24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Dương Quang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đích ngắm không chỉ phục hồi, mà là phát triển

Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội nên là chương trình mở để kịp thời có những chính sách bổ sung, thúc đẩy đà phục hồi hay tiếp sức cho nền kinh tế tăng trưởng.

Thưa ông, trong các cuộc thảo luận trước khi gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được thông qua, giới chuyên gia kinh tế, trong đó có ông, mong muốn một con số lớn hơn, có thể lên tới 800.000 tỷ đồng (tương đương 10% GDP)…

Con số khoảng 350.000 tỷ đồng mà Quốc hội đã quyết định cũng là một cố gắng lớn trong điều kiện hiện tại. Trong đó, gói tài khóa chiếm phần lớn, được thiết kế rõ ràng về mục tiêu, mục đích. Quyết tâm thực thi cũng rất cao.

Trước hết, tôi muốn nói rõ hơn cái lý của tham vọng trên, là mong muốn nền kinh tế có thêm nguồn lực để bứt tốc, bắt kịp, hay nói chính xác là tận dụng sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển, để cùng đứng dậy nhanh hơn. Quy mô 10% GDP cho các hỗ trợ từ ngân sách là mức nhiều nền kinh tế áp dụng, nhất là các nền kinh tế mà Việt Nam muốn đua tranh trong phát triển. Các quốc gia lớn, có kinh nghiệm ứng phó với khủng hoảng có thể chi mạnh hơn, như Mỹ khoảng 30% GDP, Nhật Bản hơn 50%...

Sau nữa, khác với chương trình phục hồi của nhiều nước, Việt Nam có 2 mục tiêu rõ ràng: vế trước là phục hồi và vế sau là phát triển.

Hàm ý của gói chính sách tài khóa, tiền tệ không chỉ là hỗ trợ sự phục hồi, mà quan trọng là chuẩn bị cho các cú bứt phá để phát triển. Trong Chương trình mà Chính phủ xây dựng đã có nền tảng cho sự bứt phá này. Đó là cải cách thể chế, cải thiện kết cấu hạ tầng, đầu tư cho đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi…

Lúc đó, chúng tôi còn đề xuất ý tưởng dành nguồn lực hỗ trợ cho các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp đầu chuỗi để kích hoạt cả chuỗi sản xuất, từ đó tạo sự lan toả, nên cần nguồn lực hỗ trợ đủ lớn. Hơn thế, các chỉ số vĩ mô đang tốt, kể cả lo ngại về sự trở lại của lạm phát toàn cầu cũng đang trong khả năng kiểm soát… cho phép tiếp cận gói hỗ trợ mạnh mẽ hơn, theo một cách không thông thường để ứng xử với tình hình bất thường.

Nhưng tôi hiểu là áp lực về lạm phát, bội chi ngân sách, cũng như tính không bền vững của hệ thống tài chính quốc gia khiến việc đưa ra những con số lớn thực sự khó khăn.

Hiện tại, gói giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ đã được chốt. Ông chờ đợi những hành động nào tiếp theo?

Có hai điểm tôi chờ đợi:

Một là, thực hiện nhanh.

Hai là, sớm giải tỏa nỗi sợ dịch bệnh, sớm đưa mọi hoạt động thông thương, kể cả con người, hàng hóa trở lại.

Nếu chính sách an sinh xã hội được thực hiện ngay trong dịp Tết Nguyên đán này, thì không chỉ hỗ trợ người lao động có cái Tết ấm áp hơn, mà còn là cơ hội để kích thích thị trường trong nước. Thông tin từ doanh nghiệp cho thấy, năm nay, thưởng Tết tại đa phần doanh nghiệp sẽ kém hơn. Lúc này, vực dậy thị trường trong nước là vực cả cung và cầu. Kích cầu để thị trường trong nước cần sống lại, đầy cung lên, từ đó doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, phục hồi kinh tế thời điểm này không thể chỉ trông vào các nguồn lực, mà cần hơn cả là các giải pháp giải tỏa nỗi sợ hãi với dịch bệnh. Nếu doanh nghiệp được mở đường bay, các địa phương kích cầu du lịch, mà hành khách vẫn mang nỗi sợ đi rồi có bị cách ly không, nhỡ vùng đó bị lên màu thì sao… vậy còn ai dám đi du lịch? Khách trong nước còn chưa hết sợ, thì khách nước ngoài làm sao an tâm đến được.

Chính phủ đã thể hiện rất rõ quan điểm điều hành là thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, để cuộc sống phải thực sự trở lại bình thường. Đây là điều quan trọng, nhưng việc thực thi ở các địa phương cũng cần phải đảm bảo tính tuân thủ, thống nhất…

Việc tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng, theo tôi, cũng cần theo nguyên tắc phục hồi để phát triển, chứ không chỉ là phục hồi.

Đây không phải là lúc chia cho mỗi doanh nghiệp một “hạt vừng”, mà cần ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp đầu chuỗi, các trung tâm kinh tế đang nắm giữ năng lực phát triển của nền kinh tế, như TP.HCM hay “điểm huyệt” của các ngành, như Phú Quốc, Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng với du lịch...Doanh nghiệp ở các ngành, vùng này, có thể họ không cần ưu đãi mà cần ưu tiên tiếp cận vốn.

Các gói hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng đã được phân bổ nguồn lực, dù chưa được nhiều, nhưng cũng cần thực hiện theo tư duy nhìn vào tương lai để quyết định đối tượng, hình thức, chứ không chỉ nhìn các khó khăn hiện tại.

Tôi muốn nhấn mạnh rõ, đích ngắm của chương trình này không chỉ là phục hồi, mà là phát triển, nên việc chọn đúng tọa độ ưu tiên, xác định sớm sẽ tạo đà để phát triển mạnh hơn.

Tất nhiên, đi cùng với các nguồn lực hỗ trợ, việc thay đổi cơ chế, chính sách cũng cần được làm nhanh. Ví dụ, đang có lo ngại khởi nghiệp của Việt Namkhi dù vẫn đang ở Việt Nam, nhưng đã đăng ký hoạt động ở nước ngoài. Nghịch lý đáng suy nghĩ là, chúng ta đang tìm cách kéo FDI vào Việt Nam, nhưng lại để người Việt tốt, giỏi ra đi. Lời giải ở đây là cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý.

Tư duy thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội phải nhìn về tương lai, dành nguồn lực cho những doanh nghiệp có thể kéo các doanh nghiệp, các ngành và cả nền kinh tế đứng lên. Đây là lý do tôi mong rằng, chương trình này không nên là chương trình đóng.

Nghĩa là có thể kéo dài thời gian thực hiện, thưa ông?

Hai năm (2022-2023) thực hiện Chương trình và các nguồn lực dành cho 2 năm này vẫn sẽ thực hiện như kế hoạch. Nhưng tinh thần phục hồi và phát triển kinh tế không đóng lại, mà cần tiếp tục theo nghĩa có thể sẽ có chương trình mới để tiếp đà phục hồi, hay tiếp sức cho phát triển khi quá trình triển khai phát sinh vấn đề mới.

Đây là bài học rút ra từ hai năm vừa qua, trong ứng xử với dịch bệnh và chính từ việc thiết kế, cách thức thông qua gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Quốc hội đã quyết định họp kỳ bất thường cũng có nghĩa đã tư duy “trong bối cảnh bất thường thì phải có ứng xử bất thường”.

Bên cạnh đó, vì Chương trình được thực hiện nhanh, với nhiều cách làm mới, nên rất có thể sẽ có sai sót, nên cần có sự bảo hiểm cho những hao phí không tránh khỏi. Vì vậy, cần sớm thiết lập hệ thống giám sát kiểm tra của Quốc hội, Chính phủ để rủi ro là tối thiểu và cũng không thể vì làm nhanh, mà ai đó phải chịu trách nhiệm với những sai sót.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả