Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) có thể thu về gần 6 tỷ USD từ dự án khí Lô B
Với loạt dự án dầu khí lớn đang được xúc tiến triển khai, hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS) đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Dầu khí (PSI), các dự án dầu khí trong nước đang có nhiều tín hiệu tích cực. Điển hình, tại dự án Lạc Đà Vàng, Tập đoàn Murphy Oil (Mỹ) đã đưa ra quyết định Đầu tư cuối cùng (FID) trị giá 693 triệu USD hồi tháng 11/2023. Đồng thời, Giàn xử lý trung tâm của mỏ này vừa được Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX) khởi công xây dựng.
Tại dự án Nam Du - U Minh, Tập đoàn Jadestone Energy đã ký thoả thuận khung với Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) liên quan đến việc mua bán khí.
Tại chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn, giữa tháng 9/2024, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) thông báo chính thức khởi công xây dựng dự án này và các gói thầu EPCI#1&2 thuộc khâu thượng nguồn được triển khai.
Trong số các dự án trên, chuỗi dự án Lô B - Ô Môn nhận được sự chú ý đặc biệt, không chỉ vì tầm quan trọng đối với ngành dầu khí Việt Nam, mà còn vì khả năng bổ sung nguồn khí cho các mỏ nội địa đang dần cạn kiệt.
Hiện tại, dự án Lô B chỉ còn vướng mắc ở khâu hạ nguồn (bao gồm hợp đồng PPA cho các nhà máy điện Ô Môn 1, 2, 3, 4 và GSA cho ba nhà máy điện 2, 3, 4) để chính thức thông qua quyết định FID. Chứng khoán Dầu khí kỳ vọng rằng, với vai trò chiến lược của dự án trong việc cung cấp nguồn khí cho nền công nghiệp năng lượng, FID của chuỗi dự án Lô B - Ô Môn sẽ sớm được phê duyệt.
Ước tính doanh thu của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí tại các gói thầu thuộc dự án Lô B.
Loạt dự án trên được kỳ vọng sẽ tạo ra khối lượng công việc “khổng lồ” cho các doanh nghiệp dầu khí trong nước sau 10 năm trầm lắng, thiếu các dự án thượng nguồn lớn. Đối với Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, Chứng khoán Dầu khí nhận định riêng dự án Lô B sẽ tạo ra khoản doanh thu lên đến 5,8 tỷ USD cho tổng công ty từ các hợp đồng xây lắp cơ khí (M&C) bắt đầu từ năm 2024 và 01 hợp đồng cho thuê kho nổi chứa dầu (FSO) bắt đầu từ năm 2028.
Cũng theo Chứng khoán Dầu khí, bắt đầu từ khoảng cuối năm 2024, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có thể bắt đầu ghi nhận doanh thu từ các hợp đồng M&C liên quan đến dự án Lô B.
Đầu tháng 9 vừa qua, liên danh Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí - McDermott (Hoa Kỳ) đã được trao thầu toàn diện cho gói thầu EPCI#1 thuộc dự án Lô B. Gói thầu này có giá trị khoảng 1,1 tỷ USD, trong đó phần việc của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí là khoảng 550 triệu USD.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí từ đầu năm 2024 đến nay.
Đồng thời, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC - công ty con của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí với tỷ lệ sở hữu 100% cũng được trao thầu toàn diện cho gói thầu EPCI#2 thuộc chuỗi dự án Lô B - Ô Môn với giá trị 400 triệu USD.
Việc trao thầu toàn diện sẽ giúp Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu trên sau giai đoạn triển khai dựa trên hợp đồng trao thầu hạn chế (LLOA).
Bên cạnh mảng M&C, nhu cầu về các dịch vụ dầu khí và các dịch vụ vận hành & bảo dưỡng (O&M) cho kho nổi chứa dầu được dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới khi các dự án khai thác mới đi vào giai đoạn vận hành. Đây sẽ là nguồn lợi nhuận tiềm năng khác cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí.
Hiện Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang sở hữu và đồng sở hữu 06 FSO/FPSO, tổ chức cung cấp các dịch vụ quản lý, vận hành, khai thác, bảo dưỡng 09 FSO/FPSO/FSU trong và ngoài nước, là đơn vị đứng đầu tại Việt Nam và trong khu vực về việc hoán cải, quản lý, bảo dưỡng các kho chứa nổi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận