menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quách Dũng

Đề xuất giảm thuế ô tô nội: Ai hưởng lợi?

Vừa qua, Bộ Công Thương đã có đề xuất sẽ giảm thuế cho xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi nhằm gỡ khó cho thị trường ô tô do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Điều đáng nói là đề xuất này chỉ áp dụng với xe ô tô du lịch sản xuất và lắp ráp trong nước (xe nội)

Trước mắt phí trước bạ xe nội sẽ được giảm 50%, từ mức 10-12% xuống 5-6%. Về lâu dài, Việt Nam sẽ xem xét miễn, giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt với xe nội địa.

Đề xuất này thực sự đã dấy lên dư luận nghi ngờ một lần nữa chính sách bảo hộ thái quá cho nền công nghiệp ô tô Việt Nam, nhưng, ngược lại thì người tiêu dùng vẫn phải mua những chiếc xe sản xuất trong nước với giá cao hơn giá các nước trong khu vực.

Liệu đề xuất giảm thuế cho xe ô tô nội này sẽ đưa lại nguồn lợi cho ai? Nó có thực sự vì lợi ích của người tiêu dùng hay không?

Kỳ vọng giá xe ô tô tiếp tục giảm

Cùng với sự khó khăn chung của nền kinh tế và thị trường tiêu dùng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường ô tô du lịch (ô tô dưới 9 chỗ ngồi) của Việt Nam trong thời gian qua đã hứng chịu một đợt sụt giảm doanh số nghiêm trọng. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 3/2020 doanh số bán đạt 19.154 xe, giảm 41% so với cùng kỳ. Tính cả Quý 1/2020, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 28%, xe nhập khẩu giảm 39% so với cùng kỳ 2019.

Theo đanh giá của các chuyên gia kinh tế thị sự sụt giảm trên có một số nguyên nhân chính:

Nguyên nhân đầu tiên phải kế đến là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mọi chi tiêu của đều phải thắt lưng buộc bụng vì thu nhập của đại đa số doanh nghiệp và người dân bị giảm sút mạnh do các công việc kinh doanh đình trệ và không có việc làm.

Nguyên nhân thứ hai là nguyên nhân về tâm lý. Suốt từ những tháng cuối năm 2019 cho đến nay các hãng ô tô đua nhau giảm giá, làn sóng giảm giá trong bối cảnh thị trường đang đi xuống đã khiến cho tâm lý của người tiêu dùng hoang mang. Những người đã mua xe rồi thì cảm thấy xót xa khi chỉ trong một thời gian ngắn xe đã bị mất giá tới hàng trăm triệu bởi hãng liên tục giảm giá bán xe mới. Ví dụ như chiếc Ford Explorer là một trong những mẫu xe giảm giá mạnh nhất hiện nay, trước đó, chỉ trong vòng cuối tháng 2 tới đầu tháng 3 Ford Explorer được hãng điều chỉnh giảm từ 2.193 tỷ đồng xuống còn giá 1,8 tỷ đồng, mức giảm sâu gần 400 triệu đồng. Đứng về giảm giá sâu thứ hai là mẫu Chevrolet Trailblazer phiên bản cao cấp nhất 4x4 LTZ lắp động cơ 2,5 lít (giá niêm yết 1,066 tỷ đồng), về mức 699 triệu đồng, giảm 367 triệu đồng.

Việc giảm giá sâu sản phẩm đối với các nhà sản xuất, kinh doanh ô tô với mục đích là kích cầu cho thị trường và giải phóng hàng tồn kho. Nếu nói về mặt dài hạn, đây là một phương án kích cầu lý tưởng. Tuy nhiên, với tâm lý của người tiêu dùng, nhất là với thị trường hàng cao cấp, xa xỉ như ô tô du lịch thì trong ngắn hạn họ sẽ có tâm lý dè chừng, chờ đợi, kỳ vọng một sự giảm giá sâu hơn nữa.

Anh Nguyễn Duy Tùng, giám đốc công ty Tùng Dương cho biết, dự tính sau tết Nguyên đán sẽ mua thêm cho công ty một chiếc xe Inova, một mẫu xe 7 chỗ của hãng Toyota. Ngay sau tết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc mua xe chưa thực hiện được, tuy nhiên từ sau tết đến nay mẫu Inova đã giảm giá tới 140 triệu đồng.

Anh Tùng chia sẻ, thật may là công ty chưa mua xe. "Chúng tôi chưa vội mua xe mà sẽ chờ thêm một thời gian nữa vì chắc chắn trong tương lai giá ô tô du lịch còn giảm nữa", anh Tùng kỳ vọng.

Tâm lý chờ đợi một đợt giảm giá sâu của thị trường ô tô du lịch như anh Tùng là một tâm lý chung của người mua xe ở Việt Nam trong thời điểm hiện nay.

Đề xuất gây nhiều tranh cãi

Với quan điểm cần có những phương án nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 nhằm kích cầu tiêu dùng.

Dịch Covid-19 đã tác động hết sức tiêu cực tới nền kinh tế thế giới. Với Việt Nam, một nước mới phát triển thì nền sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lại càng dễ tổn thương hơn trước tác động của đại dịch. Có thể chỉ ra những ngành kinh tế chủ chốt của Việt Nam như nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, gia công…,cho đến các doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ đều gặp nhiều khó khăn cần có những chính sách được hỗ trợ kịp thời.

Nói về các chính sách hỗ trợ, giải cứu cho các doanh nghiệp, các ngành nghề khó khăn trong cơn đại dịch, PGS.TS Vũ Kim Dũng, nguyên Trưởng khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội nêu quan điểm: Chính phủ đưa ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn vì dịch Covid-19 là đã nói lên sự cam kết cả Chính phủ luôn đồng hành, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cùng các doanh nghiệp. Những chính sách cụ thể đó phản ảnh tính ưu việt của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, hỗ trợ, giải cứu doanh nghiệp nào, ngành nghề nào thì cần phải có những thứ tự ưu tiên một cách cẩn trọng, thấu đảo và công bằng để nâng đỡ, vực dậy cả một nền kinh tế chung chứ không vì một doanh nghiệp, một ngành sản xuất, dịch vụ nào.

Nhận xét về đề xuất giảm thuế cho ô tô du lịch nội, PGS Dũng cho rằng, việc đưa ra chính sách hỗ trợ về thuế cho ô tô nội nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền công nghiệp ô tô nước nhà là chưa thuyết phục. Ô tô du lịch là một mặt hàng có thể gọi là còn xa xỉ đối với đại đa số người dân Việt Nam. Chính phủ đã có rất nhiều chính sách ưu đãi cho nền công nghiệp ô tô phát triển hơn 3 thập kỷ vừa qua, nhưng kết quả giá xe ô tô sản xuất trong nước vẫn cao hơn rất nhiều so với những xe cùng chủng loại sản xuất ở ngay cả với các nước trong khu vực. Hiện nay doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xe ô tô du lịch trong nước đều là những doanh nghiệp lớn có nền tảng kinh tế vững chắc. Bởi lẽ đó, trong ngắn hạn, việc có khó khăn bởi tác động của dịch Covid-19 thì họ có thể dễ dàng vượt qua.

Các doanh nghiệp ô tô Việt Nam cần phải tự mình đứng vững trước khó khăn này bằng cách điều chỉnh chất lượng và giá cả sản phẩm để họ đứng vững trong thời điểm khó khăn này và lấy lại được thị trường trong tương lai.

Đứng trên quan điểm của người tiêu dùng, ông Lê Xuân Bính, Giám đốc công ty dịch vụ Sao Xanh cho rằng: Người tiêu dùng Việt Nam xưa nay vẫn có rất nhiều “ấm ức” với thị trường ô tô du lịch nói chung và nhất là thị trường ô tô du lịch nội. Nói thẳng ra người Việt Nam đang phải mua những chiếc xe ô tô du lịch với phẩm cấp thấp và giá thành cao. Điều này là một thực tế hiển nhiên mà người mua xe ở Việt Nam không có được lựa chọn nào khác. Giá bán của xe ô tô, nhất là xe sản xuất trong nước ít nhất phải bằng, thậm chí thấp hơn các xe cùng loại tại thị trường trong khu vực, bởi chi phí nhân công thấp và chính sách ưu đãi của Chinh phủ dành cho họ là cao.

Theo ông Bính, những người sử dụng xe chúng tôi sẵn sàng chia sẻ việc đóng thuế trước bạ, lệ phí đăng ký, lưu hành xe cho nhà nước để phát triển hạ tầng giao thông và khắc phục tình trạng ô nhiễm. Nhưng, việc điều chỉnh giảm thuế cho ô tô nội để “giải cứu” cho thị trường ô tô là không hề công bằng. Đã đến lúc bản thân các nhà sản xuất kinh doanh ô tô cần phải giảm giá thành, chia sẻ lợi nhuận với khách hàng.

Giảm thuế cho xe ô tô nội đang chỉ là đề xuất của Bộ Công thương với Chinh phủ và Quốc hội, tuy nhiên với những thực tế của các doanh nghiệp sản xuất và thị trường ô tô du lịch ở Việt Nam hiện nay thì việc đưa ra một chính sách gây nhiều tranh cãi, liệu có công bằng đối với các doanh nghiệp và những ngành nghề khác hay không?

Nên chăng, những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô họ cần phải vượt qua khó khăn, giữ vững thị trường bằng chất lượng và giá thành sản phẩm như ý kiến của Phó Giáo sư Dũng. Để làm sao người tiêu dùng có thể bớt đi được những “ấm ức” khi mua xe.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại