'Đề xuất không cách ly tập trung người đến từ quốc gia có Omicron'
Chuyên gia hàng không Bùi Doãn Nề cho rằng, việc cách ly tập trung làm tăng chi phí, gây phiền hà cho hành khách, nguy cơ lây nhiễm nơi cách ly.
Ngày 28/12, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải làm việc với Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội, TP HCM thống nhất các quy định và hướng dẫn việc cách ly đối với người nhập cảnh, báo cáo Thủ tướng.
Kiến nghị trên được đưa ra trong bối cảnh ngày 27/12, Hà Nội đã lên kế hoạch cách ly tập trung với người nhập cảnh từ các quốc gia/vùng lãnh thổ có biến thể Omicron, kể cả đã tiêm vaccine hoặc từng mắc Covid-19. Trước đó, TP HCM cũng quyết định cách ly tập trung 7 ngày với những người này.
Theo Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng, quy định cách ly tập trung người nhập cảnh đến từ quốc gia có Omicron là không phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế và khác biệt với các nội dung đã được Cục Hàng không thông báo với các đối tác các nước. Do đó, để áp dụng được quy định đó thì Cục cần tiếp tục trao đổi lại với toàn bộ các quốc gia/vùng lãnh thổ, cũng như thống nhất với TP Hà Nội về tổ chức triển khai cách ly, như địa điểm, quy trình tiếp nhận cách ly.... Việc này sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch khôi phục hoạt động bay quốc tế thường lệ về thủ đô Hà Nội như chỉ đạo của Chính phủ.
Cục Hàng không Việt Nam cho hay, cả 9 thị trường kết nối hàng không với Việt Nam giai đoạn đầu đều đã xuất hiện chủng Omicron, do vậy, các quy định mới về kiểm soát biến chủng này đều ảnh hưởng đến tất cả các chuyến bay quốc tế đã và đang triển khai.
Hiện nay, Cục đã đàm phán mở đường bay được với 5 quốc gia/vùng lãnh thổ là Nhật Bản, Đài Bắc, Singapore, Campuchia, cùng với Mỹ trước đó. Các quốc gia Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Thái Lan chưa phản hồi.
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, nói: "Nhà nước đang kêu gọi giang tay đón đồng bào về ăn Tết mà bắt họ cách ly tập trung 7 ngày thì ít ai muốn về nước". Do đó, người dân sẽ lùi lại kế hoạch về nước hoặc tìm cách đi qua các nước lân cận; khách quốc tế đi du lịch sẽ đên các nước khác có điều kiện nhập cảnh thuận lợi hơn.
Theo ông Nề, các thành phố cần xem xét tạo thuận lợi cho người nhập cảnh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ gần đây về chủ trương sống chung an toàn với dịch. Không nên cách ly tập trung với hành khách khi tiêm đủ vaccine và xét nghiệm âm tính. Việc cách tập trung làm tăng chi phí cho khách, gây phiền hà và có nguy cơ lây nhiễm, gây quá tải cho các điểm cách ly.
Trước đó, Bộ Y tế đã ra quy định hành khách tự cách ly tại nhà 3 ngày và tự theo dõi sức khỏe, Chính phủ cũng yêu cầu xét nghiệm hành khách ngay khi xuống máy bay. Nếu hành khách bị dương tính thì mới xử lý theo quy định. Hà Nội, TP HCM không nên làm trái các quy định này.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp hàng không cũng cho rằng, hiện nay biến thể Omicron xuất hiện tại hơn 100 quốc gia nên việc các thành phố lớn có sân bay cửa ngõ ban hành quy định trên sẽ ảnh hưởng chủ trương mở lại các đường bay quốc tế đến nhiều nước, gây khó khăn phát triển kinh tế, việc đi lại của người dân.
"Khi có biến chủng Omicron, trách nhiệm phòng dịch của địa phương nặng hơn, song với quy định kiểm dịch hiện nay của Bộ Y tế là đầy đủ, không nên mỗi địa phương ra thêm quy định", ông Nề nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng cho rằng, quy định cách ly tập trung người nhập cảnh là chưa phù hợp, các thành phố cần phải thực hiện theo quy định của Bộ Y tế để có sự nhất quán trên toàn quốc.
"Biến thể Omicron hiện được ghi nhận có mức độ lây lan nhanh, nhưng không gây bệnh nặng", ông Nga nói.
Theo ông Nga, quy định cách ly với khách nhập cảnh đã được Bộ Y tế quy định rất rõ. Do vậy, các địa phương cần thống nhất với Bộ Y tế khi thực hiện quyết định bắt buộc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia này, bất kể tiền sử đã tiêm vaccine hoặc đã mắc Covid-19 trước đó.
Ông Nga cũng cho rằng, trước đây, Hà Nội từng không tiếp nhận người đến từ TP HCM do e ngại dịch, khiến người từ TP.HCM phải đến địa phương khác trước khi bay về Hà Nội. Do vậy, quy định nêu trên sẽ gây phiền phức trong việc đi lại cho người dân, nhất là trong bối cảnh "bình thường mới" như hiện nay.
Đại diện một hãng hàng không nhận định, việc Hà Nội và TP HCM đưa ra quy định riêng là lạm quyền, không thống nhất chủ trương phòng chống dịch của cả nước.
Theo vị này, dịp Tết có nhiều người đi lao động ở nước ngoài, Việt kiều muốn về quê hương, họ mất chi phí đi lại và thêm chi phí cách ly tập trung 7 ngày tại khách sạn sẽ quá sức chịu đựng với nhiều người. Hiện nay ngành giao thông có kế hoạch mở đường bay quốc tế với tần suất thấp nên các địa phương có thể kiểm soát được số lượng người nhập cảnh được cách ly tại nhà, thay vì cách ly tập trung gây lãng phí, tốn kém cho người dân.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Omicron đến nay xuất hiện tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó có các nước châu Á - Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Ấn Độ... là những quốc gia mà Việt Nam đang xúc tiến mở đường bay quốc tế.
Việt Nam đã ghi nhận một ca Covid-19 nào mang biến chủng Omicron.
Trước đó, Bộ Y tế quy định về cách ly với người nhập cảnh. Theo đó, người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú (gồm nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng...); không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi cư trú.
Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Ngoài ra, người nhập cảnh Việt Nam phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh trong 72h trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi, thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh; cài đặt ứng dụng khai báo y tế...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận