ĐHĐCĐ Cường Thuận IDICO: Quỹ ngoại đánh giá kế hoạch lợi nhuận 141,5 tỷ đồng là quá thận trọng
Quý III/2019 CTI sẽ được thu phí hoàn vốn dự án Đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng và sẽ hoàn tất nhận chuyển giao dự án BOT 319 – Phan Thiết, Đồng Nai có chiều dài 114km.
Ngày 18/5 đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (mã CTI). Theo đó, tất cả các nội dung trình tại Đại hội đều được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Chia cổ tức 12%
Năm 2018, CTI đạt tổng doanh thu 546 tỷ đồng đối với công ty mẹ và 917 tỷ đồng doanh thu hợp nhất; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt hơn 135 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 128,5 tỷ đồng. Cổ tức 12%, tương đương trích 75,6 tỷ đồng để chia cổ tức.
Ban điều hành Cường Thuận IDICO cho biết, năm 2018 doanh thu và lợi nhuận của công ty mẹ chưa đạt được kế hoạch đề ra bởi các nguyên nhân khách quan từ việc giảm doanh thu từ hoạt động thu phí BOT tại các dự án Quốc lộ 1A, Quốc lộ 91 – Cần Thơ An Giang và dự án thu phí BOT – Tỉnh lộ 16 đã dừng thu phí do hết thời hạn hoàn vốn theo phương án tài chính đã duyệt.
Năm qua, CTI đã hoàn thiện bổ sung và nâng cấp máy móc thiết bị cho các mỏ đá tại huyện Vĩnh Cửu, huyện Xuân Lộc, và xã Phước Tân – TP. Biên Hòa để có thể có đủ năng lực cung cấp đá cho các dự án BOT công ty đang thực hiện, các dự án đường cao tốc trong khu vực và chuẩn bị sẵn sàng cung cấp cho dự án sân bay Quốc tế Long Thành. CTI tiếp tục đẩy mạnh và hoàn thiện các dự án BOT; tham gia các dự án BT.
Đặt kế hoạch lợi nhuận “quá thận trọng” 141,5 tỷ đồng
Năm 2019, Cường Thuận IDICO đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 1.305 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 141,5 tỷ đồng. Kế hoạch cổ tức 12%.
CTI cho biết, doanh thu công ty mẹ kế hoạch 729 tỷ đồng đến chủ yếu từ doanh thu xây lắp, cung cấp betong nhựa nóng, bê tông tươi 400 tỷ đồng; cung cấp cống 100 tỷ đồng; khai thác, gia công đá các loại 150 tỷ đồng.
Doanh thu các công ty con thực hiện các dự án BOT 616 tỷ đồng, chủ yếu đến từ BOT QL91 giá trị 160 tỷ đồng, BOT QL1 242 tỷ đồng, BOT đường chuyên dùng 14 tỷ đồng, BOT Phan Thiết – Dầu Giây 165 tỷ đồng.
Liên quan đến các dự án BOT, Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Quang cho biết, CTI đã đầu tư vào các dự án BOT gần 600 tỷ đồng. Hợp đồng BOT là hợp đồng mở, với vốn đối ứng 20% nhằm bảo toàn vốn cho từng dự án. Hiện nay, lợi nhuận vốn chủ sở hữu được tính bằng (=) lãi suất ngân hàng cộng (+) 2%, ổn định. 80% vốn còn lại đi vay từ ngân hàng. Nếu nhà đầu tư thu đủ sớm thì xả trạm.
Hàng quý hàng tháng, nhà đầu tư phải báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải, Cục đường bộ, việc thu phí phải có hoá đơn đỏ và phải báo cáo thuế, và hệ thống thu phí BOT phải xác định qua mã vạch nên không cho phép gian lận…
Về kế hoạch kinh doanh năm 2019 được cổ đông là Quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng “quá thận trọng”, theo CTI, mục tiêu đưa ra cho năm 2019 thực tế rất quyết tâm. Năm 2017 CTI có dự án QL1, bảo toàn vốn (cổ tức được chia về cho CTI) 12-14%, riêng năm 2018, nhà đầu tư phải hạ giá vé dẫn đến thu không đủ, từ đó chỉ được chia 5%, sẽ được chia thêm 2%.
Hiện Nhà nước cho nhà đầu tư lợi nhuận vốn chủ sở hữu 12 -14%/năm, nhưng do hạ giá vé nên chưa thu hồi đủ. Hơn nữa không phải tất cả các dự án BOT mà CTI đổ vốn vào đầu tư đều đang được thu phí như dự án BOT đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng đã hoàn chỉnh tuyến cho lưu thông nhưng chưa được thu phí hoàn vốn dự án. Vì vậy, CTI đưa ra mục tiêu tăng trưởng hơn 10% là đã rất quyết tâm.Sẽ chào bán 10 triệu cổ phiếu huy động vốn cho 2 dự án BOT
Tổng mức đầu tư dự kiến trong năm 2019 là 2.500 tỷ đồng, trong đó 1.500 tỷ đồng dự kiến sử dụng cho dự án đầu tư, chuyển giao dự án BOT 319 – Phan Thiết, Đồng Nai; 200 tỷ đồng cho dự án Khu dân cư tại xã Phước Tân (Khu 10,4 ha); dự án BOT nút giao đường 319 và Đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây 350 tỷ đồng.
Đại hội đồng cổ đông của CTI đã thông qua phương án chào bán riêng lẻ 10.000.000 cổ phần với giá chào bán không thấp hơn 22.000 đồng/cổ phần. Thời gian thực hiện trong năm 2019.
Nguồn vốn huy động được dùng làm vốn đối ứng cho 2 dự án BOT gồm: Dự án BOT QL1 đoạn Phan Thiết – Dầu Giây (187,6 tỷ đồng) và dự án BOT đường 319 nối dài và nút giao 319 với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây (32,4 tỷ đồng).
Cập nhật các dự án CTI đang thực hiện
Dự án có tổng giá trị chuyển giao là 1.708 tỷ đồng .Doanh thu dự kiến của dự án vào khoảng 28 tỷ đồng/1 tháng tương đương 320-330 tỷ đồng/1 năm. Lợi nhuận vốn chủ sở hữu là 12,5%. Thời gian hoàn vốn dự kiến của dự án là 20 năm 6 tháng (Quyết định số 1141/QĐ –BGTVT ngày 18/04/2017). Tổng kinh phí đầu tư bổ sung trong giai đoạn tiếp theo chưa thực hiện là 146 tỷ đồng /199 tỷ đồng.
Được biết, trong dự án này, CTI được Vietinbank cho vay hơn 1.000 tỷ đồng, vốn đối ứng của CTI hơn 300 tỷ đồng.
Trong 2 mỏ đá Thiện Tân 10 và Tân Cang 8, CTI đánh giá tỷ suất doanh thu của Thiện Tân 10 tốt hơn Tân Cang 8, do giá trị đầu tư máy móc vào mỏ Tân Cang 8 cao hơn, chất lượng đá tại Tân Cang 8 có chất lượng tốt nhất khu vực Đồng Nai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận