24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồ Anh Tài
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dệt may đối mặt với ‘xu thế ngược’

Thị trường quốc tế “lạnh” dần đang đe dọa ngành dệt may. Trong bối cảnh đó, ngành dệt may cần những chính sách hỗ trợ mới và phù hợp hơn để duy trì phục hồi và tạo giá trị lan tỏa.

8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 31,2 tỷ USD, tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021. Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đây là mức tăng kỷ lục của ngành dệt may trong 10 năm qua, cho thấy khả năng tận dụng tốt những cơ hội của ngành.

Trong đó, không thể không nhắc đến những sự hỗ trợ kịp thời từ phía chính sách vĩ mô, giúp duy trì lực lượng lao động cũng như bảo đảm nguồn lực cho doanh nghiệp. Việc Việt Nam mở cửa sớm hơn các đối thủ cạnh tranh như Bangladesh hay Ấn Độ cũng giúp ngành dệt may Việt Nam tranh thủ được đà phục hồi.

Thực tế, trong suốt giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn, dệt may vẫn duy trì vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi luôn đứng thứ nhất về thặng dư thương mại. Tận dụng những cơ hội đến từ các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, dệt may có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, theo ông Trường, dệt may lại đang phải đối diện với “xu thế ngược” khi thị trường quốc tế đột nhiên “lạnh” dần. Bất ổn địa chính trị, lạm phát tăng cao khiến những biểu hiện suy thoái kinh tế toàn cầu đang ngày càng trở nên rõ rệt. Do đó, cầu thế giới đang và sẽ tiếp tục giảm mạnh. Giá hàng dệt may cũng đang rơi vào đà giảm dù mức lạm phát tại các thị trường lớn đều đang tăng cao.

Với tình trạng này, nếu trong 8 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng dệt may xuất khẩu được khoảng hơn 3,7 tỷ USD thì lãnh đạo Vinatex dự báo, 4 tháng cuối năm trung bình chỉ xuất khẩu được khoảng hơn 3,1 tỷ USD. Thị trường vẫn sẽ giữ tình trạng trầm lắng như vậy cho đến cả năm 2023.

Trong khi đó, các quốc gia đối thủ của Việt Nam trong ngành hàng dệt may như Ấn Độ, Bangladesh… cũng đã áp dụng chính sách hỗ trợ, mở cửa trở lại để sản xuất và xuất khẩu bình thường.

Tình trạng này đặt ngành dệt may vào thách thức lớn. Không chỉ dệt may mà nhiều ngành hàng sản xuất khác cũng đang phải đối diện với những khó khăn tương tự, có nguy cơ làm giảm khả năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, đồng thời đe dọa tới sinh kế của người lao động.

Không chỉ đối mặt với thách thức thị trường, doanh nghiệp dệt may cũng đang rơi vào bài toán khó khi vận dụng chính sách vào thực tiễn.

Ông Trường chỉ ra, doanh nghiệp dệt may khi nhập khẩu nguyên vật liệu thì được miễn thuế, tuy nhiên khi mua nguyên vật liệu trong nước lại phải nộp thuế VAT, nộp thêm cả thuế nhập khẩu, đợi đến khi xuất khẩu mới được hoàn trả. Như vậy, trung bình doanh nghiệp phải chi trả thêm 24% giá trị khi mua nguyên vật liệu trong nước.

Tiếp theo đó là khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là kể từ tháng 7. Doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vay nên bị hạn chế khả năng mua nguyên vật liệu, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Ngay cả doanh nghiệp lớn như Vinatex, trong việc tiếp cận vốn được giảm 2% lãi suất mới chỉ tiếp cận được khoảng 140 tỷ đồng.

Từ đó, ông Trường đề nghị, trong ngắn hạn cần tháo gỡ khó khăn nhập khẩu nguyên vật liệu thông qua chính sách miễn giảm thuế VAT và thuế nhập khẩu, từ đó không chỉ giúp hỗ trợ ngành dệt may mà còn tạo ra tính lan tỏa lợi ích tới các doanh nghiệp cung ứng trong nước.

Về tín dụng, ông Trường để nghị cân nhắc việc hỗ trợ lãi suất khoản vay ngắn hạn để mua nguyên vật liệu bằng ngoại tệ, bởi vay ngắn hạn là đặc biệt quan trọng trong việc duy trì sản xuất kinh doanh của những ngành hàng vẫn duy trì được đơn hàng như dệt may.

Nói về tầm nhìn trung hạn, lãnh đạo Vinatex nhận xét, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là hướng đi của ngành dệt may. Tuy nhiên, để đi theo hướng này, doanh nghiệp cần suất đầu tư vốn và chi phí vận hành cao, vì vậy cần được xem xét hỗ trợ thêm để đạt được hiệu quả.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả