Điểm danh cổ phiếu ngành 'bơm - xả'
Sự việc tai tiếng của cổ phiếu FTM gần đây và diễn biến bất thường giá cổ phiếu MBG của Công ty Cổ phần Tập đoàn MBG như Báo Đầu tư Chứng khoán đã thông tin tuy chưa có kết luận của cơ quan chức năng, nhưng cũng cho thấy, chiêu trò làm giá luôn là câu chuyện thời sự trên thị trường chứng khoán.
Những chiêu trò này có thể mang lại lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng cho các ông chủ thực sự hoặc đội lái, bất chấp nhiều bài học mất tiền, mất quyền đã xảy ra trước đây.
Chu trình bơm - xả một cổ phiếu có đặc điểm là diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, giá cổ phiếu tăng cao bất thường dựa trên tin đồn hoặc có khi không có thông tin gì mà do chính đội lái mua vào.
Khi lôi kéo được nhiều nhà đầu tư tham gia giao dịch cổ phiếu, đội lái sẽ xả dần hàng ra ở mức giá cao, xả cho đến khi cổ phiếu về giá khởi điểm ban đầu và phần nhiều là đến mức giá chỉ bằng cốc trà đá.
Chu trình bơm - xả thường diễn ra với cổ phiếu của doanh nghiệp không có hoạt động gì nổi bật, lợi nhuận èo uột và không có triển vọng phát triển, hoặc với doanh nghiệp đang bình thường thì bỗng xuất hiện một số thông tin được thổi phồng quá mức, sau đó là tạo hiệu ứng dòng tiền chảy mạnh, kéo theo các dòng tiền khác nhập cuộc chơi.
Nhìn lại một số mã có hiện tượng bơm - xả để hiểu hơn câu chuyện này. Chẳng hạn, cổ phiếu QCG của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai ở giai đoạn “bơm xả” xuất hiện những thông tin mập mờ để thổi phồng giá.Thường thì khi nhà đầu tư nhận ra câu chuyện thực sự của doanh nghiệp, giá cổ phiếu đã rơi quá xa dự liệu ban đầu, để lại khoản thua lỗ lớn cho những người trót chạy theo dòng tiền đầu cơ ngắn hạn.
Mã QCG chạy thẳng từ vùng giá 4.000 đồng/cổ phần lên trên 26.000 đồng/cổ phần, tức tăng hơn 550% chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 2/2017 tới tháng 6/2017 khi có thông tin QCG sẽ chuyển nhượng dự án Phước Kiển cho Sunny và nhận tạm ứng hơn 2.000 tỷ đồng để trả nợ vay ngân hàng.
Tuy nhiên, khi cổ phiếu tăng “đủ rồi” thì phía ban lãnh đạo QCG mới có phản hồi chính thức về thỏa thuận này và về việc dự án chưa xong đền bù giải tỏa để bàn giao.
Bản thỏa thuận đã không được doanh nghiệp công bố thông tin (có thể nó thuộc dạng bảo mật), nhưng đã không được giữ bí mật khi có một nhóm nhà đầu tư mua vào rất nhiều trước khi đưa tin ra thị trường. Sau đó, giá cổ phiếu QCG lại rơi và hiện đang giao dịch giá 4.590 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu TTF của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành cũng từng tăng nóng từ tháng 5/2015 tới tháng 7/2016, từ vùng giá 10.000 đồng/cổ phiếu lên trên 42.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng 320% chỉ trong 1 năm.
Mã này sau đó nhanh chóng giảm về 7.000 vào tháng 8/2016 và hiện nay đang giao dịch ở mức 3.010 đồng/cổ phiếu.
Chu trình bơm - xả với TTF sau này được thị trường nhận ra là do chính những người chủ lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện bằng gian dối hàng tồn kho để thu hút nhà đầu tư lớn, qua đó tạo kỳ vọng cho nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán.
Đây có lẽ là một trong những cổ phiếu được sử dụng cho “cú lừa” kinh điển nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Được nhiều môi giới công ty chứng khoán gọi tên khi nhắc đến cổ phiếu nhóm bơm - xả là SJF của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương.
Lên sàn ngày 5/7/2017, SJF đi ngang vùng giá 12.000 đồng, sau đó bất ngờ tăng mạnh từ tháng 5 tới tháng 8/2018 lên 28.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng 133% trong thời gian ngắn.
Thanh khoản cổ phiếu tăng từ một hai trăm nghìn lên tới vài triệu cổ phiếu/phiên giai đoạn xả hảng. Hiện giá SJF còn 3.810 đồng/cổ phiếu.
SJF hoạt động sản xuất tre ép công nghiệp bao gồm đồ gia dụng; nội thấp; ván sàn; tấm lót đường và các sản phẩm ép công nghiệp khác bằng tre.
Trái với kỳ vọng rằng, sau khi lên sàn kết quả kinh doanh sẽ khả quan, doanh nghiệp liên tục công bố kết quả kinh doanh kém dần.
Doanh thu năm 2016 là 1.148 tỷ đồng, năm 2017 là 918 tỷ đồng, năm 2018 là 544 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2019 là 465 tỷ đồng.
Cùng với đó, lợi nhuận năm 2016 là 66 tỷ đồng, năm 2017 là 44 tỷ đồng, năm 2018 là 48 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2019 là 17 tỷ đồng.
Một điểm đáng lưu ý của doanh nghiệp này là trước thời điểm lên sàn, SJF đã tăng vốn rất nhanh. Nếu năm 2012, SJF chỉ có vốn điều lệ là 6 tỷ đồng thì tới năm 2015 đã tăng lên 660 tỷ đồng và hiện nay là 792 tỷ đồng.
Trước thời điểm giảm giá của cổ phiếu, có thể thấy những giao dịch bán ra khối lượng lớn của lãnh đạo Công ty, trong đó có giao dịch của ông Nguyễn Trí Thiện nguyên là Chủ tịch HĐQT SJF với số lượng 1.980.000 cổ phiếu; ông Nguyễn Xuân Nam thành viên HĐQT bán ra 1.650.000 cổ phiếu, sau đó cổ phiếu mới giảm mạnh.
Tại Công ty Cổ phần Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy (HHS), doanh nghiệp này cũng là một ví dụ điển hình lên sàn nhanh tay huy động vốn xong để giá cổ phiếu rơi tự do.
Cụ thể, từ thời điểm lên sàn tháng 2/2012 cổ phiếu HHS giao dịch ở mức 4.200 đồng/cổ phiếu. Thời doanh nghiệp phát hành tăng vốn, mã này từng tăng lên trên 20.000 cổ phiếu vào tháng 6/2015 và sau đó quay đầu giảm điểm về 4.000 đồng tháng 12/2016.
Hiện nay mã này đang giao dịch ở mức 3.130 đồng/cổ phiếu.
Được biết, giai đoạn đầu lên sàn, HHS liên tục công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng. Doanh thu năm 2012 là 463 tỷ đồng, năm 2013 là 499 tỷ đồng, năm 2014 là 1.424 tỷ đồng, năm 2015 là 3.508 tỷ đồng...
Lợi nhuận tương ứng, năm 2012 là 70 tỷ đồng, năm 2013 là 82 tỷ đồng, năm 2014 là 136 tỷ đồng, năm 2015 là 481 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh giai đoạn đầu niêm yết tăng trưởng nhờ vào sự bùng nổ ô tô tải mà doanh nghiệp phân phối.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng nhanh tay tăng vốn điều lệ. Tháng 5/2012, vốn điều lệ của HHS chỉ là 150 tỷ đồng thì tới tháng 11/2015 (là thời điểm giá cổ phiếu lập đỉnh sau chu kỳ bơm và bắt đầu xả, giá giảm mạnh) là 2.331 tỷ đồng và nay đang là 2.747 tỷ đồng.
Tại HHS, sau giai đoạn bùng nổ về kết quả kinh doanh, HHS bước vào giai đoạn suy giảm doanh thu liên tục. Năm 2016, doanh thu chỉ còn 1.577 tỷ đồng, năm 2018 là 1.235 tỷ đồng, năm 2018 là 1.152 tỷ đồng và 9 tháng năm 2019 là 375 tỷ đồng.
Lợi nhuận tương ứng năm 2016 là 139 tỷ đồng; năm 2017 là 92 tỷ đồng; năm 2018 là 194 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2019 là 109 tỷ đồng.
Điều đáng nói ở đây là doanh nghiệp huy động vốn về và không sử dụng, số dư tiền gửi ngân hàng tới 30/9/2019 là 1.835 tỷ đồng, chiếm 52% tổng tài sản.
Trên thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, HHS là điển hình của loại doanh nghiệp tận dụng sự bùng nổ của hoạt động kinh doanh ngắn hạn để huy động vốn từ nhà đầu tư.
Tuy nhiên, không ít người đã thất vọng khi nhận ra sự thật về doanh nghiệp. Không chỉ là kết quả kinh doanh liên tục lao dốc, khi doanh nghiệp đã xong mục tiêu huy động vốn thì bỗng trở nên rất kiệm lời, bỏ lơ trách nhiệm với nhà đầu tư đại chúng, mặc kể giá cổ phiếu sụt giảm mạnh.
Câu chuyện của các doanh nghiệp loại này cho thấy, chỉ những ông chủ lớn thực sự hưởng lợi khi đã “chơi” thành công trong “ván bài” thả con săn sắt bắt con... cá chép.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận