menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phương Thảo

Đề xuất chưa thông qua Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi

Cho rằng không có căn cứ đóng - hưởng BHXH khi chính sách cải cách tiền lương chưa có hiệu lực, đại biểu Trần Khánh Thu đề xuất lùi thời gian thông qua dự luật.

Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Tại dự thảo mới, Chính phủ đề xuất mức đóng bảo hiểm xã hội không quy định thành số tiền tuyệt đối mà sử dụng mức tham chiếu tính BHXH để thay thế cho mức lương cơ sở. Mức tham chiếu tính BHXH được tính bằng 1,8 triệu đồng từ 1/7/2024 thay thế cho mức lương cơ sở quy định tại luật năm 2014.

Mức này được điều chỉnh theo quy định của Chính phủ trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Chính phủ cho rằng việc điều chỉnh này thống nhất với thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Thái Bình) cho rằng khi Nhà nước thực hiện chế độ tiền lương mới sẽ phát sinh chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa người nghỉ trước và sau ngày 1/7/2024. Chính phủ đề xuất bổ sung khái niệm về mức tham chiếu thay cho mức lương cơ sở và bổ sung quy định ở các điều liên quan, tuy nhiên nội dung này chưa được đánh giá tác động đầy đủ, nhất là giai đoạn sau khi cải cách tiền lương.

Bên cạnh đó, các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động tự chủ cũng chưa có cơ sở để điều chỉnh mức đóng cho người lao động. "Tôi đề nghị xem xét thông qua dự thảo luật này tại kỳ họp 8 vào cuối năm nay để có thời gian đánh giá sự ổn định, tác động thực tế của cải cách tiền lương với chính sách BHXH cũng như luật liên quan", đại biểu Thu nói.

Đề xuất chưa thông qua Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi
Đại biểu Trần Khánh Thu phát biểu tại phiên họp sáng 27/5. Ảnh: Media Quốc hội

Theo bà, Chính phủ, Quốc hội cũng có thêm thời gian để nghiên cứu, đánh giá tính phù hợp giữa Luật BHXH sửa đổi và Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi sắp trình Quốc hội cho ý kiến. Luật BHXH mới chỉ nên ban hành khi đảm bảo an sinh xã hội của người dân, quyền lợi của người lao động trên cơ sở đóng - hưởng, tạo sự an tâm cho người dân và tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn cho quỹ BHXH trong dài hạn cũng như khả năng ngân sách qua từng thời kỳ.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Chuyên trách Ủy ban Kinh tế) cũng cho rằng tiền lương là căn cứ quan trọng để quy định mức đóng - hưởng BHXH. Tuy nhiên, nội dung này đang được xây dựng trên cơ sở vị trí việc làm và chưa được cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Bà phân tích, dự thảo bổ sung mức tham chiếu thay cho mức lương cơ sở để tính mức đóng - hưởng BHXH, nhưng báo cáo chưa làm rõ nguyên tắc xác định mức tham chiếu và chưa nói mức tham chiếu thay đổi thế nào khi cải cách tiền lương. Trong khi đó, mức đóng, hưởng BHXH cần tiền lương cố định làm cơ sở tính toán.

"Nếu áp dụng mức tham chiếu sẽ không khả thi, nhất là khi các cơ quan cần xác định dự toán kế hoạch về BHXH trung hạn. Tôi đề nghị cân nhắc thông qua dự luật trước khi bảng lương mới được Nhà nước ban hành", bà Thơ nêu quan điểm.

Đề xuất chưa thông qua Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu sáng 27/5. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Phó giám đốc Công an tỉnh Kon Tum) cũng chưa đồng tình với mức tham chiếu 1,8 triệu đồng từ 1/7/2024 thay thế cho mức lương cơ sở để đóng BHXH. Theo bà, từ 1/7 năm nay, bình quân tiền lương chung tăng 30% nên cơ quan soạn thảo cần đánh giá toàn diện. "Cải cách thì tiền lương tăng, lương đóng BHXH cũng phải tăng theo, vì sao lại đề xuất mức tham chiếu như vậy", nữ đại biểu đặt vấn đề.

Đề xuất mức tham chiếu cũng chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình. Trong báo cáo giải trình tiếp thu dự án luật, Ủy ban nêu Nghị quyết số 27/2018 về cải cách chính sách tiền lương quy định "mức lương cơ sở" sẽ được bãi bỏ. Do đó, căn cứ thực hiện được điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH để tính lương hưu và tính hưởng một số chế độ BHXH đã không còn. Trong đó có nhiều nội dung liên quan chế độ của bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng một số nguyên tắc cụ thể xác định mức tham chiếu để thực hiện từ ngày 1/7, đảm bảo hài hòa và đặt trong mối tương quan chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội. Bên cạnh đó, Chính phủ cần bổ sung quy định mức tham chiếu dưới dạng nguyên tắc tính vào thời điểm cải cách tiền lương. Nguyên tắc điều chỉnh cho các năm hoặc giai đoạn tiếp theo trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, quỹ BHXH.

Từ ngày 1/7, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng hiện nay. Cuối năm 2023, cả nước có gần 2,78 triệu lao động khu vực nhà nước đang đóng BHXH bắt buộc, không gồm lực lượng vũ trang.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả