Điểm loạt cổ phiếu tăng mạnh trong tuần cuối năm Nhâm Dần
Tuần cuối cùng của năm Nhâm Dần chứng kiến diễn biến tích cực của toàn thị trường khi tất cả các phiên giao dịch đều tăng điểm. Nhiều cổ phiếu ghi nhận mức tăng 2 chữ số, trong đó có những đại diện trong ngành chứng khoán - vốn đang công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022 không mấy tích cực.
DPG tăng 17,22%
Cổ phiếu DPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương đã tăng 17,22% từ 30.200 đồng/cổ phiếu mở phiên 16/01/2023 lên 35.400 đồng/cổ phiếu kết phiên 19/01/2023.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương (DPG) có tiền thân là Công ty Cổ phần Xây dựng và Vận tải Đạt Phương, được thành lập vào năm 2002. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư xây lắp các công trình giao thông và thủy điện. Bên cạnh đó, DPG còn tham gia kinh doanh bán điện, vật liệu xây dựng và cho thuê máy móc thiết bị ngành xây dựng.
Quý IV/2022, doanh thu thuần của DPG đạt 1.094 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Biên lợi nhuận gộp ở mức 23,9%, giảm 7,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước do giá vốn tăng cao. Lợi nhuận ròng của doanh nghiệp đạt 106 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế năm 2022, Đạt Phương có doanh thu 3.319 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 393 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 15% so với năm trước. EPS ở mức 6.107 đồng.
Trong cơ cấu doanh thu, phần lớn doanh thu của Đạt Phương đến từ hợp đồng xây dựng với 2.036 tỷ đồng (chiếm 61%). Kế đến là mảng điện với 657 tỷ đồng (chiếm 20%), đây cũng là mảng có biên lợi nhuận gộp cao nhất với 23,4%. Mảng kinh doanh bất động sản đầu tư cũng mang về cho Đạt Phương 602 tỷ đồng (chiếm 18% doanh thu).
Năm 2022, Đạt Phương đặt mục tiêu doanh thu 3.825 tỷ đồng và lãi ròng 343 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp chỉ thực hiện được 87% chỉ tiêu doanh thu nhưng lãi ròng đã vượt 14,5% kế hoạch năm.
HHV tăng 14,55%
Cổ phiếu HHV của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả đã tăng 14,55% từ 10.950 đồng/cổ phiếu mở phiên 16/01/2023 lên 12.600 đồng/cổ phiếu kết phiên 19/01/2023.
Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) có tiền thân là Xưởng Thống Nhất được thành lập vào năm 1974. Công ty hoạt động trong lĩnh vực quản lý, vận hành, duy tu và bảo dưỡng hầm đường bộ Hải Vân. Ngoài ra, Công ty còn được phép cung cấp dịch vụ vận chuyển xe máy và người đi bộ qua hầm Hải Vân và tham gia sản xuất nhựa đường. Hiện nay, Công ty đang tập trung tham gia các dự án xây dựng đầu tư công.
Năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế vĩ mô với lạm phát và bão giá nguyên vật liệu, tuy nhiên HH vẫn ghi nhận các chỉ tiêu kinh doanh tích cực.
Cụ thể, HHV ước tính doanh thu hợp nhất năm 2022 đạt 2.046 tỷ đồng, tăng 185 tỷ đồng, tương ứng với tăng trưởng 10% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước tính đạt 314 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận sau thuế phân phối cho công ty mẹ cũng ước tính tăng 5% so với năm 2021, đạt 284 tỷ đồng.
VND tăng 13,95%
Cổ phiếu VND của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect đã tăng 13,95% từ 14.900 đồng/cổ phiếu mở phiên 16/01/2023 lên 16.750 đồng/cổ phiếu kết phiên 19/01/2023.
Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (VND) được thành lập vào năm 2006. Công ty hoạt động trong lĩnh vực môi giới lưu ký chứng khoán, tư vấn tài chính doanh nghiệp, tự doanh, bảo lãnh phát hành và quản lý danh mục đầu tư.
VNDirect vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý IV với doanh thu hoạt động đi ngang so với cùng kỳ, đạt hơn 1.961 tỷ đồng. Lãi từ các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ (FVTPL) vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu, đạt hơn 1.261 tỷ đồng tương đương tăng trưởng 53%.
Ngược lại, doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán và lãi từ các khoản cho vay và phải thu lần lượt giảm 62% và giảm 23%, tương ứng dạt 206 tỷ đồng và 335 tỷ đồng.
Doanh thu đi ngang trong khi đó chi phí hoạt động và chi phí tài chính tăng phi mã. Cụ thể, chi phí hoạt động tăng 90% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.450 tỷ đồng chủ yếu do lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL). Chi phí tài chính tăng gấp 2,5 lần, đạt hơn 424 tỷ đồng do gia tăng chi phí lãi vay.
Chốt quý IV, VNDirect báo lãi trước thuế gần 8,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 911 tỷ đồng. Công ty ghi nhận lỗ sau thuế là hơn 13,9 tỷ đồng.
Theo giải trình, VNDirect cho biết công ty vẫn đang phát huy hiệu quả các nền tảng kinh doanh cốt lõi để thích nghi với bối cảnh thị trường, tuy nhiên doanh thu giảm mạnh, mảng tự doanh và cho vay ký quỹ kém tích cực, cộng thêm chi phí lãi vay tăng mạnh khiến công ty ghi nhận thua lỗ.
Lũy kế cả năm 2022, VNDirect ghi nhận doanh thu hoạt động đạt gần 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.728 tỷ đồng, tương ứng tăng 21% và giảm 37% so với năm 2021.
FTS tăng 12,99%
Cổ phiếu FTS của Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT đã tăng 12,99% từ 19.800 đồng/cổ phiếu mở phiên 16/01/2023 lên 21.750 đồng/cổ phiếu kết phiên 19/01/2023.
Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FTS) được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng theo theo giấy phép số 59/UBCK-GP của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vào ngày 13/07/2007. FTS kinh doanh tất cả các loại sản phẩm và dịch vụ chứng khoán liên quan, bao gồm: Môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, giao dịch độc quyền, lưu ký chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn tài chính doanh nghiệp.
FTS báo cáo doanh thu hoạt động quý IV/2022 đạt 218 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2021. Cấu phần chính của doanh thu hoạt động là lãi từ cho vay và phải thu và doanh thu môi giới lần lượt giảm 19% và giảm 63%, tương ứng đạt 114 tỷ đồng và 72 tỷ đồng.
Khác với nhiều công ty chứng khoán với hoạt động tự doanh kém hiệu quả, FTS ghi nhận lãi hơn 23 tỷ đồng từ nghiệp vụ này, gấp gần 2,8 lần mức thực hiện cùng kỳ.
Tuy nhiên, điểm sáng trong hoạt động tự doanh không giúp FTS thoát khỏi sự sụt giảm của lợi nhuận cuối kỳ. Theo đó, FTS báo lãi trước thuế quý IV giảm 49%, đạt 11 tỷ đồng. Cả năm 2022, doanh thu hoạt động và lợi nhuận trước thuế của công ty lần lượt đạt 850 tỷ đồng và 442 tỷ đồng, tương ứng giảm 39% và giảm 55% so với năm 2021.
Trong một diễn biến gần đây, Công ty TNHH Dịch vụ Tài chính SBI thông báo đã mua 1.724.000 cổ phiếu FTS trên tổng số 1.950.000 cổ phiếu đăng ký trong khoảng thời gian từ ngày 9/12/2022 – 6/1/2023.
Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên sàn. Lý do không hoàn tất giao dịch được SBI đưa ra là do giá thị trường không như kỳ vọng.
Sau giao dịch, SBI nâng lượng nắm giữ tăng tại FTS từ 45,84 triệu đơn vị lên 47,56 triệu đơn vị, tương ứng 24,39% vốn. Tạm chiếu theo mức theo giá kết phiên 6/1 là 20.000 đồng/cổ phiếu, ước tính SBI đã chi hơn 34 tỷ đồng để tăng sở hữu tại FTS.
TCD tăng 12,4%
Cổ phiếu TCD của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải đã tăng 12,4% từ 6.230 đồng/cổ phiếu mở phiên 16/01/2023 lên 7.700 đồng/cổ phiếu kết phiên 19/01/2023.
Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (TCD) có tiền thân là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông Vận tải, được thành lập vào năm 1990. Công ty hoạt động trong lĩnh vực thi công xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, dân dụng. TCD chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 4/2013. Bên cạnh đó, Công ty cũng tham gia vào các lĩnh vực khác như xuất nhập khẩu, xuất khẩu lao động, du lịch và đầu tư tài chính.
Gần đây, TCD đã thông qua điều chỉnh phương án sử dụng hơn 872 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2021.
Theo TCD, việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng vốn nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn kinh doanh trong bối cảnh có nhiều yếu tố khách quan liên quan đến lĩnh vực bất động sản, xây dựng từ đầu năm 2022 đến nay. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp trong quá trình thi công dự án King Crown Infinity (TP. Thủ Đức, TP. HCM) và Hội An D'or mà công ty đang làm tổng thầu.
Sau điều chỉnh, Công ty sẽ dùng 280 tỷ đồng để thanh toán các khoản phải trả liên quan đến việc thi công dự án King Crown Infinity (giảm gần 1/2 so với 530 tỷ đồng kế hoạch cũ); 205 tỷ đồng để thi công dự án Hội An D'or (giảm hơn so với hơn 342 tỷ đồng kế hoạch cũ). Thời điểm giải ngân điều chỉnh thành đến quý III/2023 trong khi kế hoạch cũ là quý IV/2021 và năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận