Dịch nCoV tác động như thế nào đến thị trường bảo hiểm?
Nếu dịch nCoV bùng phát trên diện rộng tại Việt Nam và kéo dài, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ phải tăng chi phí bồi thường bảo hiểm, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải điều chỉnh tăng phí bảo hiểm.
Đó là dự báo đáng chú ý của Bộ Tài chính tại Báo cáo đánh giá tác động của dịch nCoV đến hoạt động của ngành tài chính trong thời gian tới.
Cơ quan này cho biết, trong tháng 1/2020, thị trường bảo hiểm đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 10%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019, do đây là dịp Tết Nguyên đán. Trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí của ngành bảo hiểm là 20,54%. Tốc độ này trong những năm gần đây luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Dịch nCoV, theo đánh giá sơ bộ của Bộ Tài chính, có một số tác động đến thị trường bảo hiểm song không đáng kể.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, về cơ bản, các hợp đồng bảo hiểm được tái tục từ cuối năm trước, hoặc là các hợp đồng bao nên tổng doanh thu phí bảo hiểm không có nhiều biến động (bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm sức khỏe...).
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng liên quan đến lao động Trung Quốc, hoạt động du lịch sang Trung Quốc có thể bị trì hoãn, dẫn đến việc giảm phí bảo hiểm du lịch và có thể tăng chi phí bảo hiểm gián đoạn kinh doanh cho một số doanh nghiệp này; có thể phát sinh chi phí bảo hiểm chăm sóc sức khỏe đối với bệnh nhân nhiễm virus NCoV nếu có tham gia bảo hiểm. Song trong ngắn hạn, phí bảo hiểm du lịch và chi phí bồi thường gián đoạn kinh doanh không quá cao, và chưa phát sinh chi phí bảo hiểm chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân nhiễm virus này. Ngoài ra, do tác động của việc hạn chế sử dụng bia rượu trong điều khiển phương tiện giao thông làm giảm chi phí bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Nên về tổng thể, tác động đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ không lớn.
Theo số liệu năm 2019, đối với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 52.387 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm sức khỏe là 17.402 tỷ đồng; bảo hiểm hàng hóa vận chuyển là 2.540 tỷ đồng; bảo hiểm thiệt hại kinh doanh là 200 tỷ đồng. Chi phí bồi thường bảo hiểm sức khỏe năm 2019 là 5.583 tỷ đồng; bảo hiểm thiệt hại kinh doanh là 24 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, tháng 1/2020 là tháng nghỉ Tết Nguyên đán nên theo chu kỳ kinh doanh hàng năm, thị trường bảo hiểm có mức tăng trưởng thấp do kênh phân phối chủ yếu là đại lý bảo hiểm nghỉ Tết. Tuy nhiên, liên quan đến dịch nCoV, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đẩy mạnh khai thác bảo hiểm chăm sóc sức khỏe để người dân có cơ hội tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm. Chi phí tham gia bảo hiểm không tăng, do các sản phẩm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn trước đó.
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, đến thời điểm hiện tại, tác động của dịch đối với lĩnh vực bảo hiểm là không lớn, không làm tăng giá cả. Tuy nhiên, nếu dịch bùng phát trên diện rộng tại Việt Nam và kéo dài, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ phải tăng chi phí bồi thường bảo hiểm, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải điều chỉnh tăng phí bảo hiểm. Đồng thời, trường hợp thị trường chứng khoán sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư cổ phiếu của doanh nghiệp bảo hiểm.
Tuy nhiên, sự kiện này cũng có tác động tích cực đối với thị trường bảo hiểm qua việc nhận thức của người dân về vai trò và ý nghĩa của bảo hiểm được nâng lên, từ đó thúc đẩy việc tham gia bảo hiểm của người dân để bảo vệ sức khỏe cũng như tài sản của mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận