24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dũng Chín
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đề xuất hàng loạt cơ chế đặc thù, gấp rút khởi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 trong năm 2022

Trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để xây 729km cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2, Bộ Giao thông vận tải đề xuất hàng loạt cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian, đảm bảo khởi công 12 dự án thành phần trước ngày 31/12 năm nay...

Bộ Giao thông vận tải vừa gửi Thủ tướng Chính phủ giải trình, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Đây là Nghị quyết của Chính phủ để triển khai dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội khoá XV quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 và thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội.

RÚT NGẮN THỜI GIAN NHỜ CHỈ ĐỊNH THẦU, ĐẨY NHANH GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong dự thảo Nghị quyết là việc Bộ Giao thông vận tải đề xuất giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và các địa phương áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023, đối với tất cả các gói thầu tư vấn liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.

Liên quan đến những hoài nghi chỉ định thầu liên quan đến cơ chế “xin - cho” mang tính tiêu cực, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể từng chia sẻ, chất lượng nhà thầu tư vấn được chọn thông qua hình thức chỉ định thầu không thua kém so với đấu thầu, nhưng rút ngắn được thời gian và đảm bảo các yêu cầu. Nhờ áp dụng chỉ định thầu tư vấn sẽ rút ngắn thời gian so với đấu thầu rộng rãi 6 – 9 tháng, dành thời gian tập trung cho công tác xây lắp.

Đối với các gói thầu xây lắp các dự án thành phần, Bộ Giao thông vận tải đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

"Bộ Giao thông vận tải rà soát, tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương theo từng giai đoạn, tùy thuộc mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến, cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6/2022 để địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng", dự thảo Nghị quyết nêu rõ.

Dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất cho phép triển khai trước một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng.

Các địa phương tổ chức ngay việc rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo đủ cơ sở, căn cứ triển khai công tác giải phóng mặt bằng.

Trên cơ sở hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng, các địa phương xác định sơ bộ nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xác định vị trí, diện tích các bãi đổ chất thải rắn xây dựng đảm bảo đáp ứng nhu cầu của dự án.

GỠ KHÓ KHAN HIẾM VẬT LIỆU

Đối với việc khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án, tại dự thảo Nghị quyết, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị được áp dụng các cơ chế tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021, Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, đối với các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác chỉ nhằm mục đích phục vụ cho dự án (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Các tổ chức, cá nhân khai thác phải thiết lập hệ thống và thực hiện quan trắc, giám sát tác động xói lở lòng, bờ sông theo quy định, chịu mọi trách nhiệm trong việc đảm bảo các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác, không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông.

Sau khi đã khai thác cung cấp đủ khối lượng cho dự án, dừng việc nâng công suất, tiếp tục khai thác theo công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp.

UBND cấp tỉnh chỉ cho phép nâng công suất khai thác sau khi tổ chức, cá nhân khai thác đã ký văn bản cam kết cung cấp vật liệu cho nhà thầu thi công dự án.

Nội dung giấy phép khai thác (điều chỉnh) phải xác định đơn vị sử dụng khoáng sản là nhà thầu thi công dự án. Nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá, nếu có vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nhưng chưa cấp giấy phép khai thác, trước khi khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15, nhà thầu thi công phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh nơi có mỏ khoáng sản.

Thực hiện đánh giá tác động môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

Sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác liên quan.

Tại dự thảo Nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu việc bố trí vốn thực hiện dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chấp thuận đối với các gói thầu xây lắp các dự án thành phần.

Đồng thời, hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 có quy mô đầu tư khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công.

Địa điểm thực hiện dự án là từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau. Tổng mức đầu tư dự án là 146.990 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 119.666 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt 12 dự án thành phần, hoàn thành trước ngày 30/6/2022 và thực hiện các công việc tiếp theo đảm bảo khởi công trước ngày 31/12/2022. Triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023. Đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành dự án năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả