Deutsche Bank dự báo Mỹ sẽ suy thoái vào cuối năm 2023
Cuộc chiến chống lạm phát của Fed sẽ châm ngòi cho cuộc suy thoái tại Mỹ vào cuối năm 2023, Deutsche Bank cảnh báo trong ngày 05/04.
Đây là ngân hàng đầu tiên dự báo Mỹ rơi vào suy thoái và phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng về động thái thắt chặt tiền tệ từ phía Fed. Ngân hàng này lo ngại Fed sẽ hãm phanh nền kinh tế quá mạnh đến nỗi sẽ chấm dứt đà hồi phục trong 2 năm qua.
"Chúng tôi không còn thấy Fed có thể tạo tình huống ‘hạ cánh mềm’ nữa. Thay vào đó, chúng tôi dự đoán rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ đẩy nền kinh tế vào bờ vực suy thoái", các chuyên gia kinh tế của Deutsche Bank viết trong báo cáo.
Dự báo này phần lớn thể hiện sự lo ngại về đà tăng nóng của lạm phát, với giá tiêu dùng (CPI) tăng nhanh nhất trong 40 năm. Hy vọng lạm phát sẽ nhanh chóng hạ nhiệt đã tan biến, một phần là do cuộc chiến ở Ukraine.
Áp lực lạm phát ngày càng lan rộng và làm dấy lên lo ngại rằng Fed sẽ phải nhanh chóng tăng lãi suất để kiểm soát giá cả. Deutsche Bank chỉ ra giá năng lượng và thực phẩm đã tăng vọt kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.
Các nhà kinh tế của Deutsche Bank viết: “Rõ ràng là sự ổn định giá cả... chỉ có thể đạt được thông qua lập trường thắt chặt tiền tệ, làm giảm nhu cầu một cách có khéo léo”.
Nói cách khác, để kiểm soát lạm phát, Fed không thể chỉ hãm phanh đà phục hồi của nền kinh tế mà còn phải mạnh tay hơn.
Thống đốc Fed, Lael Brainard cho biết hôm thứ Ba, Fed sẽ cần "nhanh chóng" giảm quy mô của bảng cân đối kế toán và tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát. Trong một bài phát biểu, Brainard cho biết: “Điều quan trọng nhất vẫn là làm giảm lạm phát".
Suy thoái nhẹ và tỷ lệ thất nghiệp 5%
Deutsche Bank thận trọng cho rằng vẫn chưa chắc chắn về thời điểm và quy mô của cuộc suy thoái. Tuy vậy, ngân hàng này hiện dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ suy giảm trong quý cuối cùng của 2023 và quý đầu tiên của năm 2024.
Tin tốt là Deutsche Bank không cho rằng sẽ có một cuộc suy thoái nặng nề và đau đớn như hai cuộc suy thoái trước đó.
Thay vào đó, Deutsche Bank dự báo Mỹ chỉ suy thoái “nhẹ", với tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh trên 5% vào năm 2024. Trong 2 cuộc suy thoái gần đây, tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh ở mức 14.7% năm 2020 và 10% vào năm 2009.
“Sau khi chạm đỉnh, tỷ lệ thất nghiệp chỉ giảm chậm chạp và lạm phát có thể tiếp tục hạ nhiệt, giảm về mục tiêu 2% của Fed trong năm 2025”, Deutsche Bank cho biết.
Một số chuyên gia khác đã cảnh báo về khả năng suy thoái ngày càng tăng, mặc dù hầu hết đều không cho rằng sẽ có một cuộc suy thoái nặng nề.
Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's Analytics nói với CNN cuối tháng trước rằng có ít nhất 30% xác suất xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới. “Rủi ro suy thoái cao một cách khó chịu và ngày càng tăng,” Zandi nói. Tương tự, Goldman Sachs cho rằng rủi ro suy thoái đã lên tới 35%.
“Xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt Nga ít nhất sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu giảm tốc và thậm chí có thể còn tồi tệ hơn nữa”, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon viết trong lá thư gửi cổ đông thường niên vào ngày 04/04. Bên cạnh đó, ông gợi nhớ lại cuộc khủng hoảng năm 1973 khi giá năng lượng tăng phi mã đã đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái.
Trong một bài phát biểu vào tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell chỉ ra rằng đã có những trường hợp trong quá khứ mà Fed có thể tạo ra tình huống “hạ cánh mềm”: Chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất mà không gây ra suy thoái, chẳng hạn như năm 1965, 1984 và 1994.
Tuy nhiên, người đứng đầu Fed cũng thừa nhận rằng không có gì đảm bảo rằng lịch sử sẽ lặp lại trong điều kiện hiện tại.
Ông Powell cho biết: "Không ai kỳ vọng rằng việc giúp nền kinh tế hạ cánh mềm sẽ dễ dàng trong bối cảnh hiện tại. Có rất ít điều mà ta có thể chắc chắn trong bối cảnh hiện tại”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận