Dệt may Thành Công… nhặt được vàng rơi
Có một cổ phiếu gây sốt khi tăng một mạch từ mức giá 20.000 đồng lên 110.000 đồng chỉ trong vòng 6 tháng qua, đó chính là trường hợp của Công ty Dệt May Thành Công (TCM). Nguyên nhân khiến giá cổ phiếu TCM tăng mạnh là kết quả kinh doanh vượt trội của doanh nghiệp này so với ngành.
Đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành dệt may Việt Nam có được cơ hội xuất khẩu sản phẩm khẩu trang, đồ bảo hộ y tế... bù đắp cho sự thiếu hụt các đơn hàng may mặc truyền thống. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành lại phải đối mặt với việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Việc không tự sản xuất được vải khiến nhiều doanh nghiệp không có nguyên liệu cho các đơn hàng phục vụ nhu cầu y tế.
Nhưng thách thức lại mang đến cơ hội cho TCM nhờ chuỗi sản xuất khép kín “từ sợi trở đi”. Nhờ đó doanh thu năm 2020 của TCM chỉ giảm 4,8% so với mức giảm 17,7% của các doanh nghiệp cùng ngành đang niêm yết. Đặc biệt, việc thiếu hụt sản phẩm chống dịch trên toàn thế giới đã kéo giá khẩu trang và sản phẩm bảo hộ y tế tăng giá, giúp biên lãi gộp của TCM tăng lên 17,8% so với mức 15,8% của năm 2019. Kết quả là lợi nhuận ròng của công ty tăng trưởng 27,6%, vượt trội so với mức giảm 23,5% của các doanh nghiệp niêm yết khác.
Khởi đầu năm 2021, ngành dệt may Việt Nam đã đón nhận thông tin lạc quan khi ước tính giá trị xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm đạt 4,76 tỷ USD tăng 4,2% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký kết những đơn hàng đến hết quý I/2021, thậm chí có những doanh nghiệp có đơn hàng đến giữa năm. Cùng với xu hướng chung của ngành, đơn hàng may mặc của TCM cũng đang kín đơn hàng đến giữa năm.
Nhưng động lực khác gây phấn khích cho TCM chính là mâu thuẫn Trung - Mỹ. Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ông Trần Như Tùng – Thành viên hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc TCM cho biết: "Việc nhiều nhà sản xuất phương Tây từ chối mua bông vải xuất xứ Tân Cương, Trung Quốc tạo cơ hội cho những doanh nghiệp bán vải trong nước. Bởi, một khi những đơn vị không mua hàng được sẽ chuyển sang mua ở Việt Nam”. Uớc tính quý I năm nay, lợi nhuận ròng của TCM tăng gấp đôi lên 2,6 triệu USD, tương đương 61 tỷ đồng mức cao nhất trong các quý đầu tiên trong năm từ trước đến nay.
Theo chứng khoán Mirae Asset, từ năm nay TCM bắt đầu thành công khi gia nhập vào chuỗi giá trị của Adidas, đây là nhóm hàng được dự báo tăng trưởng mạnh trên thế giới trong và sau đại dịch. Hiện đơn hàng Adidas ước lượng lấp đầy công suất 12 triệu sản phẩm/năm của nhà máy Vĩnh Long. Ngoài Adidas, các khách hàng khác của công ty còn là các thương hiệu nổi tiếng khác Lacoste, New Balance.... Điều này được kỳ vọng sẽ đảm bảo đơn hàng trong dài hạn cho công ty.
Không chỉ mảng may mặc thuận lợi, mảng vải và mảng sợi cũng ghi nhận kết quả tích cực nhờ nhu cầu trong nước gia tăng khi các doanh nghiệp chủ động tìm các nhà cung cấp để tuân thủ theo quy tắc xuất xứ của các hiệp định tự do thương mại lớn. “CPTPP và EVFTA tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu tại Hàn Quốc và Nhật Bản, vốn là 2 thị trường lớn và truyền thống khi đóng góp từ 45 –50% tổng doanh thu xuất khẩu của TCM trong các năm qua. Ở các thị trường còn lại, chúng tôi nhận thấy có sự dịch chuyển phù hợp với xu hướng phát triển”, chứng khoán Mirae Asset nhận định.
Thực tế là so với năm 2016, tỷ trọng xuất khẩu của TCM sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông đã giảm mạnh lần lượt từ 25% và 8% về 10,40% và 0,71%. Thay vào đó tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng gấp đôi từ 13% lên 26% hay thị trường châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng đến 50% trong 2 tháng đầu năm nay. Ngoài thị trường Mỹ, hiệp định CPTPP sau khi được ký kết tạo cơ hội cho TCM hướng đến hai thị trường khác hứa hẹn là Úc và Canada. Đến năm 2020, những thành quả đã được ghi nhận khi thị trường Canada vươn lên xếp thứ 4 với tỷ trọng 7,75%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận