Để nền kinh tế không còn quay cuồng với vàng
Bắt đầu từ tuần này, Đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra thị trường vàng. Cùng với một loạt giải pháp đồng bộ triển khai trước đó, Chính phủ kỳ vọng từng bước “dẹp loạn” thị trường này.
Loạt giải pháp bình ổn thị trường vàng
Tính tới cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện 7 phiên đấu thầu vàng, cung ứng ra thị trường hơn 1 tấn vàng. Dự kiến, từ tuần này, Đoàn Thanh tra liên ngành chính thức thanh tra thị trường vàng. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo, kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng. Đến ngày 15/6, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng, thì sẽ bị rút giấy phép.
Mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế vẫn còn lớn, song các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện các giải pháp đồng bộ trên sẽ dần phát huy hiệu quả. “Trong tình hình này, các biện pháp hành chính trở nên đặc biệt quan trọng để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá. Thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng... sẽ không tốn dự trữ ngoại hối, mà lại có thể mang tới hiệu quả cao tức thì”, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) bình luận.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới cho rằng, giải pháp đấu thầu vàng của NHNN có tác động nhất định tới thị trường vàng. Ngoài ra, việc yêu cầu hóa đơn điện tử là rất cần thiết nhằm minh bạch thị trường vàng, ngăn chặn rửa tiền, đã được các nước tiến hành từ lâu.
Giải thích lý do biện pháp đấu thầu vàng trên thực tế mang lại hiệu quả chưa như mong muốn, chuyên gia này cho rằng, nguyên nhân là NHNN đã đấu thầu vàng vào đúng thời điểm giá vàng thế giới tăng mạnh, nên hiệu quả đấu thầu không rõ ràng. Ngay cả khi thị trường được bổ sung nguồn cung, thì giá vàng thế giới vẫn tăng mạnh khiến giá vàng trong nước bật tăng theo.
Dẫu kết quả chưa được như mong muốn, song một loạt giải pháp được triển khai cũng khiến tâm lý thị trường phần nào bình ổn trở lại. Tình trạng xếp hàng mua vàng không còn diễn ra. Tính tới cuối tuần qua, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã giảm về còn 15 triệu đồng/lượng, giảm so với mức chênh lệch 19 triệu đồng một tuần trước đó.
NHNN cho hay, thời gian tới, cơ quan này tiếp tục tiến hành các phiên đấu thầu vàng để tăng cung cho thị trường. Bên cạnh đó, NHNN cũng phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp khác để bình ổn thị trường vàng. Do đó, NHNN khuyến cáo người dân thận trọng khi giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro.
Dẹp “bong bóng vàng” bằng cách nào?
Trên thực tế, không chỉ tại Việt Nam, mà tình trạng cơn sốt vàng đã lan khắp thế giới. Theo ông Shaokai Fan, cầu vàng miếng và vàng xu trên toàn cầu tăng 17% trung bình 5 năm qua, riêng tại Trung Quốc tăng 68%, Ấn Độ tăng 19%, Mỹ tăng 44%...
Nguyên nhân giá vàng tăng là nhà đầu tư không chắc chắn về triển vọng của nền kinh tế, lo ngại về động thái cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu… Bất ổn kinh tế, chính trị thế giới cộng với lãi suất thấp là môi trường lý tưởng để tạo bong bóng tài sản, gây nên sóng vàng trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, cơn sốt vàng không chỉ ảnh hưởng bởi sóng vàng trên toàn cầu, mà còn do khan hiếm nguồn cung vàng, thị trường chứng khoán và bất động sản khó khăn, niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào triển vọng phục hồi nền kinh tế chưa cao…
Cho đến nay, các chuyên gia vẫn có quan điểm khác nhau về biện pháp kéo giảm chênh lệch giá vàng. Có luồng ý kiến cho rằng, chỉ cần tiến hành các giải pháp như NHNN và Chính phủ đang thực hiện là đủ, không cần lãng phí nguồn lực để nhập khẩu vàng. Luồng ý kiến còn lại cho rằng, nhập khẩu vàng là cách duy nhất để cân đối cung - cầu, từ đó giảm chênh lệch giá vàng.
Lịch sử cho thấy, dù chính sách quản lý vàng không thay đổi, song có những giai đoạn chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới biến động không giống nhau. Có giai đoạn nhập khẩu vàng khá lớn (giai đoạn 2014-2015), song chênh lệch giá vàng vẫn khá cao. Ngược lại, có giai đoạn không nhập khẩu nhiều, nhưng chênh lệch giá vàng lại bằng 0, chủ yếu do nền kinh tế tăng trưởng cao, ổn định (giai đoạn 2016-2019).
Giai đoạn giá vàng nhảy múa điên cuồng, chênh lệch giá vàng tăng mạnh gần đây chủ yếu do các kênh đầu tư đều trầm lắng, lãi suất thấp khiến người dân đổ xô vào vàng. Điều này cho thấy, lãi suất có thể là một liều thuốc để trị chênh lệch giá vàng, không hẳn là dựa vào nhập khẩu vàng.
TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng, để người dân không chạy theo vàng, điều quan trọng nhất là phải giữ được giá trị của đồng nội tệ. Nếu người dân lo ngại tiền đồng mất giá, họ sẽ lao vào đất, vào vàng. Nếu người dân thấy tiền đồng được bảo đảm, lạm phát thấp, thì dần dần sẽ gửi tiền vào ngân hàng. Nói cách khác, nếu Chính phủ làm tốt nhiệm vụ đảm bảo giá trị tiền đồng thì tiền chảy vào vàng, vào đất sẽ đuối dần, vàng khó làm mưa làm gió.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận