Dịch nCoV làm thay đổi kênh đầu tư
Dịch viêm đường hô hấp do vi rút Corona chủng mới (nCoV) khiến chứng khoán lao dốc, bất động sản “đứng hình”, người có tiền nhàn rỗi phải tìm nơi “trú ẩn” an toàn hơn.
Tiền sẽ chảy vào tiết kiệm
Trước đây, nhiều người vẫn luôn tìm kiếm kênh đầu tư có thể mang lại lợi nhuận cao nhất như bất động sản và chứng khoán. Nhưng hiện nay khi dịch nCoV chưa có hồi kết thì nhiều người có xu hướng chọn gửi tiết kiệm để nghe ngóng thêm. Bà Kim Yến (Q.1, TP.HCM) cho biết sau Tết Canh Tý 2020, bà gom tiền hơn 400 triệu đồng mang gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 7,9%/năm. “Nếu chọn kỳ hạn 1 năm, lãi suất sẽ cao hơn 8%/năm, nhưng sau 6 tháng nữa có thể lúc đó thị trường bất động sản sẽ có cơ hội. Nhưng giờ thì gửi tiết kiệm cho an toàn vì chưa biết dịch đến khi nào mới hết”, bà Kim Yến nói.
Mức lãi suất gửi tiết kiệm của các ngân hàng (NH) thương mại hiện nay ở kỳ hạn dưới 6 tháng bị khống chế trần 5%/năm theo quy định của nhà nước, nhưng nếu khách hàng chọn gửi kỳ hạn 6 tháng sẽ nhận được mức lãi tăng vọt. Lãi suất phổ biến của các NH thương mại cho kỳ hạn này từ 7,3 - 7,9%/năm. Riêng lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn 1 năm trở lên từ 8,2 - 8,55%/năm. Như vậy nếu có 1 tỉ đồng khi chọn gửi kỳ hạn 6 tháng thì cuối kỳ người gửi chắc chắn sẽ nhận được tiền lãi lên gần 39 triệu đồng, nhưng nếu gửi kỳ hạn 1 năm thì tiền lãi nhận được lên khoảng 85 triệu đồng. Đây là mức lãi khá hấp dẫn nếu so với đầu tư cổ phiếu, bất động sản với rủi ro đi xuống bất cứ lúc nào.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho hay thị trường tài sản như chứng khoán, vàng, bất động sản vào thời điểm hiện tại khá nhạy cảm với dịch nCoV nên có những biến động khó dự báo. Đối với những người có tâm lý lo ngại, muốn bảo toàn vốn thì việc gửi tiết kiệm NH là một kênh tốt nhất. Đồng quan điểm, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam, cũng nhận định dịch nCoV khiến dòng tiền tiếp tục có xu hướng rót vào các kênh đầu tư an toàn như vàng, tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ... Đặc biệt tại Việt Nam, tiết kiệm là kênh thông dụng nhất nên trong giai đoạn hiện nay có thể càng được ưu tiên hơn. Việc gửi tiền vào NH cũng mang tính linh động vì nhà đầu tư có thể nhanh chóng rút ra để chuyển sang các kênh khác khi có cơ hội.
Vàng giữ vững ngôi vương
Vàng đã trở thành kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2019 khi tăng hơn 17% trong nước, và trên thế giới tăng gần 19%. Trong những ngày qua khi dịch nCoV bùng phát thì vàng càng được lựa chọn nhiều hơn, đặc biệt khi thị trường chứng khoán khắp nơi lao dốc. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), nhận định vàng đang được thị trường chú ý là nơi trú ẩn an toàn khi hồi phục trở lại vào phiên cuối tuần qua. Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng từ 3 - 4%/năm và theo dự báo của ông Hải, khả năng kim loại quý này sẽ tăng từ 7 - 10% tính đến trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.2020 và dao động quanh mức 1.600 - 1.700 USD/ounce. Dù vậy giá vàng sẽ không tăng “loạn” như năm 2011 khi Mỹ vẫn muốn duy trì đồng USD yếu để hỗ trợ kinh tế. Về ngắn hạn, các nhà đầu tư có thể tham gia thị trường vàng trong thời điểm dịch này nhưng phải tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ - chốt lời nghiêm ngặt.
Ông Phan Dũng Khánh cho rằng, đầu tư vàng không thể thu lợi trong ngắn hạn mà cần để dài hạn từ 6 tháng trở lên. Giá vàng hiện nay dù được hưởng lợi khi bất ổn về kinh tế hay dịch bệnh nhưng biến động khó lường, nếu không cẩn thận sẽ dễ bị lỗ ngay. Riêng chứng khoán phái sinh có thể mang được lợi nhuận khủng cho các nhà đầu tư đã có kinh nghiệm trên sàn chứng khoán nhưng không phải là kênh đầu tư cho số đông.
Tuy nhiên theo TS Lê Xuân Nghĩa, khi dịch nCoV đang diễn ra, kênh vàng và ngoại tệ có thể được quan tâm mua bán kiếm lời khi luôn có “sóng”, nhưng khi có dấu hiệu dịch bệnh được khống chế, vàng sẽ giảm xuống. Tương tự, chứng khoán hiện nay bị ảnh hưởng, các cổ phiếu giảm giá nhiều, đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu, và chứng khoán sẽ phục hồi nhanh khi dịch được khống chế.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa: “Khủng hoảng dịch bệnh khác với khủng hoảng tài chính hay suy thoái kinh tế. Khủng hoảng tài chính hay suy thoái kinh tế thì lĩnh vực công nghiệp giảm nhanh, nhưng khi phục hồi thì phục hồi nhanh; thị trường tài sản giảm chậm nhưng phục hồi cũng rất chậm. Còn khủng hoảng dịch bệnh thì ngược lại, thị trường tài sản giảm nhanh nhưng cũng sẽ phục hồi nhanh khi dịch được khống chế”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận