menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Phi Điệp

ĐH Lao động – Xã hội cơ sở II: Cần làm rõ bất thường trong gói thầu mua sắm giá cao

Chuyên gia kinh tế, TS.Lê Đăng Doanh đề nghị, với dấu hiệu chênh lệch giá cao gần 1,8 tỷ đồng ở gói thầu của trường đại học Lao động – Xã hội cơ sở II so với giá thị trường thì cần xem lại toàn bộ quy trình thực hiện gói thầu, để có cơ sở kết luận, đánh giá sự việc.

Nhiều sản phẩm có dấu hiệu chênh lệch giá cao

Trong việc đấu thầu mua sắm nói chung và đấu thầu mua sắm trang thiết bị ngành giáo dục nói riêng có rất nhiều hạng mục hàng hóa với những tính năng, công suất, hiệu quả sử dụng khác nhau. Nếu như quản lý không chặt chẽ thì việc đấu thấu mua sắm rất dễ gây thất thoát lãng phí mặc dù luật pháp về lĩnh vực này hiện khá đầy đủ.

Thời gian vừa qua, ở một số nơi, một số ngành, có hiện tượng không thực hiện nghiêm túc luật Đấu thầu mà Quốc hội đã thông qua và các văn bản hướng dẫn khác, nên nổi lên một số sự việc vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Đã có cá nhân, cơ quan, tổ chức đã bị xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm.

Chúng tôi có niềm tin rằng, những vi phạm nghiêm trọng như thế sẽ không xảy ra ở gói thầu của trường đại học Lao động – Xã hội cơ sở II khi nghiên cứu và tìm hiểu tài liệu về giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, chênh lệch giá hàng hóa ở gói thầu so với giá thị trường lên tới gần 1,8 tỷ đồng là con số đáng để suy ngẫm.

Cụ thể, theo Quyết định số 660/QĐ-CSII ngày 21/12/2021, Giám đốc trường đại học Lao động - Xã hội cơ sở II TP.HCM Phạm Ngọc Thành phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: Cung cấp, lắp đặt thiết bị phòng học thuộc dự án: Cơ sở II trường đại học Lao động - Xã hội. Đơn vị trúng thầu là công ty TNHH Công nghệ Mas.

Gói thầu này có giá dự toán 6.284.895.000 đồng (Bằng chữ: Sáu tỷ, hai trăm tám mươi tư triệu, tám trăm chín mươi lăm nghìn đồng), giá trúng thầu là 6.057.024.500 đồng (Bằng chữ: Sáu tỷ, không trăm năm mươi bảy triệu, không trăm hai mươi tư nghìn, năm trăm đồng), tiền tiết kiệm sau đấu thầu là 227.870.500 đồng, đạt tỉ lệ 3,62 %.

Nhiều hàng hóa được mua sắm ở gói thầu này có giá cao hơn thị trường. Có thể dẫn dụ một số sản phẩm như bàn hội trường BHT12DH12 của Hòa Phát có đơn giá tại gói thầu là 4.500.000 đồng/cái, tuy nhiên mã sản phẩm BHT12DH12 đang được bán trên thị trường với giá 2.407.000 đồng/cái, chênh lệch 2.093.000 đồng/cái. Với số lượng 96 cái, tổng số tiền chênh lệch là 200.928.000 đồng.

Ghế hội trường TC310 của Hòa Phát có đơn giá tại gói thầu là 3.550.000 đồng/cái, thị trường đang bán ghế này với giá 2.300.000 đồng/cái. Tổng số tiền chênh lệch của 192 cái ghế hội trường là 240.000.000 đồng.

Hệ thống phụ trợ giảng dạy 70UP7800PTB có đơn giá tại gói thầu là 30.000.000 đồng/cái. Tuy nhiên, thị trường đang bán sản phẩm này với giá 19.500.000 đồng/cái. Với số lượng 18 cái, tổng số tiền chênh lệch là 189.000.000 đồng.

ĐH Lao động – Xã hội cơ sở II: Cần làm rõ bất thường trong gói thầu mua sắm giá cao
Chi tiết bảng so sánh giá do phóng viên nghiên cứu và thực hiện.

Phóng viên vẫn chưa tiến hành nghiên cứu hết toàn bộ hàng hóa, tuy nhiên, quá trình tìm hiểu 16 mã hàng được mua sắm, gói thầu đã có dấu hiệu đội giá cao hơn giá thị trường, số tiền chênh lệch là 1.770.379.800 đồng (Bằng chữ: Một tỷ, bảy trăm bảy mươi triệu, ba trăm bảy mươi chín nghìn, tám trăm đồng).

Trước những dấu hiệu đội giá mua sắm gói thầu nêu trên, phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật đã liên hệ đặt lịch làm việc với trường đại học Lao động - Xã hội cơ sở II – TP.HCM để làm rõ. Tuy nhiên, cho tới nay, đơn vị vẫn chưa có câu trả lời chính thức về vấn đề này.

Đề nghị lập hội đồng kiểm tra độc lập

Trao đổi với phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) cho rằng: “Trong hoạt động đấu thầu nói chung, đã có hiện tượng “quân xanh quân đỏ”, có khi chỉ 2-3 đơn vị tham dự thầu trong đó, một đơn vị tham gia để trúng thầu còn các đơn vị khác “nhấp nháy” với nhau để đi đêm. Đó chính là một trong những yếu tố gây thất thoát ngân sách Nhà nước”.

Cho ý kiến về dấu hiệu mua sắm giá cao tại gói thầu của trường đại học Lao động - Xã hội cơ sở II như phóng viên phản ánh, ông Tiến đưa quan điểm: “Có dấu hiệu của hiện tượng thông thầu hoặc là nâng giá thầu lên để hưởng lợi. Cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan có trách nhiệm cần phải vào cuộc để trả lời người dân xem có hiện tượng bắt tay nhau, đi đêm với nhau để hưởng lợi ích chênh lệch qua việc mua sắm trang thiết bị trong gói thầu này không. Có lợi ích nhóm giữa bên mua, bên bán, bên mời thầu, bên thẩm định giá hay không?”.

“Cuối cùng “trăm dâu đổ đầu tằm”, các thiết bị đắt lên thì cha mẹ hoặc phụ huynh học sinh phải chịu. Ngoài thất thoát về ngân sách Nhà nước có khi họ tính mức giá thành chênh lệch ấy vào học phí hoặc vào sự đóng góp của phụ huynh học sinh. Vì vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc xem sự việc trắng đen thế nào.

Sau khi xác định được rồi thì công bố công khai, nếu có người cố tình vi phạm pháp luật, lợi dụng đấu thầu để vụ lợi thì cần đưa ra hình thức xử lý thật nghiêm minh”, ông Lê Như Tiến nói thêm.

Còn theo ý kiến của TS.Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế: “Việc đấu thầu phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của luật pháp và phải được thực hiện công khai minh bạch một cách thực chất. Nhìn ở góc độ kinh tế, hàng hóa vào gói thầu cũng được xem như bán buôn, giá phải rẻ hơn thị trường bán lẻ.

Tôi cho rằng, với chênh lệch giá như vậy rất cần sự đánh giá lại toàn bộ quy trình thực hiện gói thầu. Nhưng ai đánh giá và đánh giá như thế nào? Bây giờ để trường đại học Lao động – Xã hội cơ sở II hay cơ quan chủ quan của trường rà soát thì sẽ có những kêu ca không khách quan - xôi chấm xôi, tay phải rửa tay trái thì không sạch được. Tự giám sát chỉ là kết quả để tham khảo, không thỏa mãn yêu cầu khách quan và khoa học.

Trường hay cơ quan chủ quản của trường rà soát, thanh tra chỉ là một bước, tốt nhất là lập hội đồng độc lập với các chuyên gia độc lập chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự tham gia của mình”.

“Chênh lệch giá gần 1,8 tỷ đồng thì không phải là nhỏ. Có nghi vấn thì tốt nhất là cơ quan chủ quản của trường đại học Lao động - Xã hội cơ sở II nên lập một hội đồng chuyên gia độc lập thẩm tra rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện gói thầu, trên cơ sở đó để kết luận và đánh giá sự việc”, vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Công ty TNHH Công nghệ Mas (mã số thuế: 0102241685; địa chỉ trụ sở: số 16 ngõ 52 phố Tạ Quang Bửu, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Kết quả phân tích dữ liệu của phần mềm đấu thầu cho thấy, công ty TNHH Công nghệ Mas đã tham gia 16 gói thầu, trong đó trúng 13 gói, trượt 2 gói, 1 chưa có kết quả, 0 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu: 37.210.493.700 đồng. Các tỉnh thành đã tham gia thầu: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Công ty này đã từng đấu với 7 nhà thầu trong 5 gói thầu, thắng 3 gói, thua 1 gói, 1 chưa có kết quả, 0 gói đã bị huỷ; đã từng liên danh với 2 nhà thầu trong 2 gói thầu, thắng thầu 2 gói, thua 0 gói, 0 chưa có kết quả, 0 gói đã bị huỷ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại