Để nhận được tiền bồi thường, hàng nghìn bị hại trong vụ án Trịnh Văn Quyết phải làm gì?
Trong vụ án Trịnh Văn Quyết và đồng phạm có tới hơn 25.000 bị hại và 60.000 người liên quan. Vậy sau phán quyết của toà, để nhận được tiền bồi thường, các bị hại cần phải làm gì?
Mới đây, Hội đồng xét xử TAND Thành phố Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với Trịnh Văn Quyết cùng 50 bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán.
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc Trịnh Văn Quyết cùng các bị cáo liên quan phải bồi thường phần giá trị vốn khống cho các bị hại, người liên quan, đó là bồi thường 7.215 đồng cho mỗi cổ phiếu bán cho bị hại, 5.466 đồng cho mỗi cổ phiếu người liên quan nắm giữ.
Với các bị hại, người liên quan chưa có yêu cầu bồi thường trong vụ án này, họ có quyền khởi kiện dân sự.
Tòa án cũng xác định có hơn 25.000 bị hại và hơn 60.000 người liên quan trong vụ án này. Vậy, sau khi tòa tuyên án, thủ tục, thời điểm và cách để các bị hại được nhận tiền bồi thường được tiến hành ra sao?
Bị cáo Trịnh Văn Quyết - Cựu chủ tịch FLC tại phiên xét xử sơ thẩm
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, về quyền lợi hợp pháp của các bị hại, theo Bộ luật Tố tụng hình sự, bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.
Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Đề nghị mức bồi thường và các biện pháp đảm bảo bồi thường, kháng cáo bản án, quyết định của toà án.
Trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị hại quy định tại điều này. Với những bị hại đã chết, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của họ (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết) khi thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế sẽ khai nhận đối với phần bồi thường thiệt hại này tại văn phòng công chứng.
Để nhận được tiền bồi thường, theo Luật Thi hành án dân sự, bị hại và người liên quan trong vụ án cần gửi đơn yêu cầu thi hành án kèm hồ sơ đề nghị thi hành án tới cơ quan thi hành án.
Hồ sơ gồm có: Đơn đề nghị thi hành án; bản án có hiệu lực pháp luật; bản sao căn cước công dân hoặc giấy tờ chứng thực cá nhân khác; bản sao giấy tờ thể hiện quyền sở hữu chứng khoán; văn bản ủy quyền (nếu có)…
Với bản án sơ thẩm, thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án, thời hạn kháng nghị là 30 ngày kể từ ngày tuyên án. Trường hợp không có kháng cáo và không bị VKSND kháng nghị đối với phần bồi thường thiệt hại án sơ thẩm đã tuyên thì sau 30 ngày tuyên án, bị hại và người có liên quan có quyền yêu cầu thi hành án để nhận lại tiền.
Trong vụ án Trịnh Văn Quyết và đồng phạm, cơ quan thi hành án có thẩm quyền, cơ quan Thi hành án dân sự trong vụ án này là Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội. Do vậy, bị hại và người liên quan cần gửi đơn yêu cầu thi hành án kèm hồ sơ tới cơ quan này để được giải quyết. Thời hiệu yêu cầu thi hành án là 5 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Với những nhà đầu tư, người liên quan chưa có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại được giành quyền khởi kiện dân sự bằng vụ án dân sự khác. Họ có thể nộp đơn tại TAND cấp quận nơi các bị đơn làm việc (TAND nơi Công ty CP Tập đoàn FLC đặt địa chỉ trụ sở) yêu cầu các bị cáo có nghĩa vụ bồi thường…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận