Đề nghị trả lại hơn 1.385 tỷ đồng do gặp khó trong thẩm định, phê duyệt dự án
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tổng số 12 bộ, cơ quan trung ương và 16 địa phương đến nay chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022, có 6 bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022, với tổng số vốn là trên 1.385 tỷ đồng.
Số vốn này là của 24 dự án, hiện gặp khó khăn trong việc hoàn thành thủ tục thẩm định, phê duyệt, quyết định đầu tư dự án làm cơ sở để giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số vốn ngân sách trung ương còn lại chưa phân bổ đến nay, Bộ Giao thông Vận tải chiếm tỷ trọng lớn nhất (4.401,345 tỷ đồng) và số vốn này dự kiến bố trí cho Dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Trong khi đó, các bộ, cơ quan trung ương còn lại là những bộ có ít dự án trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025. “Nếu năm nay không được bố trí vốn để giải ngân một phần thì áp lực giải ngân các năm sau là rất lớn, khả năng hoàn thành dự án trong kỳ kế hoạch thấp”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Dẫn báo cáo của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vốn ngân sách năm 2022 ước thanh toán đến 31/5/2022 là trên 115.922 tỷ đồng, đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Trong đó, vốn trong nước là 113.744,63 tỷ đồng, đạt 23,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn ngoài nước là 2.177,83 tỷ đồng, đạt 6,26% kế hoạch).
Kết quả giải ngân này tuy có cải thiện song vẫn còn chưa đạt như kỳ vọng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, phải nhìn vào thực tế là tỷ lệ giải ngân thường tăng dần vào thời điểm cuối năm và cuối kỳ kế hoạch, và điều này đang có xu hướng trở thành quy luật, để nhận định giải ngân nhanh hay chậm.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, sau 5 tháng, mới có 5 bộ, cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%. Trong khi đó, vẫn còn 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm, hầu hết các địa phương cho rằng, khó khăn vướng mắc tập trung chủ yếu ở các dự án nhóm A, các dự án có quy mô lớn, có tính chất liên kết vùng. Bởi với các dự án này, thủ tục, trình tự, thiết kế kỹ thuật, dự toán, thủ tục đấu thầu... phải lấy ý kiến của nhiều cơ quan liên quan, làm kéo dài phê duyệt dự án và giải ngân các dự án.
Ngoài ra, còn các nguyên nhân như năm 2022 mới là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (thực chất là năm đầu tiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua tháng 7/2021), do vậy, gần như các địa phương mới bắt đầu khởi công nhiều dự án.
Theo quy định của Luật Xây dựng, các quy định của pháp luật liên quan, dự án khởi công mới được bố trí vốn đầu năm phải mất nhiều thời gian triển khai thủ tục lập, thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, các thủ tục về đấu thầu...
Cùng với đó, việc khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng, giá nguyên vật liệu, nhiên liệu tăng cao đột biến đặc biệt là giá thép, đất, cát xây dựng tặng mạnh, rồi vướng mắc giải phóng mặt bằng... cũng là nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương chậm.
Chưa kể, còn tình trạng một số dự án ODA đã kết thúc hiệp định hoặc sắp kết thúc hiệp định đang thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian; dự án vướng mắc trong quá trình lựa chọn nhà thầu do nhà tài trợ nước ngoài chậm phản hồi ý kiến... Điều này cũng khiến tình hình giải ngân vốn ODA bị chậm.
Và không thể không nhắc tới một nguyên nhân rất quan trọng, đó là công tác chỉ đạo, điều hành ở một số cơ quan đơn vị, chủ đầu tư chưa thực sự tập trung, quyết liệt thiếu quyết tâm chính trị, vai trò của người đứng đầu còn hạn chế.
Thậm chí, có tình trạng một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu yếu kém về năng lực, chuyên môn; kỷ cương kỷ luật chưa nghiêm, công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, việc xử lý các vi phạm, chậm trễ trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công chưa kịp thời, nghiêm minh...
Để đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các địa phương cần biết chính xác tình hình địa phương mình, quá trình triển khai dự án cụ thể, về thể chế, pháp luật, quy định có vướng mắc gì từ đầu tư công cho tới các luật liên quan như xây dựng, đấu thầu, đất đai, môi trường, vướng ở mặt nào, khâu nào, nguyên nhân làm sao, do tổ chức thực hiện hay ở tỉnh, ở sở, chủ đầu tư, ban quản lý hay ở giải phóng mặt bằng, thi công, nguyên vật liệu… để từ đó có kiến nghị, giải pháp cụ thể…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 31/5/2022, tổng số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 là 481.233,131 tỷ đồng, đạt 92,9% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Như vậy, số vốn ngân sách nhà nước mà các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án vẫn còn trên 36.872 tỷ đồng, bằng 7,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, vốn ngân sách trung ương trong nước là trên 7.417 tỷ đồng (của 11 bộ, cơ quan trung ương và 02 địa phương dự kiến bố trí cho 85 dự án); vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương là trên 1.103 tỷ đồng (của 02 bộ và 04 địa phương dự kiến bố trí cho 10 dự án). Còn vốn ngân sách địa phương là trên 28.351 tỷ đồng, của 13 địa phương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận