24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Hà My
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đích đến Basel III không quá xa

Vốn là một trong những trụ cột của Basel II

Với những nỗ lực tăng vốn và nâng cao năng lực quản trị theo chuẩn quốc tế, chắc chắn sẽ có thêm nhiều ngân hàng triển khai Basel III trong thời gian tới, chứ không chỉ dừng lại ở Basel II.

Chủ động áp dụng chuẩn mới

Ngay những ngày đầu tháng 10/2021, TPBank đã công bố hoàn thành toàn bộ các tiêu chí của Basel III và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS 9. Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết, việc áp dụng các chuẩn mực của Basel III đã được ngân hàng này triển khai đồng thời với quá trình hoàn thiện Basel II.

Theo đó, ngay từ năm 2015 TPBank đã nghiên cứu, áp dụng nội bộ một số yêu cầu về quản lý rủi ro thanh khoản, tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng và tỷ lệ đòn bẩy. Từ năm 2020 đến nay, ngân hàng đã tập trung hoàn thành các cấu phần còn lại của Basel III. Bởi vậy rất có thể ngay trong quý IV năm nay, ngân hàng sẽ triển khai toàn diện chuẩn mực vốn cho toàn hệ mạng lưới của mình.

Đối với chuẩn mực IFRS 9, TPBank hiện cũng đã rà soát xong toàn bộ 41 chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và 16 chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế theo yêu cầu (IFRS), đồng thời đối soát với chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Vì vậy, trong các tháng cuối năm 2021, TPBank có thể áp dụng luôn cả Basel III và IFRS 9.

Như vậy TPBank là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống hoàn thành toàn bộ các tiêu chí của Basel III. Tuy nhiên theo giói chuyên gia, TPBank chắc chắn sẽ không phải là ngân hàng duy nhất, bởi việc nâng cao năng lực tài chính và trình độ quản trị theo chuẩn quốc tế là yếu tố sống còn của các ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế đang mở cửa hội nhập sâu rộng với thế giới hiện nay.

Trên thực tế, hiện hầu hết các ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II, trong đó nhiều ngân hàng đã đáp ứng đầy đủ cả 3 trụ cột của Basel II như VIB, Vietcombank, SeABank, VPBank, MSB và Viet Capital Bank… Thậm chí nhiều ngân hàng đã áp dụng một phần hoặc đang thí điểm triển khai Basel III như VIB, MSB, HDBank, Techcombank, SeABank… Theo đó, phía VIB và MSB đã hoàn thiện áp dụng Basel III trong quản lý thanh khoản, quản lý rủi ro hoạt độngrủi ro thị trường. Trong khi đó HDBank cũng đã áp dụng hai chỉ số đảm bảo thanh khoản là hệ số quỹ bình ổn ròng (NSFR) và tỷ lệ đảm bảo thanh khoản (LCR) của Basel III.

Tăng vốn mới là điều kiện cần

Theo quy định của NHNN là chậm nhất đến đầu tháng 1/2023 các ngân hàng phải thực hiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016. Trong khi theo các chuyên gia, tăng vốn là yêu cầu đầu tiên để các ngân hàng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II.

Vì vậy, tăng vốn luôn là mục tiêu hàng đầu của các ngân hàng trong thời gian qua, bất chấp những tác động bất lợi của đại dịch Covid-19. Trên thực tế, từ đầu năm đến nay hầu hết các NHTM trong hệ thống đều đã đẩy mạnh tăng vốn bằng nhiều hình thức như: phát hành cổ phiếu, huy động vốn từ trái phiếu. Nhiều nhà băng khác, như Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB... cũng đã chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ khá cao để tăng vốn điều lệ.

Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cập nhật đến cuối quý II/2021, hệ số CAR trung bình của các ngân hàng đang triển khai Basel II được duy trì ở mức khá cao là 10,5%, tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã giảm xuống từ mức trung bình 30% (quý 2/2020) xuống còn 27% vào cuối tháng 6/2021. Đến hiện tại, sau khi hoàn thành các kế hoạch tăng vốn, hệ số CAR ở nhóm các ngân hàng đã hoàn thiện cả 3 trụ cột Basel II có sự cải thiện đáng kể. Chẳng hạn sau khi ghi nhận dòng tiền từ việc bán vốn FECredit, hệ số CAR của VPBank đã đạt mức 17%. Trong khi đó chỉ số này của MSB cũng đạt 11,64% và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ ở mức 21,77%.

Theo nhận định của giới chuyên môn, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng vẫn sẽ tiếp diễn sau thời điểm 1/1/2023 khi các ngân hàng muốn “tiến bước” lên Basel III. Hơn nữa tăng vốn còn giúp cho các ngân hàng tăng năng lực cạnh tranh cũng như mở rộng quy mô kinh doanh.

Lãnh đạo TPBank cũng chia sẻ, thách thức lớn nhất của việc triển khai và áp dụng đồng thời Basel III và IFRS là các áp lực về kế hoạch vốn của ngân hàng trong trung và dài hạn. Chính vì vậy, không chỉ TPBank mà tất cả các ngân hàng đang chủ động triển khai các cấu phần của Basel III đều sẽ phải chú trọng vào việc tăng vốn và đảm bảo các hệ số an toàn tài chính.

Quả vậy, mặc dù hệ số CAR tính theo Basel III vẫn là 8% như Basel II, tuy nhiên tỷ lệ của loại vốn có chất lượng cao được tăng lên: Tỷ lệ vốn cấp 1 tăng từ 4% trong Basel II lên 6% trong Basel III, đồng thời tỷ lệ vốn của cổ đông thường được tăng từ 2% lên 4%. Những tài sản “Có” vốn có vấn đề được loại trừ khỏi Vốn tự có như khoản đầu tư vượt quá giới hạn 15% vào các tổ chức tài chính. Bên cạnh đó, Basel III còn bổ sung thêm phần vốn đệm dự phòng tài chính đảm bảo bằng vốn chủ sở hữu 2,5%...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vốn mới chỉ là “điều kiện cần”. Bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn, các ngân hàng còn phải đáp ứng các yêu cầu về quản trị điều hành, quản lý rủi ro, quản lý vốn theo chuẩn mực quốc tế. Đây là những nền tảng để các nhà băng phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ngày 07/12/2017, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) đã công bố kết quả cải cách các quy định Basel III và lùi thời hạn áp dụng bắt đầu sang năm 2022 nhằm giúp các ngân hàng có đủ thời gian để triển khai thực hiện.

Một số thay đổi chủ yếu của Basel III

* Nâng tỷ trọng và chất lượng vốn

Cải cách yêu cầu các ngân hàng nắm giữ lượng vốn cao hơn và với chất lượng cao hơn nhằm bù đắp những thiệt hại không kỳ vọng. Cụ thể là, nâng tỷ trọng vốn cấp I tối thiểu lên 6%, cao hơn quy định ban đầu là 4%. Trong đó, nguồn vốn chất lượng cao phải chiếm ít nhất ¾ lượng vốn này (tỷ trọng cổ phần thường và lợi nhuận giữ lại), các ngân hàng chiến lược toàn cầu (G-SIBs) phải tuân thủ yêu cầu về vốn tăng thêm này.

* Nâng cao khả năng nắm bắt rủi ro

Trong đó, tăng đáng kể yêu cầu về vốn để đối phó với rủi ro thị trường, được tính toán đề phòng áp lực thị trường trong 12 tháng.

Khung cải cách cũng bao gồm việc điều chỉnh rủi ro tín dụng. Cụ thể là, rà soát lại cách tiếp cận chuẩn mực về tính toán rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, điều chỉnh giá trị tín dụng và rủi ro hoạt động, nâng cao tính nhạy cảm về rủi ro và khả năng so sánh rủi ro. Mục tiêu của việc hạn chế sử dụng các mô hình nội bộ là giảm mức độ biến đổi không bảo đảm trong việc tính toán RWAs của ngân hàng.

* Điều chỉnh tỷ lệ đòn bẩy bắt buộc

Tỷ lệ đòn bẩy bắt buộc được xây dựng dựa trên những khoản vay nợ để tài trợ hoạt động đầu tư và hoạt động của ngân hàng (gọi là đòn bẩy ngân hàng), góp phần hạn chế rủi ro của vòng xoáy giảm đòn bẩy trong thời kỳ suy giảm. Trong đó, các G-SIB phải duy trì tỷ lệ đòn bẩy cao hơn…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả