Đề xuất đánh thuế giao dịch vàng: Cần cân nhắc!
Để ngăn chặn mục đích đầu cơ, thao túng giá vàng miếng, các chuyên gia kinh tế đề xuất đánh thuế với giao dịch vàng.
Khách hàng giao dịch nhận vàng sau khi đăng ký online tại Vietcombank 72 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh thuế giao dịch vàng sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho người mua vàng và tăng thêm mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới.
Dưới góc độ của người mua vàng, chị Lương Việt Anh (Minh Khai, Hà Nội) cho rằng, việc đánh thuế với giao dịch vàng phải phù hợp và đúng với đối tượng đầu cơ thì mới có hiệu quả. Nếu đánh thuế thì nên cân nhắc về việc mua bao nhiêu vàng trong thời gian bao lâu, còn nếu chỉ mua vài chỉ hoặc vài cây, lúc có việc cần đem đi bán mà người mua vẫn phải chịu thuế thì quá thiệt thòi. Bên cạnh đó, việc đánh thuế giao dịch vàng cũng có thể sẽ khiến sự chênh lệch càng cao giữa giá vàng trong nước và thế giới.
Song một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng, cần phải đánh thuế giao dịch vàng vì việc thu thuế các hoạt động kinh doanh vàng sẽ góp phần tránh đầu cơ, qua đó có thể “hạ nhiệt” được giá vàng. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, đã đến lúc cần phải đánh thuế giao dịch vàng. Chuyên gia cũng cho rằng, hiện các lĩnh vực đầu tư như chứng khoán, bất động sản đang chịu thuế thu nhập cá nhân, nhưng giao dịch vàng thì chưa.Tổng cục Thuế cho biết, theo các quy định của pháp luật thuế liên quan đến kinh doanh, chế tác vàng, thì đối với doanh nghiệp, căn cứ khoản 3, khoản 4 Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, cơ sở kinh doanh có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng hoạt động này để nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên thuế giá trị gia tăng.Đối với cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh, căn cứ Thông tư số 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thì cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh có hoạt động gia công sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, sản xuất đồ kim hoàn và chi tiết liên quan, bán buôn, bán lẻ đồ kim hoàn và chi tiết liên quan thực hiện quản lý thuế theo một trong hai phương pháp.
Theo đó, phương pháp hộ khoán chỉ áp dụng đối với hộ có quy mô nhỏ, không thực hiện chế độ sổ sách, kế toán, hóa đơn và phương pháp hộ kê khai áp dụng đối với hộ quy mô lớn và hộ xác định được doanh thu.
Như vậy có nghĩa là ngoài việc chịu phí gia công, thuế nhập khẩu thì người mua bán vàng không chịu loại thuế nào khác.Các chuyên gia kinh tế chia sẻ, nhiều nước trên thế giới hiện áp dụng quy định đánh thuế khi mua bán vàng vật chất. Còn mua bán vàng trên các sàn giao dịch hàng hóa, thì nộp thuế như giao dịch chứng khoán. Tại Pháp khi bán vàng, chủ sở hữu sẽ nộp thuế 11% trên tổng số tiền bán hoặc nộp 36,2% trên mức lãi. Người có vàng sẽ được miễn thuế khi bán nếu nắm giữ từ 22 năm trở lên.PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính đề xuất cơ quan quản lý cần sớm kiến nghị xây dựng chính sách thuế với giao dịch vàng. Giải pháp này, theo bà Mùi, có thể ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó kiểm soát giá vàng. Ngoài ra, việc áp thuế đảm bảo công bằng trong kinh doanh vàng.Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đánh thuế giao dịch vàng không chỉ tạo điều kiện cho ngân sách Nhà nước có thêm nguồn thu, mà còn là sự công bằng giữa các kênh đầu tư vàng - chứng khoán - bất động sản, là phương sách để chống "vàng hóa" nền kinh tế. Song thời điểm và mức thuế cần phải được cân nhắc thận trọng cho phù hợp.
Chiều 10/6, thưa thớt người dân vào giao dịch vàng. Ảnh: An Ngọc/BNEWS/TTXVN
Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích người dân giữ vàng nhưng cũng không cấm. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã chỉ rõ, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, vàng cũng là câu chuyện của quốc tế không chỉ riêng Việt Nam.
Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp để ổn định thị trường vàng như đấu thầu vàng (từng triển khai năm 2013); tuy nhiên chênh lệch giá bán vàng miếng SJC với giá thế giới chưa giảm như kỳ vọng.
Giai đoạn này có nhiều khác biệt năm 2013. Ngân hàng Nhà nước triển khai biện pháp can thiệp mới là từ 3/6 Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty Vàng bạc đá quý (SJC) để các đơn vị này bán vàng cho người dân. Qua gần 2 tuần triển khai bước đầu chênh lệch giá bán vàng miếng SJC và giá vàng thế giới đã được thu hẹp.
Người dân giao dịch vàng tại Vietcombank đều đã lấy số từ sáng và ngồi chờ đến lượt. Ảnh: An Ngọc/BNEWS/TTXVN
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế, không để vàng hóa tác động đến điều hành chính sách tiền tệ, đến tỷ giá, ngoại hối, cán cân thanh toán; không để giá vàng chênh lệch cao so với giá thế giới; không để vàng ảnh hưởng đến chính sách kinh tế, không tác động tâm lý xã hội; nghiên cứu từng bước đưa nguồn lực vàng trong dân vào sản xuất - kinh doanh.
Tuy nhiên, để thị trường vàng ổn định, về lâu dài, cùng với việc sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cũng cần nghiên cứu, bổ sung công cụ thuế đối với hoạt động mua bán vàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận