở đỉnh của thị trường.
Đặc biệt, nếu bạn phải trả mức giá cho một ngôi nhà không đem lại lợi nhuận tương ứng, thì bạn đang bị “mua hớ” và điều này cũng gây ra thiệt hại về tài chính không khác gì khi mua ở thị trường chạm đỉnh. Vì vậy, bạn cần thẩn trọng với tâm lý sợ bỏ lỡ, sợ hết hàng hay suy nghĩ cảm tính rằng ngôi nhà sẽ có giá cao hơn trong tương lai. Hãy dành thời gian để nhìn lại mục tiêu mà bạn đặt ra khi xuống tiền đầu tư, và nghiên cứu xem ngôi nhà có thực sự đáp ứng đầy đủ các kỳ vọng đó hay không.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận