Đề nghị sửa Luật Thuế thu nhập DN: Bịt kẽ hở thuế công ty đa quốc gia
Việc xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm mục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Trong đó, đề xuất 4 nhóm chính sách lớn.
Thứ nhất, mở rộng cơ sở thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp thông lệ quốc tế thông qua việc điều chỉnh phạm vi, đối tượng, rà soát chính sách miễn, giảm thuế.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các nội dung của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nhằm giải quyết những vấn đề bất cập, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển.
Bịt kẽ hở thuế công ty đa quốc gia
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, chính sách thuế TNDN ở nhiều quốc gia đang có những kẽ hở dễ bị các công ty đa quốc gia khai thác để giảm thiểu nghĩa vụ thuế, nhất là việc chuyển lợi nhuận sang những quốc gia hay vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn, gây xói mòn cơ sở thuế.
Để ứng phó với tình trạng này, Diễn đàn hợp tác toàn cầu về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) và Giải pháp Hai trụ cột đã được các nước thành viên thông qua. Điểm nhấn là trụ cột 2.
Trụ cột 2 đã đặt ra cơ chế cho phép quốc gia nơi đặt trụ sở của công ty mẹ cuối cùng của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hàng năm từ 750 triệu Euro trở lên sẽ được thu thêm phần tiền thuế đối với khoản thu nhập mà công ty đa quốc gia này thu được từ hoạt động đầu tư kinh doanh ở quốc gia khác mà chỉ chịu mức thuế suất thuế TNDN dưới mức tối thiểu là 15%.
Ví dụ, công ty đa quốc gia nào chỉ nộp thuế 10% ở Việt Nam, thì sẽ phải nộp thêm 5% ở nơi đặt trụ sở công ty mẹ.
Gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã phê duyệt và đồng ý tham gia Trụ cột 2 như một biện pháp để đảm bảo quyền thu thuế và ngăn chặn tình trạng xói mòn cơ sở thuế.
Là quốc gia đang phát triển, nhu cầu thu hút nguồn vốn từ bên ngoài là rất lớn, việc các nước tham gia và thực hiện Trụ cột 2 sẽ có nhiều ảnh hưởng đến tính hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế TNDN của nước ta trong những năm tới đây.
Vì thế, Bộ Tài chính cho rằng, cần phải rà soát để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến ưu đãi thuế TNDN tại Luật thuế TNDN để một mặt không làm xói mòn cơ sở thuế; mặt khác, vẫn đạt được các mục tiêu trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đảm bảo tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước.
Tại dự thảo, Bộ Tài chính tính toán bổ sung nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (Trụ cột 2) và nguyên tắc nộp bổ sung phần thuế chênh lệch đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam khi tham gia Trụ cột 2.
Cơ chế áp dụng thu thuế bổ sung đối với công ty mẹ ở nước ngoài không ảnh hưởng đến số thu thuế của Việt Nam đối với các công ty con theo chính sách hiện hành cũng như không bắt buộc Việt Nam phải cắt giảm ưu đãi đã cấp cho các công ty con.
Do vậy, Bộ Tài chính khẳng định chưa phát sinh việc bảo đảm ưu đãi đầu tư đã cấp tại Việt Nam đối với các công ty con thành viên thực hiện đầu tư tại Việt Nam (các đối tượng nộp thuế là các pháp nhân khác nhau tại các quốc gia khác nhau).
Đáng chú ý, nhóm chính sách sửa đổi, bổ sung các nội dung của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm giải quyết những vấn đề bất cập, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế được dư luận quan tâm.
Theo đó, sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về các khoản thu nhập được miễn, giảm thuế. Cụ thể, bổ sung quy định miễn thuế đối với: khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; thu nhập từ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu sử dụng ngân sách nhà nước, thu nhập từ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập từ tiền lãi từ trái phiếu xanh và thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh; thu nhập từ khoản bồi thường của Nhà nước; thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi trái phiếu Chính phủ, lãi tín phiếu Kho bạc của các quỹ tài chính nhà nước và quỹ khác của Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận...
Tuệ Minh
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận