24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ngọc Trân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

ĐHCĐ Nam Long (NLG): tự tin kế hoạch lãi 1.152 tỷ đồng, chuyển dần thành nhà phát triển khu đô thị tích hợp

Tại ĐHCĐ Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) diễn ra sáng 24/4, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HDQT NLG cho biết, Nam Long đang trong bước chuyển đổi dần từ nhà phát triển nhà ở “vừa túi tiền” hàng đầu thành nhà phát triển khu đô thị tích hợp.

Giai đoạn 2021-2023, tổng lợi nhuận tăng 70%

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT NLG cho biết, năm 2020 là năm khó khăn, bệnh dịch Covid đã làm thay đổi tình hình trên toàn thế giới và Việt Nam. Với thị trường bất động sản, nguồn cung giảm, đặc biệt tại TP.HCM, không đến 20% dự án được mở bán. Xu hướng hiện nay các nhà phát triển BĐS đi tìm các vùng kế cận TP.HCM để phát triển dự án. Khó khăn về pháp lý vẫn diễn ra, hành lang pháp lý BĐS vẫn có nhiều rủi ro. Tuy nhiên, bức tranh sáng của Nam Long là triển khai cùng lúc 3 khu đô thị Mizuki, Akari (TP HCM) và Waterpoint (Long An).

Kết quả năm 2020, NLG đạt kế hoạch đề ra, 2.217 tỷ đồng doanh thu thuần và 835 tỷ đồng lợi nhuận cổ đông công ty mẹ, lần lượt vượt 46% và 2% kế hoạch năm.

ĐHCĐ Nam Long (NLG): tự tin kế hoạch lãi 1.152 tỷ đồng, chuyển dần thành nhà phát triển khu đô thị tích hợp
Trong giai đoạn 2018-2020, lợi nhuận NLG tăng trưởng 136%, tổng tài sản tăng trưởng 172%

Cùng với kết quả kinh doanh tăng trưởng, ông Quang cho rằng, trong 3 năm qua, vấn đề quan trọng nhất là NLG đã xây dựng được đội ngũ quản lý mạnh trong lĩnh vực bất động sản, đội ngũ nhân sự tăng từ 508 CBCNV lên 705 CBCNV. Đồng thời, Nam Long còn chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp (VANTO-DGT-ERP-ERM), sẵn sàng triển khai hệ thống ERP, quản lý rủi ro doanh nghiệp và vạch ra chiến lược chuyển đổi tăng trưởng đột phá - chuẩn bị cho 10 năm tăng trưởng bền vững tiếp theo.

Tầm nhìn và sứ mệnh cuả NLG trong 10 năm tiếp theo, ông Quang cho biết, sẽ là chung tay kiến tạo môi trường sống, sản phẩm giá trị vì cộng đồng. NLG đặt mục tiêu trở thành công ty bất động sản tích hợp hàng đầu và sáng tạo tại Việt Nam, khu vực. Hoạt động kinh doanh bền vững, đạt doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.

Hiện NLG đang xây dựng chiến lược chuyển đổi tăng trưởng đột phá trong giai đoạn 2021-2023 sẽ tập trung tăng trưởng lợi nhuận, vẫn tập trung cho phân khúc nhà ở vừa túi tiền và triển khai trở thành chủ đầu tư cho các khu đô thị tích hợp; tiềm năng tăng trưởng cao giai đoạn 2024-2026; và trở thành thương hiệu tin cậy giai đoạn 2027-2030.

ĐHCĐ Nam Long (NLG): tự tin kế hoạch lãi 1.152 tỷ đồng, chuyển dần thành nhà phát triển khu đô thị tích hợp
Nam Long kỳ vọng đến 2030, trở thành công ty bất động sản tích hợp hàng đầu và sáng tạo tại Việt Nam, khu vực

Trong đó, giai đoạn 2021-2023, NLG đặt mục tiêu mục tiêu tăng trưởng tổng doanh thu 45.017 tỷ đồng, tăng 269% so với 3 năm trước đó. Tổng lợi nhuận sau thuế khoảng 4.342 tỷ đồng, tăng 70%.

Năm 2021, kế hoạch lợi nhuận 1.152 tỷ đồng, tăng 38%

Năm 2021, NLG đặt kế hoạch doanh số sản phẩm 13.519 tỷ đồng, doanh thu thuần 4.963 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 1.152 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến 15% bằng tiền.

Ban lãnh đạo NLG chia sẻ, với tiến độ bán hàng, tiến độ bàn giao, NLG tự tin đạt được kế hoạch đề ra

ĐHCĐ Nam Long (NLG): tự tin kế hoạch lãi 1.152 tỷ đồng, chuyển dần thành nhà phát triển khu đô thị tích hợp
Lợi nhuận giai đoạn 2021-2023 dự báo tăng 70% so với lợi nhuận 3 năm trước đó

Để thực hiện được chiến lược sao cho không lạc lối và bế tắc đầu ra, ông Quang cho biết, đã cùng các nhà tư vấn và đội ngũ lãnh đạo để đánh gía thị trường và năng lực để đưa ra hành động cụ thể.

NLG định hướng tiếp tục đẩy mạnh mảng lõi, trong đó, đối với hai mảng phát triển quỹ đất và phát triển nhà ở, NLG sẽ gia tăng hiệu quả bằng việc lập chỉ tiêu kinh doanh chiến lược 3/5/10 năm để có một kế hoạch tổng thể và tham vọng ở ngắn, trung và dài hạn. Trong ngắn hạn 3 năm, NLG dự kiến tăng trưởng doanh số trung bình 85% mỗi năm, tăng trưởng doanh thu trung bình 72% mỗi năm ở hai mảng lõi này.

Bên cạnh đó, NLG tập trung phát triển các khu đô thị tích hợp như Southgate (Waterpoint giai đoạn 1-165 ha), Mizuki 26ha, Izumi City (Waterpoint 95ha), Akari, Nam Long – Cần Thơ 43ha… chuyển đổi Nam Long dần từ nhà phát triển nhà ở “vừa túi tiền” hàng đầu thành nhà phát triển khu đô thị tích hợp. Cụ thể, phát triển thêm mảng văn phòng, bất động sản thương mại, đặc biệt xây dựng hệ sinh thái cho các dự án như trường học, bệnh viện, khu thể dục thể thao, trung tâm mua sắm… và phát triển hệ thống smart City để hỗ trợ môi trường sống tốt nhất cho cư dân và dự án của công ty.

Điều kiện để hỗ trợ tăng trưởng không thể thiếu, theo ông Quang, đó là trong năm 2021, ban lãnh đạo định hướng sẽ tái cấu trúc theo hình thức Business Unit (đơn vị kinh doanh), lúc này mỗi đơn vị kinh doanh là một trung tâm lợi nhuận (Profit Center) vận hành và cam kết thực hiện đúng kế hoạch cho toàn Tập đoàn.

Phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu

Với chỉ tiêu trên, HĐQT đề xuất chia cổ tức 2021 bằng tiền với tỷ lệ 15% bằng tiền (tạm ứng 7,5% trong tháng 12/2020, phần còn lại thực hiện sau DHCD 2021). Song song, năm 2021 NLG cũng sẽ thực hiện chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng 2019-2020 với tỷ lệ 15% (gồm 10% bằng tiền – đã tạm ứng 5% tháng 12/2020, và 5% bằng cổ phiếu dự kiến thực hiện trong quý 2/2021).

Đồng thời, NLG lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu, nguồn tiền thu về dự kiến đầu tư mở rộng quỹ đất.

Hiện, giá chưa được công bố cụ thể, tuy nhiên ban lãnh đạo dự kiến giá chiết khấu 10-15% nhưng sẽ không thấp hơn 30.000 đồng/cp, và được tính bình quân theo mức thị giá 30-60 ngày trước thời điểm phát hành.

Sau phát hành, vốn NLG dự tăng lên 3.453 tỷ đồng. Cổ phiếu chào bán sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm từ ngày phát hành, đối tượng là các tổ chức cá nhân đủ điều kiện tham gia.

Đồng thời, HĐQT cũng có tờ trình phát hành cổ phiếu theo chính sách thưởng khuyến khích dài hạn cho lãnh đạo cấp cao (ESG), dự kiến phân phối tối đa 1,5 triệu cổ phiếu và lãnh đạo cấp cao được tự do chuyển nhượng. Đây là chương trình đã được NLG triển khai từ năm 2018 và đã phát hành hơn 1,5 triệu cổ phiếu.

Tại ĐHCĐ 2020, HĐQT tiếp tục trình xin ý kiến cổ đông về chương trình phát hành cổ phiếu ESG này cho giai đoạn 2021 - 2023. Trường hợp công ty đạt 100% chỉ tiêu lợi nhuận và doanh số tích lũy cả 3 năm thì số cổ phần phát hành hơn 8 triệu đơn vị. Với trường hợp vượt chỉ tiêu, số cổ phần phát hành tối đa hơn 10 triệu đơn vị, tương đương tăng 25% so với trường hợp đầu tiên. Số cổ phần phát hành hàng năm sẽ được điều chỉnh tùy thuộc vào kế quả kinh doanh tích lũy đến năm liền kề trước đó và sẽ được ĐHĐCĐ hàng năm thông qua số lượng cụ thể của năm liên quan.

Bên cạnh đó, trong năm nay, NLG sẽ thực hiện chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng 2019-2020 với tỷ lệ 15%.

Bầu 9 thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới

ĐHCĐ cũng tiến hành bầu HĐQT nhiệm kỳ mới 2021-2026 với 9 thành viên.

Kết quả bầu cử, ông Nguyễn Xuân Quang, ông Trần Thanh Phong, ông Cao Tấn Thạch, ông Nguyễn Đức Thuấn (nhà sáng lập và Chủ tịch TBS Group) trúng cử.

5 thành viên người nước ngoài trúng cử khác là là ông Chad Ryan Ovel, Chủ tịch hiệp hội thương mại Hoa Kỳ - Amcham tại Việt Nam, ông Ziang Tony Ngo, nhà sáng lập và là chủ tịch Everest Vietnam Holding -Singapore, ông Ngian Siew Song, nguyên giám đốc điều hành tập đoàn Tropicana Bhd- Malaysia; ông Kennenth Micheal Atkinson, nhà sáng lập và cố vấn cấp cao Grant Thorton Vietnam và ông Joseph Low Kar Yew, chủ tịch Keppel Land Vietnam

Thảo luận tại đại hội

Công ty cho biết kế hoạch phải triển quỹ đất, quy mô bao nhiêu và ở đâu?

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng Giám đốc NamLongland: Về phát triển quỹ đất, NLG sẽ mở rộng quỹ đất 1 năm khoảng 2.000 tỷ đồng cho 2021.

Giai đoạn 2021-2023 đều có mức tăng trưởng 25-30%, vị trí chiến lược mà NLG hướng đến gồm có 2 mảng, cụ thể, tiếp tục phát triển mảng lõi đã làm trước đến nay là ở khu vực Hồ Chí Minh, các tỉnh lớn Long An, Đồng Nai. Đồng thời, tiếp tục mở rộng phần 2 là chuyển ra thành phố khác Hà Nội, Hải Phòng, Cần thơ.

Bất động sản tích hợp của NLG tương đối giống Vinhomes, vậy điểm khác biệt cạnh tranh là gì?

Kinh nghiệm của NLG, và làm việc cùng nhà tư vấn hàng đầu thế giới để xây dựng chiến lược phát triển trong 10 năm tới thì bất động sản tích hợp là dựa trên 5 nền tảng gồm môi trường sống, môi trường giải trí vui chơi, mua sắm, làm việc và giáo dục.

Dựa trên 5 nền tảng này, phát triển khu đô thị BDS tích hợp, từng bước đưa Nam Long từ nhà phát triển nhà ở vừa túi tiền sang tích hợp, sau 10 năm. Đây là định hướng lâu dài của tập đoàn. Và một những đô thị tích hợp mà NLG muốn phát triển là Waterpoint Southgate quy mô 355 ha.

Năm 2020, Nam Long nằm trong Top 8 nhà phát triển bất động sản uy tín và phát triển mạnh nhất Việt Nam, thì đến tháng 3/2021, NLG vươn lên vị trí Top 4.

Mỗi nhà phát triển đều có chiến lược phát triển khác nhau. Thị trường có nhiều cơ hội phát triển và phục vụ khách hàng nhiều hơn. Với NLG, định hướng phát triển khu đô thị tích hợp vừa tạo môi trường sống cư dân cũng như gia tăng gia trị sản phẩm, qua đó giúp uy tín của NLG ngay càng cao.

Lợi nhuận quý 1/2021 của Nam Long đến từ thu nhập khác 423 tỷ đồng, do chuyển nhượng dự án hay từ đâu?

Ông Châu Quang Phúc, Giám đốc tài chính NLG: trong kỳ, NLG nâng tỷ lệ sở hữu lên 65,1% tại công ty Đồng Nai Waterpoint và theo nguyên tắc kế toán được ghi nhận giá chênh lệch thị trường và giá mua.
Ông Phạm Đình Huy, Giám đốc đầu tư NLG chia sẻ thêm, lợi nhuận quý 1 phần lớn từ định giá lại từ việc tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty TNHH thành phố Waterfront Đồng Nai thực hiện theo chuẩn mực kế toán. Các công ty thường xuyên thực hiện M&A đều có khoản này. Và cũng theo quy định, mục náy ghi thẳng vào báo cáo Kết quả kinh doanh, tác động tới lợi nhuận công ty.

Tuy nhiên, trong quý, NLG cùng với công ty con - Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây dựng phát triển Nam Khang đã hoàn tất đợt bán ra hơn 21,3 triệu cổ phiếu quỹ. Tổng số tiền thu về từ 2 giao dịch khoảng 700 tỷ đồng.

Trong đó, giá vốn của Nam Khang bán 11,3 triệu cổ phiếu, gía vốn chỉ khoảng 6.000-7.000 đồng/cp, mang về khoảng 260 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, còn Nam Long bán 10 triệu cổ phiếu quỹ mua từ năm 2019, mang về 50-60 tỷ đồng lợi nhuận. Tính chung 2 khoản này mang về hơn 300 tỷ đồng. Nhưng theo chuẩn mực kế toán, không ghi nhận khoản này vào bảng KQKD mà ghi trong thặng dư vốn.

Theo đó, nhiều cổ đông cũng thắc mắc, khoản lợi nhuận không bằng tiền lại ghi trong báo cáo thu nhập, còn phần bằng tiền thực về công ty lại ghi trong bảng cân đối kế toán – theo đó, cổ đông có thể chú ý thêm khoản mục này. Vốn chủ NLG trong quý 1 tăng cũng rất tốt.

So với DN BĐS khác, NLG sử dụng đòn bẩy thấp, chiến lược vay nợ trong tương lai, có định vay thêm để đi nhanh hơn không

Ông Phúc cho biết: Năm 2021, NLG có dự định 2 khoản vay, gồm vay phát triển dự án NLG Long An 190 ha, đã làm với ÌFC để phát hành trái phiếu; và khoản vay gần 1.000 tỷ đồng cho phát triển mua đất mới trong năm, tổng tỷ lệ nợ vốn/VCSH duy trì ở 0,55%.

Công ty cho biết vì sao ĐHCĐ 2019 công ty có đề cập tổng lợi nhuận 9.000 tỷ đồng từ 3 dự án làm cùng đối tác Nhật, điểm rơi lợi nhuận 2021-2022, nhưng hôm nay lại chia sẻ kế hoạch 2021-2023 chỉ 4.342 tỷ đồng?

Về tổng lợi nhuận dự kiến của 3 dự án khoảng 9.000 tỷ đồng, là các dự án liên doanh làm cùng NDT Nhật Bản góp 50% vốn, nên tổng lợi nhuận chia về cho NLG là 50%. Giai đoạn 2021-2023 ghi nhận dự án Mizuki, Akira, Izumi, Paragon tổng lợi nhuận hơn 4.000 tỷ đồng.

Về kế hoạch mở bán, dự án Izumi sắp mở bán, Paragon thì năm sau mở bán

Hiện nay giá VLXD có xu hướng tăng, như giá thép xây dựng, ảnh hưởng gì tới kế hoạch DT, LN các năm sau. Công ty có kế hoạch tăng giá bán sản phẩm không?

Theo thống kê, giá thép tăng từ năm 2020 tới nay là 20-30% tuỳ thị trường, là áp lực lớn khiến giá thành, chi phí xây dựng tăng. NLG đã có kế hoạch trước các dự án phát triển trong năm nên vẫn tiếp tục thực hiện dự án, tuỳ theo tình hình và hấp thụ thị trường thì có thể có điều chỉnh giá bán trong thời gian tới

Để thu hút nhà đầu tư mua nhà, NLG có chương trình kích cầu đối với cổ đông mua nhà với các ưu đãi như các công ty bất động sản khác đang áp dụng như NVL, DXG hay không?

Ông Nguyễn MinH Quang, giám đốc kinh doanh và tiếp thị: về ưu đãi cho cổ đông khi mua sản phẩm bất động sản Nam Long thì công ty đã làm từ năm 2015-2016, nhưng từ 2018-2019 chương trình này tạm dừng. Khi cổ đông để cập cho thấy, cổ đông có sự quan tâm sản phẩm công ty, vì vậy, thời gian tới, tuỳ vào các chương trình bán hàng có thể cân nhắc đưa ra các mô hình tương tự cho quý cổ đông khi mua sản phẩm công ty.

NLG định hướng xây dựng mô hình Ecosytem trong các dự án của mình, vậy nguồn lực của NLG ra sao, sẽ M&A hay tự làm, và xây dựng hệ sinh thái đa phần bù lỗ các năm đầu thì bài toán tài chính NLG tới đâu?

Nếu nhìn cụ thể từng hạng mục trong hệ sinh thái thì trong 3-5 năm tới cần rất nhiều tiền, nhưng nếu nhìn tổng thể, mình bỏ 1 đồng phát triển hệ sinh thái thì lợi ích thu về từ đó lớn hơn rất nhiều trong tương lai. NLG sẵn sàng san sẻ nguồn lực, hỗ trợ từ phát triển nhà ở sang phát triển hệ sinh thái.

Với định hướng của NLG chia 15% cổ tức hàng năm, so với thị giá NLG dao động 35.000 đồng/cp, thì tỷ suất cổ tức chỉ khoảng dưới 5%, HDQT có giải pháp nào tối đa hoá giá trị cổ phiếu cho cổ đông?

Ông Huy cho rằng, nói về thị giá cổ phiếu thì vô chừng. Nếu so sánh giá từ đầu 2020 đến cuối năm 2020 thì cổ phiếu NLG outperform so với các cổ phiếu, nhưng từ đầu năm 2021 đến nay thì như cổ phiếu DXG có các hoạt động khác, nên họ có giá tăng tốt hơn.

Làm sao để giá cổ phiếu tăng tốt thì HDQT cũng như Ban Lãnh đạo NLG luôn nhìn nhận, phải đi theo phát triển bền vững, không theo trào lưu, theo deal. Giá cổ phiếu NLG hiện nay phản ánh hoàn toàn từ kỳ vọng của nhà đầu tư về lợi nhuận của NLG trong tương lai về doanh thu, lợi nhuận, presales, quỹ đất…

Hiện pre-sales của NLG đánh giá tầm 5.000-6.000 tỷ đồng đã có cho năm 2021. Kế hoạch doanh số sản phẩm 2021 NLG là 13.500 tỷ đồng thì việc thực hiện preslaes sẽ rất quan trọng trong việc đánh giá về giá trị cổ phiếu, vì phản ánh doanh thu, lợi nhuận tương lai của NLG. Theo đó, NDT nên theo dõi presale của NLG.

Ngay ngày mai, NLG sẽ mở bán gần 700 căn hộ của Mizuki, khoảng hơn 1.800 tỷ đồng. Tính toán từ đầu năm đến nay, cộng với mở bán dự án ngày mai thì bằng presale cả năm 2020. Theo đó, quy mô presale 2021 sẽ định đoạt giá cổ phiếu NLG.

Về Tỷ lệ trả cổ tức, nhìn lại quá trình trả cổ tức, mỗi năm 15-20% cổ phiếu, tiền mặt.Tỷ lệ trả cổ tức này là chiến lược trước đây các ngành nghề kinh doanh đặc thù như ngân hàng, chứng khoán - năm nay tăng vốn rất nhiều, thì bất động sản cũng vậy, cần tăng vốn điều lệ để tăng quy mô và năng lực tài chính để làm dự án.

Các năm qua, NLG năm nào cũng tăng là vì vậy, nhưng chiến lược phát hành 2021-2023 sẽ có thay đổi một chút. Năm 2021, NLG sẽ phát hành bao gồm cổ tức bằng cổ phiếu năm 2020, trả cổ phiếu thưởng năm 2019 và phát hành riêng lẻ. Khi nhìn góc độ công ty, thì lượng cổ phiếu phát hành trong năm nay sẽ đáp ứng nhu cầu tăng vốn điều lệ cho cả 3 năm tới. Nên chiến lược phát hành cần nhìn cho cả 3 năm, thay vì từng năm.

Về tỷ lệ trả cổ tức, giá 35.000 đồng/cp, cổ tức tiền mặt 15%, nếu nhà đầu tưmua và nắm giữ nhận cổ tức thì thì so sánh con số này so với gửi tiết kiểm thì hấp dẫn hơn hẳn, chưa bao gồm tăng trưởng cổ phiếu từ kết quả kinh doanh mỗi năm 20-30%.

Công ty có nên cân nhắc Phát hành riêng lẻ thay bằng phát hành trái phiếu không?

Ông Huy cho biết, phát hành riêng lẻ giúp tăng VCSH thì khả năng phát hành trái phiếu cũng sẽ tăng, nên đây sẽ là 2 phương án đi cùng nhau.

Vì sao phải chiết khấu 10-15% khi phát hành riêng lẻ, cổ phiếu tốt thì sao phải bán giá rẻ?

Ông Huy cho biết, do phát hành riêng lẻ đặc thù là nguyên tắc xây dựng giá theo giá thị trường, và nhà đầu tư mua số cổ phiếu này cũng bị lock 1 năm. Trong 1 năm đó giá cả có biến động họ cũng không làm được gì. Mức chiết khấu 10-15% là xin trước khung chung, còn tuỳ thuộc vào định giá, dựng sổ mới quyết định mức chiết khấu chi tiết.

NLG chia sẻ về pháp lý dự án mới ở TP.HCM có cải thiện gì so với các năm qua?

Ông Quang: Pháp lý tại TP. HCM tắc từ 2017 đến nay, nhưng tôi nghĩ tình trạng pháp lý sắp tới sẽ cải thiện. Bên cạnh đó, các sở ban ngành Thành phố cũng đã nỗ lực tháo gỡ cho DN. Cụ thể việc ngày mai NLG mở bán dự án Mizuki đã đủ pháp lý để làm – cho thấy có dấu hiệu cởi mở hơn.

Đánh giá thị trường nhà ở vừa túi tiền ở HCM, hiện giá bất động đang tăng mạnh, khả năng không còn các dự án phân khúc này hay không?

Ông Quang cho biết, ở TP.HCM, có thể nói là “tiệt chủng” nhà ở giá rẻ. Nhưng nhìn thêm góc độ khác, nhu cầu nhà ở rất lớn, các đợt mở bán của Nam Long đều nhận được quan tâm, khách hàng xếp hàng để mua ở các dự án như Ehome, Ehome S.

Ngoài ra, bản thân Chính phủ cũng muốn phát triển hơn phân khúc này, về ý chí, Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường xây dựng chính sách để hỗ trợ xây dựng nhà thương mại gía rẻ - dù cần thêm thời gian để hiện thực hoá.

Với Nam Long, đã có kinh nghiệm, chuyên nghiệp trong việc phát triển phân khúc này. Các đối tác Nhật Bản cũng ủng hộ. Theo đó, Nam Long vẫn sẽ phát triển sản phẩm phân khúc này ít nhất 10-20 năm nữa.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
37.55 -0.35 (-0.92%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả