Đề xuất tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam lên 29.701 tỷ đồng
Nếu đề xuất nói trên được chấp thuận, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) sẽ giữ vững vị trí là doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ lớn nhất trên UPCoM.
Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có công văn gửi các bộ: Tài chính, GTVT, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tư pháp đề nghị cho ý kiến về phương án tăng vốn Nhà nước tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP giai đoạn 2021 – 2023.
Các ý kiến thẩm định này sẽ được Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước đó, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhận được đề xuất của Nhóm người đại diện phần vốn Nhà nước tại ACV về việc tăng vốn Nhà nước tại ACV giai đoạn 2021 – 2023.
Mục tiêu phương án tăng vốn này là nhằm đáp ứng một phần nhu cầu đầu tư và bổ sung vốn phục vụ hoạt động, sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2021 – 2025 của ACV, tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao đối với việc đầu tư các dự án trọng điểm, trong đó có Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Kết quả của phương án tăng vốn điều lệ của ACV tăng từ 21.772 tỷ đồng lên 29.701 tỷ đồng, trong đó, vốn Nhà nước tăng từ 20.769 tỷ đồng lên 28.334 tỷ đồng (vốn nhà nước sở hữu chiếm 95,4% vốn điều lệ).
ACV đề xuất nguồn vốn bổ sung là từ lợi nhuận sau thuế được phân phối còn lại hàng năm giai đoạn 2019 – 2022, sau khi đã trích lập Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ khen thưởng phúc lợi, Quỹ thwonrg người quản lý theo quy định hiện hành.
Trước đó, vào tháng 7/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về phương án chia cổ tức, phân phối lợi nhuận sau thuế các năm 2019, 2020 và giai đoạn 2021-2025 của ACV.
Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý với chủ trương sử dụng lợi nhuận sau thuế của ACV để đầu tư tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp này. Việc này nhằm tạo điều kiện cho ACV có thêm nguồn vốn thực hiện các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia đã được nhà nước giao trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Theo Nghị định 140/2020, ACV thuộc đối tượng chỉ được trích tối đa 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm được phân phối vào quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp. Khoản lợi nhuận còn lại sau khi trích vào quỹ phúc lợi cho người lao động, quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên hệ thống giao dịch UPCoM, vốn điều lệ của ACV giữ nguyên ở mức gần 21.772 tỷ đồng do hàng năm trả cổ tức bằng tiền.
ACV có quỹ đầu tư phát triển 6.035 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 9.807 tỷ đồng, tính tới 31/3/2021. Với chủ trương này của Chính phủ, nhiều khả năng ACV sẽ chuyển từ chia cổ tức tiền mặt sang cổ tức cổ phiếu, cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ tương tự như VietinBank.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận