24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Hoàng Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

ĐHĐCĐ Minh Phú: Khó hoàn thành kế hoạch 2021 do cước tàu liên tục tăng

Chủ tịch Lê Văn Quang chia sẻ với cổ đông: "Hiện tại cước container đi các cảng tăng từ 2-4 lần, tức tăng 400% và chúng tôi không biết được liệu cước còn tăng nữa không? Trước tình hình này, chúng tôi quyết tâm đạt kế hoạch đã đề ra nhưng năm nay khó mà hoàn thành kế hoạch. Kế hoạch sản xuất sẽ đạt nhưng kế hoạch bán hàng và kế hoạch lợi nhuận khả năng sẽ chỉ đạt 80%."

Sáng ngày 17/06, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021.

MPC cho biết đã phác thảo kế hoạch về một chuỗi giá trị tôm thông minh xanh sạch, hữu cơ tuần hoàn và cân bằng carbon nhằm làm chủ được nguồn nguyên liệu sạch và bền vững. Đồng thời, MPC sẽ đẩy mạnh năng suất chế biến và giảm giá vốn hàng bán.Trong năm 2021, MPC dự kiến đem về 15,775 ngàn tỷ đồng doanh thu và 1,092 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 10% và tăng 62% so với thực hiện năm 2020. Tuy nhiên, so với kế hoạch 2021 đưa ra tại Báo cáo thường niên 2020, chỉ tiêu lãi sau thuế lại giảm 22%.

Chuỗi giá trị tôm này sẽ được triển khai xây dựng dưới 5 mô hình chính. Thứ nhất, con giống quyết định trên 60% thành công của nuôi tôm. Để có con giống tốt, chất lượng cao, MPC đề xuất xây dựng khu sản xuất tôm sú và tôm thẻ chân trắng bố mẹ thích nghi, kháng bệnh lớn nhanh cùng khu sản xuất tôm giống chất lượng cao ở tỉnh Ninh Thuận kết hợp khu sản xuất con dời và tảo làm thức ăn cho tôm.

Thứ hai là khu phức hợp nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao, tuần hoàn, MPC sẽ kết hợp công nghệ AI và nền tảng Blockchain để xây dựng một ứng dụng di động thông minh (Mobile app) để quản lý nuôi tôm...

Thứ ba là khu phức hợp nuôi tôm sú quảng canh tuần hoàn vừa sức tải của môi trường.

Thứ tư là khu phức hợp nuôi tôm sú rừng đước hữu cơ, tuần hoàn vừa sức tải của môi trường.

Cuối cùng là khu phức hợp nuôi tôm sú - lúa hữu cơ (1 vụ tôm sú + 1 vụ lúa chung với tôm càng) tuần hoàn vừa sức tải của môi trường, tạo ra sản phẩm tôm sú hữu cơ và tôm càng hữu cơ chất lượng cao và luân canh với trồng giống lúa hữu cơ.

Đáng chú ý, “Vua tôm” dự kiến sẽ trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 50-70%, gấp 2-3 lần mức trả cổ tức năm 2020 (dự kiến trả bằng tiền mặt tỷ lệ 20%).

HĐQT MPC cũng dự kiến trình cổ đông thông qua phương án bán cổ phiếu quỹ với giá ưu đãi cho cán bộ công nhân viên theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP 2021). Cụ thể, MPC sẽ bán 633,170 cp với giá bán cố định là 10,000 đồng, tương đương tổng giá trị hơn 6 tỷ đồng. Thời gian thực hiện sau khi được sự phê duyệt của ĐHĐCĐ và cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Ngoài ra, HĐQT cũng sẽ trình ĐHHĐCĐ thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT đối với ông Osada Tsutomu và bầu ông Tsukahara Keiichi thay thế (được đề cử bởi cổ đông lớn MPM Investment Pte.Ltd hiện sở hữu 70.2 triệu cp MPC).

Thảo luận:

Ước lãi 6 tháng đầu năm 300 tỷ đồng

Ước kết 6 tháng đầu năm? Kế hoạch 6 tháng cuối năm ra sao?

Tháng 6 kết quả kinh doanh cũng sẽ tốt như tháng 5 nhưng sẽ tốt hơn ở tháng 7-10. Hiện tại 5 tháng lãi trước thuế hơn 200 tỷ đồng. 6 tháng ước tính khoảng 300 tỷ. Những tháng kia vẫn rủi ro ở container tàu. Nếu Quảng Đông chống dịch tốt thì khối lượng container được giải phóng, chúng ta sẽ được hưởng lợi hơn.

Cổ tức mọi năm vẫn là 5,000 đồng, năm 2019 và 2020 tại sao lại thấp như vậy, tình hình kinh doanh của Công ty có ổn định không?

Do chúng ta dính vụ kiện nên năm 2019 và năm 2020, để ứng phó với dịch nên không chia cổ tức cho cổ đông nhiều. Chúng ta không ăn trước thì để sau. Năm 2021 tình hình sản xuất tốt nhưng tình hình container như tôi nói trước không thể đoán được.

Giá vốn tăng cao làm lãi gộp giảm mạnh trong quý 1, MPC dự kiến có cải thiện tình hình không?

Quý 1 trùng vào Tết âm lịch, sau đó lại đối mặt với dịch do đó Công ty gặp khá nhiều khó khăn. Riêng tháng 5, 2 nhà máy đã đạt được lãi trước thuế 123 tỷ. Nếu tình hình xuất được hàng tồn kho (hiện tại hàng đang nằm tồn kho nhiều), chúng tôi sẽ hoàn nhập lại được khoản này bù đắp lại cho quý 1.

Các nhà máy dự kiến triển khai ra sao?

Chúng tôi dự kiến tháng 1/2022, Nhà máy tẩm bột Minh Phú Hậu Giang sẽ hoạt động nhưng tình hình mưa quá thì chắc sẽ dời lại thêm 2 tháng nửa.

Đối với Nhà máy Minh Phát, chúng tôi vướng luật đầu tư sửa đổi nhiều với những yêu cầu rắc rối, chúng tôi dự kiến khởi công vào 15/07/2021. Trước đó chúng tôi dự kiến tháng 5/2022 đưa vào hoạt động nhưng chắc sẽ tiếp tục dời lại 2 tháng. Với giá vật tư như sắt thép tăng mạnh cũng sẽ ảnh hưởng đến chúng tôi.

Khó hoàn thành kế hoạch 2021 do cước tàu liên tục tăng

Với việc kế hoạch không đạt các năm. Kế hoạch trình cổ đông khác với kế hoạch tại Báo cáo thường niên, Công ty tự tin bao nhiêu % đạt kế hoạch?

Năm 2019 chúng ta bị khởi kiện về việc nhập khẩu tôm Ấn Độ, để chứng minh được chúng tôi phải thuê Luật sư bên Mỹ. Thậm chí có lúc chúng tôi phải dồn toàn bộ nhân lực, phải dừng sản xuất để làm báo cáo gửi luật sư. Do đó, tình hình sản xuất không thể nào triển khai mạnh được. Chính vì vậy mà chúng ta không đạt được kế hoạch. Khi vụ cáo buộc này xảy ra, chúng tôi vô cùng áp lực, áp lực trên rất nhiều yếu tố.

Bên cạnh đó, chi phí cho luật sư rất lớn, thuê luật sự giỏi với giá rất cao thì chúng ta mới có cơ hội thắng được.

Năm nay trước tình hình thắng vụ kiện chúng tôi đưa ra kế hoạch khả quan. Tuy nhiên, dịch Covid xảy ra hồi Tết âm lịch, bây giờ dịch ở Việt Nam lần thứ 4. Cái khó khăn nhất là các chuỗi cung ứng, nguyên nhiên vật liệu tăng rất mạnh. Phí vận tải tại thời điểm này tăng liên tục nhưng cũng không có container để xuất đi.

Hiện tại cước container đi các cảng tăng từ 2-4 lần, tức tăng 400% và chúng tôi không biết được liệu cước còn tăng nữa không? Trước tình hình này, chúng tôi quyết tâm đạt kế hoạch của mình đã đề ra nhưng năm nay khó mà hoàn thành kế hoạch. Kế hoạch sản xuất sẽ đạt nhưng kế hoạch bán hàng và kế hoạch lợi nhuận khả năng sẽ chỉ đạt 80%. Nếu tình hình chúng tôi giải quyết được các vấn đề về container thì chúng tôi mới đạt vượt kế hoạch được. Một số tàu đi sang quốc tế, thủy thủ tàu nhiễm Covid do đó đã thiếu tàu lại càng thiếu thêm.

Công ty hay chậm Công bố các BCTC với lý do có nhiều Công ty thành viên, thực tế trên sàn cũng có nhiều công ty nhưng họ đều công bố đúng hạn, Công ty có giải pháp gì để không chậm trong việc công bố BCTC?

MPC có 18 Công ty thành viên, điều đặc biệt là có 2 công ty thành viên bên Mỹ và Nhật. Báo cáo không đúng thời gian là do Công ty MSeafood USA họ bán ký gửi. Điều đó ảnh hưởng đến MPC. Nếu muốn báo cáo đúng thì chỉ tách Công ty này ra.

Tiền hoàn trả từ vụ thuế của Mỹ Công ty đã nhập chưa?

Theo quy định, chúng ta sẽ nhận được trong quý 1/2021. Bên nguyên đơn đã gửi đơn kiện lên tòa. Dự kiến cuối tháng 6, tòa bên Mỹ sẽ trả lời nhưng bên nguyên đơn cũng không dễ dàng thua. Do đó, có thể trong năm 2021 chúng ta sẽ chưa nhận được, năm 2022 phải trải qua 2-3 lần kiện tiếp thì họ mới chịu thua. Do đó, chúng tôi vẫn còn vất vả lắm để bảo đảm được thắng lợi.

... Tiếp tục cập nhật

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
15.00 -0.20 (-1.32%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả