Để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng
Việt Nam có những gì và sẽ cần phải tiếp tục làm những gì để có thể hiện thực hoá khát vọng thịnh vượng và viết nên những kỳ tích như “Thần kỳ Nhật Bản”, “Kỳ tích sông Hàn”, hay “Câu chuyện thần kỳ” mang tên Singapore? Đầu Xuân, Tạp chí Đầu tư Tài chính có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Văn Đáng, Nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
TS Nguyễn Văn Đáng: “Khái quát nhất thì chúng ta vẫn là một nước đang phát triển, thuộc nhóm nước thu nhập trung bình (trong khoảng 3000-4000USD/người/năm). Tức là chúng ta còn cách khá xa các tiêu chí để được công nhận là một nước phát triển: GDP bình quân 12.000-15.000USD/năm, và chỉ số HDI phải vượt 0.8. Thách thức nữa là trong tiến trình thúc đẩy phát triển, chúng ta phải kiểm soát được sự phân hóa xã hội, giảm thiểu bất bình đẳng xã hội. Tức là của cải làm ra phải được phân phối rộng khắp cho các nhóm, giai cấp, tầng lớp khác nhau trong xã hội, chứ không để tập trung vào các nhóm thiểu số giàu có”.
- Trong hành trình ấy, Việt Nam có những thuận lợi gì, thưa ông?
TS Nguyễn Văn Đáng: Chúng ta có quyết tâm chính trị với mục tiêu rất cụ thể là đến năm 2045, đưa nước ta thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Mục tiêu này rất rõ ràng và cụ thể, truyền cảm hứng, có khả năng thu hút sự ủng hộ của mọi lực lượng xã hội. Hiện tại, các nguồn lực thiên nhiên và con người vẫn còn nhiều không gian chưa được khai thác, phát huy. Chẳng hạn chúng ta đang có cơ cấu dân số vàng, với số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao, là một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển. Trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, chúng ta cũng đang có quan hệ hợp tác tốt đẹp trên nhiều phương diện với tất cả các quốc gia trên thế giới. Sự hỗ trợ quốc tế, đặc biệt là những bài học phát triển trong quá khứ của nhiều nước trong khu vực có thể giúp chúng ta đi nhanh hơn họ, rút ngắn thời gian hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo nói trên.
- Vậy, trong quá trình tiến đến thịnh vượng của mỗi quốc gia, đâu sẽ là động lực quan trọng nhất, thưa ông?
Đó là khát vọng phát triển! Khát vọng phản ánh những lợi ích, nhu cầu của cá nhân hoặc của cả động đồng. Ẩn chứa bên trong những khát vọng là hệ giá trị mà chúng ta hướng đến. Mục tiêu đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao phản ánh khát vọng thịnh vượng, hẳn nhiên đáp ứng đúng nhu cầu và mong đợi của mọi tầng lớp nhân dân. Rộng hơn, hệ giá trị phản ánh khát vọng của đất nước đã được đề ra là: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đầu tiên, chúng ta hướng đến đạt được sự thịnh vượng về kinh tế; tiếp đó đất nước phải hùng mạnh cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, khoa học kỹ thuật… Thứ ba là dân chủ, tức là xây dựng được hệ thống quản trị quốc gia mà mọi quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, nhân dân làm chủ. Và để tiến đến xã hội văn minh và tiến bộ, một điểm đặc biệt trong các hệ giá trị mà chúng ta đang hướng đến đó chính là công bằng xã hội. Tức là chúng ta hướng đến sự phát triển cân bằng và hài hòa, hướng đến một xã hội phát triển mang tính bao trùm, mọi giai cấp mọi tầng lớp hay mỗi cá nhân đều có thể tham gia vào tiến trình phát triển, đóng góp vào tiến trình phát triển và cùng thụ hưởng thành quả phát triển. Tôi tin rằng khó có ai lại không đồng tình với những khát vọng rất chính đáng như vậy.
Một góc TP.HCM đang phát triển bên bờ sông Sài Gòn - Ảnh: Dương Trường
- Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để đánh thức, khơi dậy khát vọng chính đáng đó, thưa ông?
Sau hơn 35 năm tiến hành đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tích nhất định, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Cuộc sống của người dân trong nước cũng như vị thế quốc gia trên trường quốc tế đã có những thay đổi ngoạn mục theo hướng tích cực. Tuy nhiên, chính trạng thái hiện nay cũng rất dễ khiến chúng ta hài lòng với hiện tại, mà thiếu ý thức về các nguy cơ, cũng như thiếu quyết tâm vươn lên.
Để khơi dậy khát vọng phát triển và phát huy được khát vọng đó như là một động lực cho sự phát triển đất nước thì trước hết cần có những tư tưởng truyền cảm hứng, lay động tâm can mọi người dân. Điều này đang đặt ra nhu cầu tiếp tục hiện đại hóa công tác tư tưởng, tuyên truyền và vận động. Việc này đang rất cần vai trò đi tiên phong của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cả ở khu vực công và khu vực tư nhân, cũng như tầng lớp trí thức.
Con người, mà đặc biệt là người tài sẽ giữ vai trò quyết định trong quá trình hiện thực hóa khát vọng quốc gia. Vậy làm thế nào để có thể thu hút được người tài đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước, thưa ông?
Sự phát triển của bất kỳ một đơn vị nào hay là trên quy mô quốc gia dân tộc không thể thiếu vai trò của những người có năng lực. Nhìn ra các nước xung quanh sẽ nhận thấy vai trò đặc biệt quan trọng của người tài trong tiến trình đưa quốc gia tiến đến hùng cường. Ví dụ, tại Nhật Bản, lực lượng lãnh đạo hành chính mà gốc gác là tầng lớp Samurai giữ vai trò nổi bật. Hay Singapore với việc xây dựng bộ máy chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, trong sạch, hiệu quả, hiệu lực. Một trong số các yếu tố dẫn đến sự thành công của Singapore chính là họ đã áp dụng hệ thống thể chế trọng dụng người tài vào khu vực công.
Mô hình bên Hàn Quốc cũng được ghi nhận có các yếu tố của thể chế trọng người tài khi họ thu hút, xây dựng được cán bộ chính quyền chất lượng, từ đó chung tay với tầng lớp trí thức, doanh nhân, và các lực lượng xã hội khác để hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo…
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thu hút được người tài? Tôi cho rằng trước hết nó phụ thuộc vào hệ thống chính sách của Nhà nước. Từ các quan điểm, chủ trương, và chính sách thì tiếp đó là phải xây dựng được hệ thống thể chế trọng dụng người tài. Có thể hiểu cách đơn giản, nó là một tập các nguyên tắc, chuẩn mực liên quan đến quy trình phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt, thăng tiến… dựa trên cạnh tranh năng lực. Năng lực cá nhân là yếu tố quan trọng nhất để phân công công việc, đánh giá, đề bạt thăng tiến.
- Theo ông, Việt Nam cần làm gì để trở thành một quốc gia thịnh vượng?
Tôi nhấn mạnh trước hết tầm quan trọng của tư tưởng cho nên chúng ta cần đến một triết lý phát triển. Khi xây dựng được một triết lý phát triển thì chúng ta sẽ rõ ràng hơn về hướng đi và cách đi để tiến vào tương lai, cũng nhờ đó mà thu hút được sự ủng hộ của mọi lực lượng xã hội.
Tiếp đó chúng ta cần nhanh chóng định hình hệ giá trị quốc gia Việt Nam. Hệ giá trị này phải phản ánh được mối quan tâm và khát vọng của mọi lực lượng trong xã hội. Bởi chỉ có như vậy hệ giá trị mới có sức sống và khả năng tập hợp sức mạnh, nguồn lực của mọi lực lượng trong xã hội cho mục đích chung.
Thứ ba, chúng ta cần thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình hiện đại hóa nền quản trị quốc gia theo hướng gia tăng hiệu lực, hiệu quả. Đó cần phải là mô hình quản trị quốc gia gắn bó chặt chẽ với bối cảnh hiện tại, truyền thống, và trình độ phát triển của nước ta hiện nay. Bởi chỉ có như vậy thì hệ thống quản trị quốc gia mới có thể vận hành hiệu quả, hiệu lực.
Thứ tư, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý luôn giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong tiến trình hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước. Bởi chính họ là những người hoạch định và thực thi chính sách, tức là những người hành động để hiện thực hóa các tư tưởng, giá trị, mục tiêu, nhiệm vụ…nhằm giúp cộng đồng xã hội đạt được mong ước hay khát vọng. Bởi thế, đổi mới công tác cán bộ để có được đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý tài năng, liêm chính, khát khao cống hiến sẽ là một trong những yếu tố quyết định nhất đối với sự thành hay bại quả tầm nhìn lãnh đạo 2045.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận