Đề xuất cho tư nhân đầu tư truyền tải điện, giảm thuế dài hạn cho ô tô điện
TTO - Chính phủ vừa trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội một luật sửa 8 luật nhằm thúc đẩy hồi phục kinh tế, trong đó đề xuất nhiều chính sách mới.
Sáng nay (8-12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp để xem xét các nội dung chuẩn bị cho kỳ họp bất thường của Quốc hội.
Chính phủ trình xin ý kiến nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
"Việc sửa đổi, bổ sung các luật lần này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội" - tờ trình của Chính phủ nêu rõ.
Đáng chú ý, trong các chính sách mới được đề xuất, có việc thúc đẩy xã hội hoá đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu từ sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Thu hút nguồn lực tư nhân đầu tư truyền tải điện
Theo đó, đối với nội dung sửa đổi Luật Điện lực, dự thảo quy định theo hướng "Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trừ các dự án lưới điện do nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ".
Thẩm tra sơ bộ, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường thống nhất quan điểm cho phép doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định phạm vi giới hạn về thu hút đầu tư tư nhân tham gia xây dựng lưới điện truyền tải phục vụ mục tiêu đấu nối với phương thức đầu tư phù hợp, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Thường trực Ủy ban cũng đề nghị có quy định cụ thể về một số hoạt động: quản lý đầu tư xây dựng, bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong quá trình xây dựng, lắp đặt lưới điện truyền tải; cấp giấy phép hoạt động truyền tải điện; quản lý, vận hành hoạt động truyền tải điện thông qua các công cụ điều độ, điều tiết điện lực do Nhà nước độc quyền kiểm soát; kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động truyền tải điện.
Cần chính sách đủ dài cho sản xuất ô tô điện
Đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Chính phủ đề nghị sửa đổi nội dung liên quan đến biểu thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng giảm từ 5% đến 12% thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành trong 5 năm đầu, kể từ khi luật sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực thi hành; từ năm thứ 6 trở đi, điều chỉnh mức tăng mức thuế suất đối với xe ô tô điện chạy pin (áp dụng cả đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước).
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với hướng thiết kế các mức thuế suất như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chính xác lại các mức thuế suất dự thảo này; bảo đảm các mức thuế suất trong 5 năm đầu bằng 20% mức hiện hành của ôtô điện, và từ năm thứ thứ 6 là 75% của mức hiện hành.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, xe ô tô điện chạy pin là sản phẩm công nghệ cao, bảo vệ môi trường, là cơ hội cho việc phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có vị thế cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới, có nhiều tiềm năng để trở thành động lực tăng trưởng và tạo nguồn thu ngân sách nhà nước trong thời gian tới.
"Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc có chính sách ưu đãi đủ dài để khuyến khích tiêu dùng và định hướng sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp này trong tương lai. Bên cạnh đó, đề nghị cân nhắc, thận trọng về việc áp dụng chính sách này đối với xe ô tô điện chạy pin nhập khẩu, vì đây là sản phẩm gắn liền dịch vụ sau bán hàng, trạm sạc, đổi pin và đặc biệt, trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc quản lý, xử lý pin" - báo cáo thẩm tra viết.
Với Luật Đầu tư công, nội dung sửa đổi hướng đến mục tiêu là đẩy mạnh phân quyền, tinh giảm quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo tiến độ thực hiện giải ngân các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Theo đó, Chính phủ đề nghị phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác; HĐND cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Ngoài cho ý kiến dự án một luật sửa 8 luật nêu trên, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến vào các nội dung quan trọng khác chuẩn bị cho kỳ họp bấy thường, cụ thể:
- Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Cần Thơ;
- Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;
- Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận