ĐHĐCĐ VIB: Mục tiêu tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ lên 85%
Những nội dung chính tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của VIB.
Sáng ngày 30/6, Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 tại TP.HCM.
Tại đại hội, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB báo cáo cổ đông về tình hình kết quả hoạt động kinh doanh 2019 với nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Ông Ân Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc VIB báo cáo tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 - Ảnh: VB.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 4.082 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2018 và hoàn thành 120% kế hoạch.
Tổng tài sản tăng 33% so với năm 2018, hoàn thành 101% kế hoạch. Huy động vốn tăng 47%, đạt 110% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu giảm 23% còn 1,68% so với mức 2,19% năm 2018.
Tuy nhiên, dư nợ tín dụng tăng 47% so với năm 2018 nhưng chỉ hoàn thành 97% so với kế hoạch. Dù vậy, theo ông Vỹ, đối với cho vay, VIB là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng bán lẻ cao và chất lượng hàng đầu thị trường. Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân và siêu nhỏ cuối năm 2019 đạt 108.000 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2018, chiếm 82% tổng dư nợ toàn ngân hàng.
VIB cũng là ngân hàng số 1 về cho vay mua ô tô kể từ năm 2017, số 1 về tăng trưởng cho vay bán lẻ hằng năm đạt 60% giai đoạn 2017-2019, thuộc top các ngân hàng TMCP.
Đối với hoạt động bảo hiểm, VIB tiếp tục giữ vị trí số 1 thị trường về bancassurance và số 1 về năng suất bán hàng trên 1 chi nhánh. Bancassurance tăng trưởng 178% trong năm 2019, đưa đóng góp của VIB vào 76% doanh thu của Prudential qua kênh ngân hàng tại Việt Nam.
Đối với thẻ tín dụng, VIB dẫn đầu về xu hướng phát triển thẻ tín dụng và đóng góp tích cực vào thanh toán không dùng tiền mặt, là ngân hàng đầu tiên mang về thị trường Việt Nam giải pháp công nghệ thẻ hiện đại Smart Card cho phép phát hành thẻ ảo… giúp VIB trở thành ngân hàng có chỉ số tăng trưởng phát hành thẻ và chỉ số chi tiêu trên thẻ trong nhóm dẫn đầu thị trường Việt Nam.
Về các chỉ tiêu an toàn hoạt động, VIB đạt hệ số an toàn vốn tối thiểu năm 2019 ở mức 9,7% so với mức 8% theo quy định của NHNN; tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 33,8% (quy định là 40%); tỷ lệ cho vay trên huy động vốn 76,8% (quy định 80%)…
Cổ đông thông qua các quy chế của ĐHĐCĐ thường niên 2020 - Ảnh: VB.
Năm 2020: Chiếc lược dẫn đầu thẻ tín dụng và bảo hiểm
Năm nay là năm thứ 4 của quá trình chuyển đổi, VIB lên kế hoạch tiếp tục xây dựng các mảng kinh doanh cốt lõi với mục tiêu trở thành ngân hàng dẫn đầu sản phẩm chiến lược thẻ tín dụng và bảo hiểm; Phát triển ngân hàng giao dịch hàng đầu; Dịch vụ ngân hàng vượt trội; Ưu tiên công nghệ hàng đầu; Quản trị rủi ro và tuân thủ…
Theo đó, kế hoạch năm 2020, VIB dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng 10%, đạt 4.500 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng tăng 24%, đạt 164.408 tỷ đồng; Huy động vốn tăng 19%, đạt 166.120 tỷ đồng; Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; Tổng tài sản tăng 20%, đạt 222.000 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 của VIB trình cổ đông - Nguồn: VIB.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, theo VIB, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Chỉ thị số 02 yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt, do đó, VIB sẽ cân nhắc việc trình ĐHĐCĐ về chia cổ tức bằng tiền mặt trong trường hợp NHNN có thông báo khác.
Năm 2020, VIB dự kiến tăng vốn điều lệ từ mức 9.244 tỷ đồng lên mức 11.093 tỷ đồng. Thời gian tăng vốn trước 31/12/2020 bằng phương thức chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và Lợi nhuận sau thuế.
Tại đại hội lần nay, VIB cũng trình cổ đông về việc miễn nhiệm 02 thành viên HĐQT là ông Michael John Murphy và ông Timothy Ian Oldham.
VIB cũng dự kiến niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) năm nay.
NỘI DUNG THẢO LUẬN
6 tháng đầu năm đã đạt gần 2.500 tỷ đồng lợi nhuận
Tất nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của VIB. Nhưng rất may, VIB đi trước hệ thống một bước khi có lợi thế về giảm chi phí trong hoạt động từ trước. Cùng với thương hiệu của VIB tương đối tốt khi VIB đã hoàn thành 3 trụ cột đầu tiên của Basel II trong hệ thống vào tháng 11/2019.
VIB tập trung vào bán lẻ là chủ yếu, cộng với năng suất lao động tốt, nợ xấu kiểm soát tốt nên kỳ vọng lợi nhuận năm 2020 hoàn thành kế hoạch đặt ra, dù trước đó HĐQT đưa ra con số lợi nhuận còn cao hơn mức 4.500 tỷ đồng. Kế hoạch thường được HĐQT của VIB đặt ra khi nhắm có thể đạt được. Chẳng hạn, kế hoạch lợi nhuận năm 2019 là 3.400 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thực hiện đạt hơn 4.000 tỷ đồng.
Về lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 55% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020 (gần 2.500 tỷ đồng). Tuy nhiên, chúng tôi hết sức thận trọng khi dịch Covid-19 vẫn đang tăng mạnh ở nhiều nước trên thế giới. Khi dịch khó kiểm soát thì VIB có thể xem lại kế hoạch lợi nhuận.
VIB phải làm những thứ khác thị trường làm
Về giãn nợ, VIB đã sàng lọc hệ thống khách hàng tốt, tất cả hệ thống chi nhánh VIB đã gửi thông báo đến khách hàng thì thấy số lượng đơn xin giãn nợ khoảng 2.600 tỷ đồng, VIB đã giãn nợ cho 98,8% đơn xin giãn nợ, chỉ có 1,2% không được giãn nợ do họ không tuân thủ Thông tư 10.
Về giải pháp xử lý nợ xấu, VIB trong 3 năm trở lại đây không có nợ xấu lớn phát sinh. Khẩu vị rủi ro của ngân hàng được xây dựng như cỗ máy nhuần nhuyễn. Đối với cho vay khách hàng cá nhân có tới 97% là có tài sản đảm bảo.
VIB là ngân hàng tập trung vào hoạt động ngân hàng cốt lõi, cho vay bán lẻ, bán buôn, không có ngân hàng đầu tư trong khi các ngân hàng khác cho vay đa ngành, hoạt động đa lĩnh vực. Điều cơ bản là cho vay bán lẻ chiếm tới 82% năm 2019, mục tiêu của VIB là tăng cho vay này lên 85% trong thời gian tới, tập trung vào cho vay mua ô tô, cho vay hộ kinh doanh, cho vay theo thẻ tín dụng…
Về giao chỉ tiêu tín dụng từ NHNN cho VIB là 10,5%, nhưng trong tình hình cần tăng nguồn vốn cho tăng trưởng kinh doanh và khôi phục kinh tế thì NHNN sẽ khuyến khích tăng trưởng cho vay đối với những ngân hàng tốt, và VIB cũng là một trong những ngân hàng đó.
Trong 6 tháng đầu năm nay, VIB tăng trưởng tín dụng hơn 6%, đây là con số rất tốt trong bối cảnh kinh tế suy giảm, và các chỉ số tài sản đảm bảo cho khoản vay vẫn đúng quy định, hồ sơ tín dụng vẫn đến với VIB rất nhiều.
Phát triển một ngân hàng cần tập trung vào con người, công nghệ, quy trình… VIB ở top 5-7 ngân hàng có thu nhập tương đối cao trên thị trường. VIB rất chú trọng lương thưởng cho những cán bộ ở cấp cơ sở, có nhiều cán bộ cấp trung, dưới trung có thu nhập cao hơn thành viên ban điều hành.
Về phát hành ESOP, nếu phát hành cho CBNV thì có thể tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu VIB và xem xét phát hành vào năm 2021. VIB phải làm những thứ khác thị trường làm, VIB giữ chân người lao động bằng môi trường làm việc, nhưng cũng phải có phần thưởng tương xứng.
Về tỷ lệ dự phòng đối với nợ xấu. Tỷ lệ này không có việc trích lập nhiều hay ít mà là trích lập đúng, theo quy định của NHNN. Ở VIB có tới 85% dư nợ cho vay bán lẻ, có 97% cho vay có tài sản đảm bảo, con số dự phòng phản ánh đúng trích lập theo nợ xấu của VIB.
Cứ 100 xe ô tô chạy trên đường thì có khoảng 14 xe đã “thông qua VIB”
Cứ 100 xe ô tô chạy trên đường thì có khoảng 14 xe đã “thông qua VIB”. Điều này cho thấy đầu tư của VIB đã nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng.
Trong dịch Covid-19, thì ô tô, nhà cửa không phải là sản phẩm xa xỉ là mà sản phẩm cốt lõi, tất cả những gì VIB đang làm là bước vào phân khúc sản phẩm cơ bản nhất.
Về thẻ, Covid-19 nói riêng và xu thế nói chung thì giao dịch online đang ngày càng được lựa chọn và phổ biến.
Về ngân hàng bán lẻ phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong giai đoạn hiện nay, VIB chưa làm lĩnh vực này vì thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt đang mới hình thành, độ tin cậy của nhiều doanh nghiệp cần phải đo lường bởi cơ quan có uy tín, và người tiêu dùng quá ít thông tin về tài chính doanh nghiệp.
Chúng tôi đã trao đổi với vài công ty chứng khoán về trái phiếu doanh nghiệp. Khi làm thì phải có 10-20% doanh nghiệp có chất lượng tốt để phát hành trái phiếu và dự kiến năm 2021 - 2022 VIB có thể tham gia lĩnh vực này.
Cổ đông ngoại thay đổi chiến lược toàn cầu
Ba đời thế hệ thành viên HĐQTcủa CBA tại VIB đều rất tốt, mỗi lần VIB công bố thông tin quý, năm thì họ đều gửi thư thăm hỏi, chia sẻ. Đối tác ngoại của VIB rất tốt, rất tiếc họ thay đổi chiến lược toàn cầu.
Điều nữa là app (ứng dụng) MyVIB của ngân hàng được nhiều đối thủ, CBNV của đối thủ cũng sử dụng app này của VIB. Họ đều nhận định app có độ thân thiện và độ an toàn cao. Sự tăng trưởng giao dịch qua MyVIB tăng gấp đôi năm này qua năm khác, hơn 30 triệu giao dịch năm 2019 và tăng 85% về giao dịch cá nhân. Gần chục bộ phận tham gia vào quá trình digital của VIB.
Về bảo hiểm, năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp VIB đứng đầu thị trường. VIB có bộ phận bán hàng và tư vấn rất tốt. Hiện ngân hàng đang hợp tác với Prudential, bán bảo hiểm qua VIB chiếm 75% doanh thu của Prudential qua kênh ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận