Để khôi phục niềm tin thị trường tài chính
Kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, bất chấp những dự báo ảm đạm về kinh tế thế giới, đặc biệt, lạm phát trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, thị trường tài chính thời gian qua đang phát ra những tín hiệu lo ngại.
Chứng khoán chao đảo, trái phiếu “đóng băng”
Theo ý kiến trăn trở của một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, nếu các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp gặp khó kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tình trạng này không được giải quyết, tiếp theo sẽ là làn sóng đóng cửa doanh nghiệp, sa thải lao động, tăng trưởng sản lượng sụt giảm, rủi ro đến toàn nền kinh tế.
Trao đổi bền lề kỳ họp Quốc hội với phóng viên báo Tin tức, Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Thời gian qua, thị trường vốn (trái phiếu, cổ phiếu) có nhiều vấn đề phát sinh. Thời gian tới, cơ quan quản lý cần có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn và phân cấp, phân quyền cơ quan quản lý cụ thể để những doanh nghiệp phát hành TPDN phải thực hiện đúng theo cam kết, đáp ứng tính thanh khoản khi trái phiếu đáo hạn. Nếu không giám sát chặt, phát hiện sai phạm sớm, kịp thời dễ gây mất niềm tin đối với giới đầu tư", ĐBQH Trần Anh Tuấn cho biết.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, TS, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành cũng như nới rộng biên độ giao dịch USD trên thị trường ngoại hối từ 3 lên 5% là những động thái mạnh của NHNN sau một thời gian dài NHNN tìm cách duy trì lãi suất ở mức thấp để hổ trợ sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch và ổn định tỷ giá để ổn định tiền đồng.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Đây là những biện pháp mang tính ‘chẳng đặng đừng’ của NHNN khi lãi suất của nhiều quốc gia hàng đầu thế giới tăng mạnh để kiểm soát lạm phát và chặn đứng sự suy yếu đồng nội tệ của các quốc gia này. Tuy nhiên, tại Việt Nam tỷ giá USD/VND vẫn tiếp tục tăng trên thị trường chính thức và nhất là thị trường “chợ đen”. “Thị trường chứng khoán (TTCK) cũng chao đảo có lúc VN Index rơi xuống dưới mức 1.000 điểm. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ‘đóng băng’ vì những vụ điều tra đang diễn ra đối với một số tập đoàn bất động sản lớn”, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Theo PGS TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân, với những chỉ số vĩ mô khá tích cực GDP năm 2022 được dự báo đạt 8%; lạm phát được kiểm soát, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng hàng đầu thế giới nhưng TTCK phản ánh tiêu cực. Phải chăng nguyên nhân xuất phát từ tâm lý tiêu cực của số đông nhà đầu tư khi chứng kiến liên tiếp các vụ việc xử lý lãnh đạo doanh nghiệp, thị trường giảm mạnh?
“Những tiêu cực trong vấn đề phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh, FLC là ‘scandal’ trong TTCK, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khiến một số doanh nghiệp làm ăn chân chính nhưng khi phát hành trái phiếu, tỷ lệ nhà đầu tư tham gia không cao do tâm lý e ngại. Bộ Tài chính cần có những thông tin rõ ràng đối với những doanh nghiệp phát hành trái phiếu; cần đánh giá nhân lực, tài lực và chất lượng hoạt động, sản xuất”, Đại biểu Phạm Văn Hoà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trao đổi bên lề với phóng viên báo Tin tức.
Đối với TTCK, có thời điểm, VN-Index để mất ngưỡng tâm lý 1.000 điểm, với 2 phiên giảm liên tiếp. Trong 2 tháng trở lại đây, thị trường chỉ có vẻn vẹn 1 tuần tăng điểm, đáng chú ý là trong 3 tuần giảm gần nhất thì mức giảm khá mạnh, từ 4% đến 8,5%. Các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật liên tục bị xuyên thủng, các cổ phiếu bị bán rất quyết liệt bất chấp là nhóm đầu cơ hay cơ bản, cổ phiếu bắt đáy có lãi hay lỗ…
Mặc dù thị trường tài chính đang găp nhiều thăng trầm nhưng một số ĐBQH đồng tình: Đối với những doanh nghiệp, cá nhân sai phạm trong lĩnh vực tài chính, doanh nghiệp phát hành trái phiếu sai mục đích, Việt Nam cần xử lý nghiêm để răn đe thị trường, để TTCK, TPDN phát triển lành mạnh.
Cần giải pháp cấp bách linh hoạt, bảo đảm lượng vốn đủ cho kinh tế
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên lề kỳ họp Quốc hội, ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Thanh Hoá) cho biết: Theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam đang có những động thái quyết liệt để chấn chỉnh lại thị trường tài chính. Việc xử lý nghiêm minh nhằm đảm bảo sự công bằng thị trường tài chính, cổ phiếu, trái phiếu. Chính phủ đã và đang xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân gây lũng đoạn thị trường tài chính nhằm tạo sân chơi công bằng, lành mạnh hoá để giữ niềm tin cho giới đầu tư.
“Ai sai đến đâu xử lý đến đó. Trong điều kiện cho phép, cơ quan chức năng, quản lý cần phải có thông điệp trấn an, cố gắng duy trì hoạt động của doanh nghiệp, tập đoàn có cá nhân, lãnh đạo bị bắt vì sai phạm nghiêm trọng. Tôi hy vọng thời gian tới, thị trường tài chính sẽ hoạt động công khai, minh bạch để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng vốn cho nền kinh tế”, ĐBQH Võ Mạnh Sơn cho biết.
Về lĩnh vực TPDN, một số chuyên gia kinh tế lo ngại: Hiện, hàng chục ngàn tỷ đồng TPDN sẽ đến hạn thanh toán những tháng cuối năm và thêm hàng trăm ngàn tỷ đồng TPDN cũng đến hạn phải trả trong 1 - 2 năm tới đang tạo áp lực rất lớn đến đơn vị phát hành và cả nền kinh tế. Theo các chuyên gia kinh tế, để tránh những hệ lụy, vẫn cần giải pháp phù hợp với sự phối hợp của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ bảo đảm có lượng vốn đủ cung cấp cho nền kinh tế.
Trong trường hợp, nhà phát hành không có đủ nguồn tiền trả đúng hạn, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Giải pháp của các nhà phát hành trong trường hợp này sẽ là bán tài sản của doah nghiệp hoặc thanh lý tài sản bảo đảm cho trái phiếu này để lấy tiền trả cho trái chủ; phát hành TPDN mới để lấy tiền trả cho các trái phiếu cũ (đảo nợ). Hoặc hoãn nợ bằng cách đàm phán với các trái chủ để đi đến thỏa thuận lại hoãn lại nợ trong một thời gian nào đó. Trong trường hợp các biện pháp trên đều không thực hiện được thì các trái chủ sẽ yêu cầu ra tòa, có thể kiện ra tòa và yêu cầu tuyên bố phá sản để tòa giải quyết việc đền bù, bồi thường…
Một giải pháp khả thi nữa được chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đưa ra là: Nhà phát hành và người nắm giữ trái phiếu cùng ngồi lại để đàm phán, hoãn nợ với những điều kiện nhất định. Chẳng hạn, trong thời gian hoãn nợ đến hạn từ TPDN, nhà phát hành vẫn phải trả lãi suất trái phiếu cho nhà đầu tư. “Bộ Tài chính và NHNN cần ngồi lại để đề xuất Chính phủ một cơ chế, chính sách hoãn nợ cho những TPDN đã phát hành nhưng đang gặp khó khi đến hạn. Chính sách này khả thi với điều kiện chỉ được hoãn trong một thời gian nhất định (nhà phát hành vẫn trả lãi cho trái chủ), áp dụng đối với các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính, báo cáo tài chính tốt nhưng gặp khó vì lý do khách quan thị trường. Đồng thời, NHNN sẽ có một chương trình cho vay đặc biệt để các nhà phát hành trả lãi cho trái chủ, áp dụng đối với những doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu đúng mục đích…”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Trước đây, sự buông lỏng quản lý khiến các doanh nghiệp tự do phát hành, hiện tại sau các tín hiệu tiêu cực, cơ quan quản lý “thắt” thị trường trái phiếu nhưng việc quá đột ngột lại khiến các doanh nghiệp và nhà đầu tư rủi ro.
Do vậy, PGS TS Phạm Thế Anh cho rằng: Để xảy ra tình trạng hiện nay, không thể không kể đến vai trò của các cơ quan quản lý có liên quan khi chưa xử lý tốt vấn đề truyền thông và đảm bảo thanh khoản cho hệ thống. “Thị trường có những cá nhân, tổ chức sai phạm nhưng để xảy ra tình trạng nghiêm trọng như thế không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc điều tiết thanh khoản của cả hệ thống tài chính. Sự thiếu thông tin minh bạch cho nhà đầu tư, nhất là trong thời điểm hiện nay chưa có một cơ quan nào đứng ra giải thích hay phủ nhận những tin đồn một cách chính thống, quyết liệt. Khi xử lý một vài cá nhân, doanh nghiệp phải đảm bảo doanh nghiệp đó không đổ vỡ và không gây ra sự đứt gãy của cả hệ thống” ông Phạm Thế Anh cho biết.
Theo PGS TS Phạm Thế Anh, việc thanh khoản của thị trường năm 2023 có được tháo gỡ hay không hoàn toàn do vấn đề điều hành chính sách chứ không phải do yếu tố bên ngoài. Theo đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn Nhà nước hiện thanh khoản đang rất dư thừa và họ dùng để mua tín phiếu của NHNN, có nghĩa tiền không luân chuyển tới nơi cần nó trong nền kinh tế. Trong dài hạn để kiểm soát lạm phát, NHNN cần kiểm soát được cung tiền, đặc biệt lượng tiền cơ sở ở mức phù hợp. Tăng trưởng tín dụng nên để cho các NHTM tự quyết định miễn là họ đáp ứng được các chuẩn mực an toàn mà các cơ quan quản lý đặt ra. “Vai trò của NHNN cần phải điều tiết được dòng tiền để đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống và lãi suất xoay quanh mức lãi suất chính sách mà họ đã công bố”, PGS TS Phạm Thế Anh đề xuất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận