menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Minh Chín

Di sản thế giới kêu cứu trong vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris

Cả thế giới bàng hoàng khi ngọn tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris đổ sập do một đám cháy lớn đã tàn phá phần mái của công trình mang phong cách kiến trúc Gothic lừng danh này.

Di sản thế giới kêu cứu trong vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris

Cảnh sát gác gần Nhà thờ Đức Bà ở Paris sau vụ hỏa hoạn ngày 16/4/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Nhắc tới nước Pháp và kinh đô Paris, không mấy ai không biết đến Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris) theo phong cách Gothic, một di sản thế giới được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) xếp hạng.

Cả thế giới bàng hoàng khi ngọn tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris đổ sập do một đám cháy lớn đã tàn phá phần mái của công trình mang phong cách kiến trúc Gothic lừng danh này.

Vụ việc không chỉ gióng lên hồi chuông báo động về hoạt động bảo vệ di sản nói chung, mà còn cho thấy sự chung sức của cộng đồng nhằm phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris - công trình văn hóa đã đi vào lịch sử với nhân vật nàng Esmeralda và thằng gù Quasimodo trong tác phẩm văn học kinh điển Nhà thờ Đức Bà Paris của đại văn hào Victor Hugo.

*“Báu vật” xuống cấp

Nhà thờ Đức Bà Paris là một trong những công trình kiến trúc-lịch sử mang tính biểu tượng của Kinh đô Ánh sáng và cũng là công trình lịch sử được thăm quan nhiều nhất châu Âu.

Mỗi năm, có 12-14 triệu lượt du khách tới thăm quan công trình từng được coi là “báu vật” trong 3 thế kỷ XII-XIV. Nhưng sau 850 năm chống chọi với thời gian, mưa nắng và ô nhiễm môi trường, Nhà thờ Đức Bà Paris đã xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều du khách từng tới thăm Nhà thờ Đức Bà Paris hay chiêm ngưỡng công trình qua những bức ảnh rất ấn tượng trước tượng những con thú nằm ngang, nhô ra ngoài mái nhà thờ. Các bức tượng thú này có ý nghĩa tượng trưng xua đuổi ma quỷ và răn đe, nhắc nhở con người về địa ngục.

Nhưng thực chất, đó là các máng dẫn nước mưa. Miệng con thú chính là miệng ống máng qua đó nước mưa chảy xuống đất. Đầu con thú khá dài, để nước chảy được đủ xa, giúp công trình khô ráo, chắc chắn.

Nhưng nhiều máng nước hình thú đã nứt vỡ, thậm chí rơi xuống từ mái nhà thờ. Trong một phóng sự, ông André Finot, phụ trách truyền thông của Nhà thờ Đức Bà Paris, cho biết: “Như quý vị có thể thấy ở chỗ này, chúng tôi có hai máng nước.

Cái thứ nhất đã rơi mất đầu vào một ngày đẹp trời mùa hè. Đầu máng nước ngay bên cạnh cũng đã rơi mất hẳn rồi, và sau đó đã được thay bằng… một ống nhựa PVC”.

Vào giữa thế kỷ XIX, Nhà thờ Đức Bà Paris đã được tu bổ trong suốt 20 năm, từ năm 1844 tới năm 1864 dưới sự chỉ đạo của hai kiến trúc sư Viollet-Leduc và Lassus. Năm 1967, các cửa kính ghép màu ở gian chính nhà thờ đã được thay mới.

Trong những năm 1990, mặt ngoài nhà thờ cũng đã được sửa sang, một phần mặt tiền đã được cọ rửa cho sáng màu. Năm 2003, các quả chuông của nhà thờ cũng được thay mới. Nhưng phần còn lại của Notre-Dame de Paris đều đã quá cũ kỹ và tình trạng ngày càng trầm trọng.

Nhiều bức tường đá bị mủn, vỡ. Nhiều bức tượng sứt mẻ, biến dạng. Hàng lan can bằng đá đã biến mất và phải thay bằng chấn song bao lơn bằng gỗ, nhiều kết cấu bằng đá khác cũng bung ra. Một số cửa ghép kính màu bị vỡ. Nghiêm trọng nhất là các vòm chống có nguy cơ đổ sụp. Một phần nóc cũng đang sập dần.

Chóp nhọn hình mũi tên trên mái Nhà thờ Đức Bà Paris cũng cần được thay mới và dự tính tốn tới 10 triệu euro. Chóp nhọn hình mũi tên hiện nay vươn cao 93m, được dựng trong giai đoạn cải tạo hồi giữa thế kỷ XIX (1844-1864), được làm bằng gỗ sồi bọc chì, nặng 750 tấn (500 tấn gỗ sồi và 250 tấn chì), bao quanh là bốn dãy tượng các tông đồ tạc bằng đồng.

Bà Marie-Hélène Didier, chuyên gia bảo tồn di sản, cho biết phần vỏ ngoài của chóp nhọn mũi tên đang bị bào mòn, axit trong nước mưa có thể làm hỏng phần khung bên trong.

Tòa Tổng giám mục Paris thông báo trên website là đã tới giai đoạn mà Nhà thờ sắp đến lúc không thể trụ được nữa vì kết cấu của công trình không còn ổn định, nhiều tác phẩm điêu khắc trang trí nhà thờ cũng hỏng nát và sắp biến mất vĩnh viễn.

Mỗi năm Nhà thờ Đức Bà Paris được nhà nước Pháp cấp 2 triệu euro cho công tác bảo trì, nhưng dự án trùng tu sắp tới hoặc kéo dài 20 năm và tốn 100 triệu euro, hoặc kéo dài đến 30 năm và tốn tới 150 triệu euro. Đại diện Ban quản lý nhà thờ cho biết số tiền các nhà hảo tâm đóng góp hàng năm là 5 triệu USD.

Theo lời ông André Finot, phụ trách truyền thông của Nhà thờ Đức Bà Paris, mặc dù “tình hình hiện tại đã rất nguy cấp”, nhưng Ban quản lý nhà thờ vẫn kiên quyết không thu tiền vé vào cửa của du khách.

Cha Patrick Chauvet, người quản lý Nhà thờ Đức Bà Paris, giải thích: “Tôi đặc biệt không muốn các con chiên hay người nước ngoài, khách du lịch, những người không thường lui tới và người không theo đạo Thiên Chúa phải trả tiền vé vào thăm nơi này. Chính vì thế, phải tìm nguồn tài chính từ nơi khác”.

* "Những tấm lòng vàng"

“Nơi khác” mà cha Patrick Chauvet vừa nhắc tới ở trên chính là nước Mỹ, bên kia bờ Đại Tây Dương. Quả thực Nhà thờ Đức Bà Paris thu hút rất nhiều du khách Mỹ.

Nhiều ngôi sao trong làng giải trí Mỹ như diva nhạc pop Beyoncé và chồng là ca sĩ Jay-Z, khi có dịp tới Paris đều không bỏ lỡ cơ hội tới thăm Nhà thờ Đức Bà Paris.

Ngày 13/7/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump đã có chuyến thăm chính thức nước Pháp theo lời mời của tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tham dự lễ diễu binh của quân đội Pháp-Mỹ trên đại lộ Champs-Elysées nhân dịp Quốc khánh Pháp 14/7 và kỷ niệm 100 năm Mỹ tham gia Thế chiến Thứ nhất. Ngay buổi chiều 13/7, đệ phất phu nhân Pháp Brigitte Macron và đệ nhất phu nhân Mỹ Trump đã tới thăm Nhà thờ Đức Bà Paris.

Quỹ Friends of Notre-Dame de Paris (Những người bạn của Nhà thờ Đức Bà Paris) hướng tới nhóm người Mỹ “có truyền thống quyên góp và rất yêu thích Nhà thờ Đức Bà Paris. Qua các bộ phim và nhạc kịch về Nhà thờ, người dân Mỹ rất yêu thích thằng gù Quasimodo và các nhân vật khác trong tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris của đại thi hào Victor Hugo. Nhờ vậy việc quyên góp tiền tu bổ Nhà thờ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Mục tiêu của quỹ Những Người Bạn Của Nhà thờ Đức Bà Paris là cùng với Quỹ Avenir du Patrimoine de Paris (Tương lai Di sản Paris) ngay tại nước Pháp quyên được 100 triệu euro.

Quỹ Tương lai Di sản Paris muốn người Pháp ý thức được rằng họ đang sở hữu một di sản hiếm có và nhấn mạnh rằng mặc dù ban đầu, nhà thờ được xây cho các tín đồ Thiên Chúa nhưng giờ đây, Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa đón chào tất cả mọi người.

Nhiều người chia sẻ: “Tôi không theo đạo, nhưng tôi yêu thích nơi này”. Hồi đầu tháng 5/2017, Phủ Tổng thống Pháp cũng cam kết là Quỹ Tương lai Di sản Paris cứ quyên góp được một euro thì nhà nước sẽ hỗ trợ thêm cho Nhà thờ Đức Bà Paris một euro, nhưng số tiền hỗ trợ thêm tối đa cũng sẽ chỉ là 4 triệu euro/năm.

Vì thế, muốn "cứu" Nhà thờ Đức Bà Paris, công trình kiến trúc-lịch sử vốn được coi là một trong những biểu tượng lớn nhất của nước Pháp cần có sự đóng góp của tư nhân.

Theo ước tính của một số công ty bảo hiểm, chi phí phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris có thể lên tới hơn 1 tỷ euro. Tuy nhiên, tính đến ngày 17/4 Quỹ hỗ trợ phục dựng Nhà thờ đã quyên góp được gần đủ số tiền này nhờ các tấm lòng hảo tâm, trong đó có các tỷ phú Bernard Arnault, Francois-Henri Pinault, hãng mỹ phẩm L’Oreal và tập đoàn năng lượng Total.

Bên cạnh đó, hãng hàng không Air France cho hay sẽ cung cấp các chuyến bay miễn phí đối với các chuyên gia đến hỗ trợ cho việc phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris.

* Thắp sáng niềm hy vọng

24 giờ sau khi ngọn lửa được dập tắt, báo chí Pháp vẫn dành nhiều "đất" cho vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris với các hàng tựa như Nhà thờ Đức Bà bốc khói trên Le Monde; Ngôi đại giáo đường 800 năm sừng sững sau cơn bão lửa trên trang nhất của Le Figaro; thánh giá vẫn rực rỡ màu vàng ánh trước đống gỗ cháy thành than trên báo La Croix.

Trong bài “Ngôi nhà chung của chúng ta”, nhật báo công giáo La Croix nhận xét sau ngọn lửa thiêu đốt báu vật tôn giáo xuất hiện một ngọn lửa khác, ngọn lửa hy vọng.

Ở nước Pháp ngày nay, hiếm khi có một niềm xúc động chung được tất cả mọi người chia sẻ. Khi mái nhà thờ sụp xuống, không ai là không cảm thấy một nỗi buồn sâu kín tràn ngập tâm hồn và vẫn kéo dài cho đến hôm sau. Vì sao? Bởi vì một ngôi nhà thờ, từ muôn đời là một mái nhà chung.

Nhà thờ Đức Bà Paris là một trong những nơi mà cả mọi người, không phân biệt tầng lớp xã hội, không phân biệt tôn giáo có thể quy tụ về mà không tốn tiền. Có đạo hay vô thần, mọi người đều ý thức giá trị chung đó khi thấy Nhà thờ Đức Bà Paris suýt bị thiêu rụi.

Nhưng báu vật này, dù đẹp cách mấy, không phải chỉ là một tòa kiến trúc đơn thuần mà vì nó là ngôi nhà chung của mỗi chúng ta. Tái thiết nó, như đã từng giúp cho các nhà thờ Reims, Rouen, Turino bị lửa đạn tàn phá hồi sinh là xây lại chính căn nhà của mình.

Tờ Le Monde, cùng một nhận định: Trái tim nước Pháp bị trúng thương. Nằm bên bờ hai nhánh sông Seine từ muôn đời, Nhà thờ Đức Bà Paris là cầu nối đặc biệt giữa con người hữu hạn và Thượng đế vĩnh hằng.

Từ địa lý, quốc sử cho đến văn học, Nhà thờ Đức Bà Paris là trung tâm của nước Pháp. Đó là cây số “số không”, là toạ độ gốc tính khoảng cách Paris với các địa danh khác. Cung thánh (chính điện) là nguồn cảm hứng làm nên những chương tiểu thuyết tuyệt tác của văn học Pháp và cũng là nơi chứng kiến những vì vua quỳ gối trước thánh giá trong lễ đăng quang, lễ cưới hay mừng chiến thắng.

Nhà thờ Đức Bà Paris cũng là một chứng nhân lịch sử của chế độ Cộng hòa khi vui cũng như lúc buồn. Vui khi mừng ngày chiến thắng Đệ nhất Thế chiến 1918, hay vào ngày 26/5/1944 tướng De Gaulle dự thánh lễ giải phóng thủ đô. Lúc tai biến, Cung thánh đã ba lần đón tiếp hàng trăm nhân vật của địa cầu trong năm 1970,1974 và 1996 đến dự tang lễ của De Gaulle, Pompidou và Mitterand - ba vị tổng thống Cộng hòa.

Văn hào Victor Hugo viết lại một câu để đời: bên cạnh những nét nhăn trên mặt nhà thờ người ta luôn thấy một vết sẹo. Vết sẹo lần này, không cách nào xóa được cho dù “Chúng ta sẽ xây lại nhà thờ” mà Tổng thống Emmanuel Macron cam kết trong đêm xảy ra hoả hoạn.

Tờ Libération chạy tựa: Nhà thờ Đức Bà của nhân dân. Trong vòng ít phút, tâm trạng xúc động lan khắp địa cầu. Thế giới như bị trúng tên vào giữa trái tim.

Trong bài xã luận, nhật báo thiên tả khẳng định Nhà thờ Đức Bà là cội rễ của Thiên Chúa giáo lẫn Cộng hòa là “bản sắc của dân Pháp”: Jeanne d’Arc, Henri 4, Louis 14, Napoleon, De Gaulle cho đến tu sĩ Pierre… cả một kho tàng ấn tượng, hình ảnh, ký ức, cảm xúc làm nên chất keo gắn bó với nước non, như mô tả của Jean Jaurès đã bị cháy.

Nhưng, hy vọng là đây “sau ngọn lửa, các nhà hảo tâm chữa cháy”, Libération chơi chữ. Trong vòng 24 giờ, tiền quyên góp tái xây dựng Nhà thờ Đức Bà lên đến 700 triệu euro.

Nhưng không phải chỉ có các nhà tài phiệt hay đại công ty hảo tâm, một làn sóng lan khắp thế giới và khắp nước Pháp. Tại trụ sở Quỹ Bảo tồn Di sản Quốc gia, chuông điện thoại reo không ngớt: buổi sáng nhận được 1,3 triệu euro, đến buổi chiều được 4 triệu euro.

Le Figaro dành một trang tóm lược những lời chia buồn và bài tỏ tình liên đới trên khắp thế giới tái thiết nhà thờ. Nhật báo thiên hữu này cảnh báo: đây là một công trình gian nan cho dù Tổng thống Pháp cam kết sẽ hoàn tất trong vòng 5 năm, trước Thế vận hội Paris 2024.

Làm cách nào? Nhật báo Les Echos chú ý đến ngọn gió “tổng động viên tái thiết”. Cùng quan điểm, La Croix thông báo nỗ lực chung phối hợp quỹ tư nhân và ngân sách nhưng cái khó không phải là có tiền là làm nhanh và làm gì cũng được. Tính toán thiệt hại và bảo tồn cho được kiến trúc thời Trung Cổ là hai công trình mất nhiều thời gian. Một vấn đề đau đầu khác mà Le Figaro cũng như Le Monde nêu lên là “điều tra tìm nguyên nhân hoả hoạn”.

* Công nghệ mới vào cuộc

Hình ảnh 3 chiều, thực tế ảo, in 3D, vật liệu mới... hay các công nghệ mới khác sẽ được huy động để trợ giúp quá trình phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris.

Hình ảnh kỹ thuật số sẽ đóng một vai trò quan trọng. Có nhiều hình ảnh chụp tòa nhà dưới dạng 3D, cho phép tái tạo mô hình 3D của Nhà thờ trên máy tính. Theo ông Christophe Lienard, Giám đốc sáng tạo của công ty công nghệ Bouygues SA, kỹ thuật được sử dụng, được gọi là đám mây điểm 3D, tạo điều kiện cho việc xác định các điểm yếu của công trình.

Ông Fred Vacher, Giám đốc sáng tạo công ty Dassault Systèmes, cho biết việc mô hình hóa kiến trúc của khung mái Nhà thờ Đức Bà Paris có thể thực hiện theo công nghệ 3D. Các sa hình 3D được sử dụng trong quá trình chuẩn bị thực địa, theo ông Clément Moreau, Giám đốc điều hành của Sculpteo, một công ty khởi nghiệp Pháp từng cung cấp nhiều sa hình như vậy trong quá trình tôn tạo di tích tôn giáo trên đảo Mont-Saint-Michel, miền Tây nước Pháp.

Kỹ thuật tạo hình 3D bao gồm việc đặt các lớp vật liệu liên tiếp để tạo ra một vật thể. Nó cũng được sử dụng để làm khuôn cho các lớp trang trí bằng thạch cao, vữa hoặc bê tông để sử dụng tạm thời, trong khi chờ đợi các nhà điêu khắc đá. Ngày nay về mặt kỹ thuật, chỉ trong vòng vài giờ có thể tạo hình 3D một máng xối, đặc điểm kiến trúc độc đáo của Nhà thờ Đức Bà Paris.

Một công nghệ trợ giúp khác là các robot đẽo gỗ. Chúng tạo ra các hình dạng phong phú và giúp các nhà điêu khắc tiết kiệm thời gian. Điều này sẽ đẩy nhanh việc phục dựng cho dù rất thiếu nhân lực. Những tiến bộ công nghệ cũng sẽ được áp dụng nhằm làm chậm quá trình bị đốt cháy của các cấu trúc bằng gỗ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc lựa chọn vật liệu sẽ là một câu hỏi lớn. Liệu khung mái vòm mới vẫn được làm bằng gỗ hay sẽ được thay thế bằng vật liệu mới có sức bền tốt hơn? Nhưng ngay cả với các phương pháp hiện đại, quá trình phục dựng vẫn mất nhiều thời gian. Vậy tại sao không sử dụng các chuyến thăm quan ảo?

Targo là một trong những công ty cuối cùng đã tiếp cận phần mái Nhà thờ Đức Bà Paris. Ông Victor Agulhon, người sáng lập và Giám đốc điều hành Targo, đã đề nghị được đóng góp thông qua sản phẩm công nghệ của mình. Theo ông, các chuyến thăm quan ảo có thể làm cho nhà thờ sống động như trước và kiểm tra tiến độ của công việc.

Ubisoft, công ty số một của Pháp chuyên về trò chơi điện tử, sẵn sàng làm hết sức để giúp xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris. Trò chơi nổi tiếng Assassin Creed Unity của Ubisoft tái lập thành phố Paris vào thế kỷ 18, trong đó Nhà thờ Đức Bà là trung tâm của cuộc phiêu lưu sôi động. Hơn 10 triệu người chơi đã thực hiện nhiều chuyến thăm quan ảo trong Nhà thờ, thậm chí lên cả mái nhà và đỉnh tháp đã bị sụp đổ.

May mắn là Nhà thờ Đức Bà Paris đã là tâm điểm nghiên cứu của nhiều dự án trước đây. Công ty Targo đã dùng công nghệ chụp ảnh 3D và 360° các phần kiến trúc mà công chúng không được tiếp cận, như phần khung mái vòm bằng gỗ sồi.

Tại Mỹ, Đại học Vassar có một cái nhìn 3D rất ấn tượng về nội thất của Nhà thờ Đức Bà Paris, trong khuôn khổ một dự án nghiên cứu việc xây dựng nhà thờ. Công ty GE-A đã mô hình hóa gần như toàn bộ cấu trúc Nhà thờ Đức Bà Paris, để phục vụ cho dự án cải tạo đang được tiến hành từ hơn một năm nay cho đến thời điểm xảy ra vụ cháy.

Cho dù còn nhiều giới hạn do không thể bao quát toàn bộ Nhà thờ Đức Bà Paris, nhưng các công ty công nghệ tin tưởng rằng cơ sở dữ liệu hiện có hoàn toàn có khả năng tái cấu trúc chính xác phần khung, mái và đỉnh tháp, góp phần phục dựng và tôn tạo công trình lịch sử mang tính biểu tượng của nước Pháp.

Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester khẳng định nhà nước sẽ làm tất cả những gì cần thiết. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cũng đã công bố kế hoạch hành động của chính phủ, trong đó có cuộc thi mẫu thiết kế dành cho các kiến trúc sư tài ba trên thế giới. Dự kiến, quá trình phục dựng có thể kéo dài nhiều năm./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại