Đến lúc tính chuyện ‘mở cửa’ kinh tế TP.HCM: Không thể bó hẹp trong địa giới hành chính
Hôm qua, tại buổi làm việc với quận 7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh thành phố sẽ từng bước mở cửa để bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế và người dân, doanh nghiệp đang trông chờ việc này.
Phải tính phương án liên vùng
Cụ thể, theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, thành phố đang tính giao quận 7 và huyện Củ Chi làm thí điểm mở cửa lại trước khi nhân rộng. Nhưng ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và truyền thông (IPS) cho rằng “bình thường mới” nếu chỉ bó hẹp trong giới hạn địa giới hành chính 1 quận, huyện là nhìn trên cấp độ sinh hoạt của hộ gia đình, không phải “bình thường mới” dựa trên sự vận hành của một hệ thống kinh tế, xã hội. Với nền kinh tế mở, kết nối toàn cầu như hiện nay, không thể đặt nền móng cho sự mở cửa bắt đầu theo giới hạn hành chính bằng cách thí điểm tại quận, huyện. Thay vào đó, phải nhìn trên 2 yếu tố: Chuỗi giá trị từng ngành và rộng hơn là hệ sinh thái của kinh tế. Vì thế, TP.HCM mở cửa phải nhìn trên liên vùng. Chuỗi cung ứng không giới hạn theo địa bàn hành chính nên phải liên hệ với các vùng, dựa theo đó mới đi vào từng ngành và lĩnh vực cụ thể để bắt đầu mở cửa. Cụ thể, danh mục ưu tiên mở cửa phải là những đối tượng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thuộc hệ thống lương thực, phực phẩm, chợ, hệ thống sản xuất phục vụ hàng thiết yếu. Mở cửa như vậy là liên vùng, theo chuỗi cung ứng hàng hóa từ khâu nhập khẩu nguyên vật liệu cho tới logistics, hệ thống phân phối… Phải tính tới tất cả các nhân tố của chuỗi, từ đó tạo ra hướng dẫn chi tiết cho việc ưu tiên di chuyển, kiểm soát cho tất cả những người tham gia vào chuỗi cung ứng. “TP.HCM cần xác định sống chung với dịch là cả tiến trình lâu dài. Biến thể virus, hiệu quả của vắc xin với các biến thể là những biến tố bất định, chưa rõ ràng. Thành phố bắt buộc phải dự trù cho những phương án dài hơi. Trong đó, nguyên tắc đầu tiên là phải có bảng đánh giá rủi ro tổng quan tất cả các ngành kinh tế, từ tới chi tiết, đặc điểm từng ngành cho tới mối quan hệ giữa các ngành, lĩnh vực. Thứ hại, ưu tiên cho những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, đủ điều kiện di chuyển an toàn. Điều kiện thứ 3 là kết hợp kiểm soát theo 3 cấp độ vùng xanh – vùng cam – vùng đỏ mà TP.HCM đang triển khai nhưng không dựa trên giới hạn địa giới hành chính mà mang tính chất liên ngành, liên địa giới. Nguyên tắc thứ 4 là triệt để 1 đầu mối để áp dụng công nghệ một cách tối đa. Công nghệ sử dụng tốt, nắm được các dữ liệu quan trọng để xây dựng bản đồ dịch bệnh 1 cách hiệu quả và chi tiết thì mới xây dựng được chính sách mở cửa hiệu quả” – Viện trưởng IPS nêu quan điểm.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cũng cho rằng TP.HCM nằm trong mắt xích quan trọng với sự kết nối nguyên liệu vùng. Chẳng hạn, nhiều nhà máy tại khu công nghiệp TP.HCM sử dụng hoàn toàn nguyên liệu nông sản từ các tỉnh miền Tây, nguyên vật liệu từ Đồng Nai, Bình Dương và ngược lại. Thế nên, bàn chuyện mở cửa kinh tế phải tính các tỉnh lân cận, thậm chí khu vực phía Nam. TP.HCM cần ngồi lại với các tỉnh để bàn tính mở cửa thế nào. Giả sử thành phố mở thông thoáng hơn cho logisitcs, thủ tục xuất khẩu, nhưng vận chuyển lúa gạo từ miền Tây lên để xuất đi từ cảng TP.HCM không được, do một địa phương nào đó ở tỉnh vẫn đang “bế quan tỏa cảng” thì cũng công cốc.
Đồng tình, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Group đánh giá hiện nay, mỗi tỉnh chống dịch 1 kiểu, mỗi nơi đưa ra các bộ quy tắc khác nhau, không có phối hợp nên gây ách tắc - gãy đổ chuỗi cung ứng. Trong khi đó, giao lưu lao động và chuỗi cung ứng giữa TP.HCM và 5 tỉnh Đông Nam Bộ rất lớn và khá chặt chẽ. Các tỉnh không an toàn thì TP.HCM cũng sẽ ko an toàn. “UBND TP.HCM nên ngồi ngay lại thảo luận, cùng các tỉnh Đông Nam Bộ lập thành 1 kế hoạch chống dịch chung để thống nhất hành động, giảm thiểu lây lan và tái lây lan khi chuyển từ chế độ cách ly xã hội sang giãn cách xã hội, phục hồi kinh tế”, vị này đề xuất .
Ưu tiên phục hồi sản xuất công nghiệp
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng việc mở cửa nền kinh tế TP.HCM thực sự chỉ cần những điều chỉnh rất cụ thể để vẫn bảo đảm an toàn chống dịch nhưng đồng thời bảo đảm dòng chảy nền kinh tế. Cụ thể, Chính phủ nên có lệnh cho tất cả các trạm, chốt trên các tuyến đường vận chuyển hàng hóa nội địa, liên xã, liên tỉnh, quốc lộ, kể cả đường bộ và đường thủy trên toàn quốc miễn phí xét nghiệm Covid-19 cho các tài công (vận chuyển đường thủy), tài xế và người đi theo phương tiện. Việc quản lý mã QR của tài xế cũng lập trình xuyên suốt tại 63 tỉnh thành mà không phải là chuyện của riêng miền Nam hay TP.HCM.
“Các xe tải chở hàng đi từ nam chí bắc, chỉ cần xuất trình mã QR tại chốt vào các tỉnh để lực lượng phòng chống dịch tại từng địa phương nắm khi họ đi qua là đủ. Làm được điều này sẽ giúp doanh nghiệp bớt căng thẳng hơn, hàng hóa được lưu thông tốt hơn, tự khắc nền kinh tế tự phục hồi. Muốn như vậy, quản lý thông tin cá nhân theo số hóa phải được thực hiện đồng bộ hơn. Hiện tại, vẫn cứ ông tỉnh A hỏi giấy đi đường, tỉnh B hỏi giấy xét nghiệm, ông tỉnh C lại không cho chở gạo về kho sau 6 giờ chiều”, ông Phạm Thái Bình nói.
Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty CP XNK Nam Thái Sơn lại cho rằng, cần thiết ưu tiên phục hồi sản xuất công nghiệp vì khu vực này sử dụng nhiều lao động. Khu vực này hoạt động sẽ giúp đảm bảo đời sống người dân cũng như tỷ lệ đóng góp vào phát triển kinh tế của thành phố, giữ chân được đối tác nước ngoài. TP.HCM, có khoảng 2 triệu lao động tại khu vực sản xuất công nghiệp thì ước tính đã có hơn 1,5 triệu người đã tiêm mũi 1. Vì vậy, để đảm bảo cho sản xuất, không bị đứt gãy, cần phải hoàn tất tiêm hết mũi 1 cho số còn lại và ưu tiên tiêm vắc xin mũi 2 cho tất cả người lao động. Bên cạnh đó, thành phố phải cho chuỗi cung ứng hoạt động bình thường với điều kiện tài xế lái xe cũng tiêm xong 2 mũi vắc xin. Ông Trần Việt Anh cũng nhấn mạnh rằng nên sử dụng “hộ chiếu vắc xin” và bỏ hết các quy định về luồng xanh, luồng đỏ để hệ thống logistics khôi phục nhanh nhất, bảo đảm chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp. “Các doanh nghiệp cũng có thể ưu tiên đón nhận người lao động là F0 đã hết bệnh hay các F1 đã hoàn tất cách ly để thực hiện sản xuất ngay. Bản thân các doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình và người lao động như thực hiện các giải pháp đảm bảo nhà máy xanh; thực hiện linh hoạt các quy trình sản xuất 3 tại chỗ hay 1 cung đường - 2 địa điểm. Thành phố có thể đưa vắc xin về cho các hội doanh nghiệp địa phương để họ có thể thuê dịch vụ tiêm nhanh hơn với danh sách người lao động do doanh nghiệp đề xuất gồm các bộ phận ưu tiên theo thứ tự, phù hợp cho hoạt động của mỗi đơn vị”, ông Trần Việt Anh nói thêm.
Áp điều kiện để mở ngay các cơ sở dịch vụ
Áp dụng "hộ chiếu vắc xin" cho người lưu thông trên đường
Theo ông Đinh Ngọc Thắng, TP.HCM hoàn toàn có thể mở cửa kinh tế trở lại nếu lưu ý các vấn đề sau: Ưu tiên vắc xin cho lực lượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều người như công nhân, bán hàng, giao hàng, lái xe, nhân viên xuất nhập khẩu, bán hàng ăn... Thứ 2, áp dụng “hộ chiếu vắc xin” cho người lưu thông trên đường, làm việc trong nhà xưởng. Tất cả dữ liệu của người dân phải được hệ thống và lưu lại, ngành thông tin truyền thông chỉ cần cấp cho người dân một mã QR trong đó có đầy đủ dữ liệu, để đi từ tỉnh này sang tỉnh khác. Cơ quan quản lý có thể soạn thảo hướng dẫn để doanh nghiệp, cơ quan nhà nước dựa vào đó nhằm điều chỉnh tăng tỷ lệ công chức, nhân viên làm việc cho đơn vị. Chẳng hạn, ngành hải quan hiện chỉ được cấp giấy đi đường cho 10% cán bộ công chức nhưng làm việc vẫn phải bắt buộc đảm bảo tạo thuận lợi thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp, đảm đương trọng trách “gác cửa” cho nền kinh tế. Như vậy, độ mở của nền kinh tế nên được áp dụng mọi tỷ lệ tương đương, doanh nghiệp được vận hành bao nhiêu % thì các cơ quan nhà nước cũng cần có lực lượng làm việc tương ứng để đảm bảo xuyên suất sự vận hành của nền kinh tế.
Ông Đinh Ngọc Thắng nhấn mạnh: “Mở cửa từng phần, không nên mở cửa ồ ạt, tiến từ 10% lên 30%, lên 50% song song đó là những yêu cầu an toàn phòng chống dịch nghiêm túc (vắc xin, 5K), không nên áp đặt duy trì lực lượng lao động theo công thức đồng đều mà thành phố cần có bộ khung hướng dẫn, tư vấn cho doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, từ đó các đơn vị tự điều chỉnh cho phù hợp. Bởi hơn ai hết, thủ trưởng các đơn vị, chủ doanh nghiệp nắm rõ tình hình hoạt động và phòng chống dịch tại đơn vị mình nhất và họ chịu trách nhiệm với quyết định của mình. TP.HCM cứ mở từng bước từ nay đến hết tháng 10, chúng ta sẽ có tổng kết đánh giá lại, sửa đổi thế nào để tạo được đà phát triển tăng tốc cho 2 tháng cuối năm. Chính sách nên được điều chỉnh uyển chuyển chứ không nên kéo dài quy định áp đặt, bởi ngay con vi rút Corona nay cũng thành tên Delta rồi”.
TP.HCM cần tính đến việc mở cửa lại nền kinh tế trong các điều kiện cụ thể. Ngọc Thắng
Ở một góc độ khác, chuyên gia tư vấn Đỗ Hòa phân tích, TP.HCM hiện thiếu bộ phận phân tích chi tiết về tình hình, diễn biến của dịch Covid-19 để lãnh đạo TP.HCM đưa ra quyết sách kịp thời. Ví dụ, dịch những ngày qua giảm là khu vực nào? Giảm do lý do gì? Hoặc dịch bệnh gia tăng ở quận huyện nào? Do đâu? Giải pháp cho vùng đó là thế nào? Khi có những thông tin phân tích chi tiết như vậy thì lãnh đạo thành phố có mới giải pháp hiệu quả. Đồng thời cả người dân cũng hiểu để đồng tình sát cánh và thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống dịch bệnh của thành phố đưa ra. Bộ phận phân tích đó phải độc lập và có những phản biện với số liệu ngành y tế đưa ra với các so sánh, có sự kiểm tra thực tế, đánh giá cái gì đã thực hiện hiệu quả và cái gì chưa được để chỉnh sửa, thay đổi kịp thời. Nếu có những phân tích cụ thể như vậy thì mới chắc chắn xây dựng được kịch bản mở cửa lại như chỗ nào cho sản xuất được, chỗ nào là chưa và cần thông báo chi tiết thêm để doanh nghiệp, người dân thực hiện.
Công nghệ đóng vai trò đặc biệt quan trọng
Kéo dài giãn cách khiến kinh tế kiệt quệ, người dân khó khăn. M.P
“Nếu không có các số liệu, thông tin phân tích cụ thể thì mọi giải pháp đề xuất khó thực hiện được hoặc sẽ không hiệu quả khi không sát với thực tế. Người dân, doanh nghiệp đang cần kế hoạch cụ thể để họ lên phương án sinh hoạt, sản xuất cho mình”, ông Đỗ Hòa chia sẻ thêm.
Quản lý mã QR trên cả nước
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận