24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
An Bang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Điểm sáng kinh tế Việt Nam: Thích nghi với biến động

Các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần linh hoạt thích ứng với những biến động trên thế giới nhằm giảm tác động đến sản xuất, xuất khẩu

Đầu tư hơn nữa cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tận dụng hơn nữa các hiệp định thương mại tự do... tiếp tục là động lực để Việt Nam phát triển kinh tế

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tiếp tăng lãi suất cơ bản để ngăn chặn lạm phát đã tạo ra làn sóng tăng lãi suất ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Điều này khiến bóng ma suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng hiện rõ. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.

Nhiều thách thức

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng các doanh nghiệp (DN) cần chuẩn bị ứng phó với những biến động toàn cầu vào các tháng cuối năm 2022 và có thể kéo dài cả năm 2023.

"Hơn bao giờ hết, chúng ta cần hết sức linh động và linh hoạt thích nghi bằng việc đẩy mạnh liên kết hiệp hội, liên kết chuỗi giá trị. Các DN cần đầu tư vào nguồn nhân lực và trang thiết bị, khoa học - công nghệ; từ bỏ cách kinh doanh theo kinh nghiệm và truyền thống, sẵn sàng chấp nhận cái mới. Cần điều chỉnh chiến lược, năng động hơn bởi "chậm là chết". DN cũng phải nâng cao tính công khai, minh bạch trong quy trình sản xuất - kinh doanh và tận dụng các khả năng mới tiếp cận khách hàng qua mạng xã hội, điện thoại thông minh…" - chuyên gia này gợi ý.

Về thị trường xuất khẩu, TS Lê Đăng Doanh cho rằng trước tình hình lạm phát ở nhiều nước tăng cao, thời tiết nhiều nước khô hạn, nông nghiệp mất mùa, sức mua ở các thị trường truyền thống giảm sút, DN cần phối hợp với các cơ quan nghiên cứu tìm kiếm thị trường mới, cơ hội mới. Khi thấy cơ hội, cần tận dụng ngay, không để chậm trễ. "Tôi cho rằng Ấn Độ sẽ nhanh chóng trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới. DN Việt Nam cần sớm có mối quan hệ hợp tác với các tập đoàn, công ty Ấn Độ để gia tăng lợi thế người đi trước" - ông nêu.

Trong báo cáo phân tích về ngành dệt may mới đây, các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định trong tương lai gần, ngành dệt may Việt Nam sẽ đối mặt nhiều thách thức. Cụ thể, đứng trước tương lai khó lường của nền kinh tế Mỹ những tháng cuối năm 2022, nhiều hãng thời trang Mỹ sẽ thận trọng hơn trong việc đặt các đơn hàng mới. Sang năm 2023, sự sụt giảm đơn hàng sẽ rõ ràng hơn, gây áp lực lên tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các DN dệt may Việt Nam.

Tình trạng gián đoạn nguồn cung có thể kéo dài, đẩy giá nguyên liệu leo cao. Theo VDSC, trong 3-5 năm tới, ngành dệt may mới dần lấy lại đà tăng trưởng vốn có, nhờ yếu tố thuận lợi từ sự phục hồi kinh tế của các nước nhập khẩu, xu hướng chuyển đổi đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, lợi thế từ các hiệp định thương mại và sự cải thiện của chuỗi giá trị sản xuất.

Để ứng phó với những thách thức toàn cầu, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ông Vũ Đức Giang, góp ý: "Các DN cần bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc, công nghệ, chuyển đổi xanh để thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng; tăng cường giải pháp xây dựng, đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường, đặc biệt chú trọng tới nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang. Bên cạnh đó, cần mở rộng thị trường để không quá phụ thuộc vào một vài thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, cần thay đổi thiết bị công nghệ nhằm thích ứng được yêu cầu từ các nước nhập khẩu".

Tăng trưởng nhờ yếu tố nội tại

Ông Đỗ Hòa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Tinh Hoa Quản Trị - chuyên gia về quản trị DN, nhận xét nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu. Theo ông, phân tích sâu về xuất khẩu thì chủ yếu vẫn là gia công, hàm lượng giá trị gia tăng chưa nhiều; xuất khẩu nguyên liệu thô và bán thành phẩm còn nhiều, chưa tận dụng hết ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do.

"Những bất ổn trên thế giới thời gian qua đã hình thành xu hướng DN chuyển nhà máy về chính quốc nên tương lai, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường truyền thống như Mỹ sẽ giảm. Để thích ứng, các DN cần đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) để có sản phẩm riêng, thương hiệu riêng, giảm bớt hoạt động gia công. Những biến động ngày nay cho thấy "gần thị trường" đang là lợi thế lớn về vận chuyển. Nhìn sang các thị trường gần như Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Nam Á…, với 5 tỉ dân nhưng DN Việt Nam chưa khai phá hết. Cần đầu tư R&D để có các sản phẩm phù hợp cho thị trường này cũng như đầu tư cho kênh phân phối, tương tự cách mà các DN Thái Lan thâm nhập thị trường Việt Nam qua việc mua hệ thống bán lẻ" - chuyên gia Đỗ Hòa phân tích.

Dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhưng các tổ chức trong nước và quốc tế vẫn dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, đầu tháng 9, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 lên 7%, cao hơn 1% so với mức dự báo 3 tháng trước và là lần điều chỉnh tăng mạnh duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á. Tuy nhiên, IMF hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 còn 6,7%, tức giảm 0,5% so với dự báo trước đó. Dù vậy, đây vẫn là mức tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Á.

Sở dĩ Việt Nam có mức dự báo này là do tăng trưởng được thúc đẩy bởi thương mại tiếp tục mở rộng, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo, đi lại trong nước và giải ngân vốn đầu tư công.

Trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán ACBS cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn được kỳ vọng ghi nhận ở mức cao trong các tháng cuối năm. Cơ sở cho sự kỳ vọng này là tất cả hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm, từ đó thúc đẩy các hoạt động từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) về đầu tư và xuất khẩu. Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghiệp thay thế ngay cạnh Trung Quốc…

"Xuất khẩu, động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khi hoạt động sản xuất dần phục hồi, dự kiến sẽ tiếp tục đi lên trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi" - các chuyên gia phân tích của ACBS nhận định.

Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare (nhãn hàng tương ớt lên men Chilica), vẫn bày tỏ lạc quan về xuất khẩu các tháng cuối năm, tăng trưởng quý IV có thể cao hơn ít nhất 30% so với các quý trước. Là DN xuất khẩu nông sản thực phẩm mới gia nhập thị trường, Tomcare chọn con đường xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu mang thương hiệu riêng và không nhận gia công.

"Nhu cầu thực phẩm cho những ngày lễ cuối năm cao, khách hàng từ châu Âu, Hàn Quốc tăng nhập hàng để phục vụ dịp mua sắm cao điểm. Mới đây, chúng tôi đã xin được giấy phép của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để chuẩn bị xuất khẩu lô đầu tiên phục vụ mùa Tết 2023. Đây là thị trường rất lớn, chúng tôi kỳ vọng sẽ có sản lượng xuất khẩu cao. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang thực hiện các chương trình quảng cáo quốc tế để khách hàng nước ngoài biết đến nhiều hơn nữa." - ông Hiền thông tin.

Theo ông Hiền, việc tìm kiếm container rỗng dễ dàng hơn, cước tàu và phí bảo hiểm tàu giảm cũng hỗ trợ hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới. Tuy không nhận các đơn hàng gia công nhưng Tomcare đã tìm được một số đối tác là DN xuất khẩu thủy sản để cung cấp nguyên liệu và bán thành phẩm để các DN thủy sản phát triển sản phẩm giá trị gia tăng. Điều này góp phần đưa Việt Nam trở thành "bếp ăn của thế giới" với những sản phẩm sẵn, giúp người tiêu dùng thế giới có thể ăn ngay hoặc chỉ cần chế biến sơ - giảm tỉ lệ nông - thủy sản xuất khẩu nguyên liệu thô như hiện nay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả