Điểm mặt hàng loạt sai phạm tại các dự án của Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8
Mới đây, Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) đã bị Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) chỉ ra sai phạm trong việc dùng vật liệu không đúng hồ sơ thiết kế thi công cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây. Trước đó, Cienco 8 cũng từng bị Thanh tra Chính phủ “điểm mặt” vì chưa bàn giao mặt bằng, chưa có thiết kế bản vẽ thi công, giấy phép xây dựng... nhưng đã tổ chức thi công tại 2 dự án BT ở tỉnh Bình Định.
Dùng vật liệu không đúng quy định để thi công cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây
Tìm hiểu được biết, vào ngày 10/3, đại diện Văn phòng Điều hành dự án Phan Thiết - Dầu Giây (Ban Quản lý Dự án Thăng Long - đại diện chủ đầu tư) đã đi kiểm tra hiện trường thi công gói thầu số 1-XL đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết – Dầu Giây do Liên danh nhà thầu Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) - Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường trúng thầu thi công.
Tại đây, đã phát hiện trên phạm vi thi công từ Km7 – Km9 (phần công việc do Cienco 8 thực hiện) nhà thầu đang tập kết vật liệu “đất lẫn đá” trên phạm vi rộng, khoảng 20 đống (từ 2m3 đến 5m3). Theo báo cáo của nhà thầu và tư vấn giám sát trưởng, giám sát hiện trường là để chuẩn bị thi công đắp nền đường.
Văn phòng Điều hành dự án Phan Thiết – Dầu Giây khẳng định, việc dùng “đất lẫn đá” để thi công nền đường cao tốc là vi phạm nghiêm trọng Hồ sơ thiết kế, Chỉ dẫn kỹ thuật làm ảnh hưởng đến chất lượng của Gói thầu số 1-XL. Bởi, theo Hồ sơ thiết kế kỹ thuật và Chỉ dẫn kỹ thuật thi công của dự án đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, theo đó vật liệu đắp nền đường được thiết kế tuân thủ các quy định tại các Tiêu chuẩn thiết kế, thi công và nghiệm thu hiện hành như TCVN-4054:2005, TCVN 9436:2012… trong đó, vật liệu đất lẫn đá không được thiết kế, sử dụng để đắp nền đường.
Văn phòng Điều hành dự án Phan Thiết – Dầu Giây yêu cầu ngay lập tức nhà thầu, tư vấn Giám sát di dời toàn bộ khối lượng “đất lẫn đá” ra khỏi công trường. Tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ khối lượng đắp nền đường đã thi công, nếu phát hiện dùng “đất lẫn đá” để đắp nền đường yêu cầu tiến hành đào bỏ, di dời ra khỏi công trường.
Cùng với đó, Văn phòng Điều hành dự án Phan Thiết – Dầu Giây cảnh cáo ông Phạm Văn Hưng - Chỉ huy trưởng công trường Gói thầu số 1-XL, đề nghị Liên danh Nhà thầu kiểm điểm, đánh giá và xem xét trách nhiệm theo đúng quy định. Cảnh cáo Tư vấn giám sát trưởng và Tư vấn giám sát viên công trường và đề nghị Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Xây dựng Công trình giao thông miền Bắc bố trí nhân lực thay thế trong thời gian sớm nhất.
Theo Ban Quản lý Dự án Thăng Long, sau khi có văn bản, nhà thầu đã di dời toàn bộ khối lượng “đất lẫn đá” ra khỏi công trường; Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Xây dựng Công trình giao thông miền Bắc cũng đã thay thế một nhân lực tư vấn Giám sát, còn lại một người do đang còn phải giải quyết hậu quả của vụ việc, sau khi xong sẽ thay thế.
Từng bị Thanh tra Chính phủ “điểm mặt” trong Kết luận Thanh tra tại 2 dự án BT
Trước đó, qua thanh tra việc quản lý đầu tư xây dựng (từ ngày 01/01/2013 - 31/12/2017), Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai phạm tại 2 dự án BT ở tỉnh Bình Định do Tập đoàn Phúc Lộc làm chủ đầu tư.
Cụ thể, tại dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài, dự án cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa (thực hiện theo hình thức BT) và dự án thanh toán (Khu đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hoà), UBND tỉnh Bình Định tổ chức mời gọi đầu tư theo hình thức BT, nhưng chỉ duy nhất nhà đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc tham gia.
Thời điểm đó, mặc dù chưa được bàn giao mặt bằng của dự án, nhưng chủ đầu tư đã tổ chức triển khai thi công một số công trình, hạng mục thuộc dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa khi chưa có thiết kế, bản vẽ thi công, biện pháp thi công và Giấy phép xây dựng được phê duyệt là vi phạm quy định về quản lý xây dựng.
Đặc biệt, Tập đoàn Phúc Lộc chậm lập các thủ tục điều chỉnh dự án và thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình để trình cấp thẩm quyền thẩm tra, thẩm định và phê duyệt theo quy định. Đồng thời, chậm ứng kinh phí để chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án BT và Khu đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hòa cũng như kinh phí rà phá bom mìn, vật nổ; chưa làm thủ tục chuyển mục đích rừng phòng hộ (7,6ha) thuộc hành lang an toàn lưới điện; chậm xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân, dẫn đến không có đất giao cho các hộ dân nên các hộ dân không đăng ký nhận tiền, gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Kết luận nêu rõ, Ban Quản lý dự án chậm đàm phán, điều chỉnh và hoàn thiện Hợp đồng 2 dự án BT (đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa); thiếu quyết liệt trong việc xử lý vi phạm đối với Nhà đầu tư, để chủ đầu tư tổ chức khởi công, thi công công trình khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công, biện pháp thi công và Giấy phép xây dựng được cấp.
Tiếp tục được “chọn mặt gửi vàng” tại Thái Nguyên
Dù nhiều lần “dính” vào hàng loạt sai phạm, thế nhưng mới đây, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo lập danh sách 25 khu “đất vàng” để đổi đối ứng cho chủ đầu tư làm Đề án sông Cầu theo hình thức BT và lần này, Liên danh nhà thầu Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) - Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc tiếp tục được “chọn mặt gửi vàng”, thực hiện dự án. Tìm hiểu kỹ hơn, có thế thấy, ở cả Tập đoàn Phúc Lộc và Cienco 8 đều do ông Lương Minh Tường làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Theo kế hoạch, 9 dự án BT tại Thái Nguyên được thực hiện gần như đồng thời trong khoảng thời gian từ 2017 - 2021. Tuy nhiên, các dự án hiện đang chậm so với tiến độ khoảng 1 năm. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã bỏ ra 110 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp đầu tư vào các dự án khoảng 200 tỷ đồng. Dự án đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng đang nằm phơi sương, sắt thép bị hen gỉ và vô cùng lo lắng khi bức tường đê cũ bị phá, tường đê mới chưa làm xong khi mùa mưa đã đến.
Theo điều tra, để đối ứng các dự án BT thuộc Đề án sông Cầu, Thái Nguyên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên môn lập danh sách 25 khu đất có vị trí đắc địa, phải kể đến: Rạp chiếu bóng tỉnh Thái Nguyên có diện tích hơn 7.000m2; Sân vận động tỉnh có diện tích 40.000m2 cùng một loạt các khu đô thị, khu dân cư, trụ sở cơ quan trên địa bàn.
Trước hàng loạt sai phạm đã cho thấy, Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc và Cienco 8 chưa thể hiện đủ năng lực trong các dự án họ đã triển khai. Và thực tế cho thấy, dự án sông Cầu tại Thái Nguyên cũng đang phải “nằm chờ” trong tình trạng “sống dở chết dở”. Người dân tại Thái Nguyên vô cùng lo lắng khi hàng ngày, họ phải chứng kiến cảnh dự án đang nằm phơi sương, sắt thép bị hen gỉ, bức tường đê cũ bị phá, tường đê mới chưa làm xong khi mùa mưa đã đến...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận